| Hotline: 0983.970.780

Sáng kiến Xuất sắc trong Nông học: Đổi mới kỹ thuật canh tác lúa vùng ĐBSCL

Thứ Sáu 15/12/2023 , 09:28 (GMT+7)

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ trong sản xuất lúa ở ĐBSCL, do CGIAR hỗ trợ nghiên cứu và triển khai.

Hội thảo 'Các giải pháp nông học thích ứng với biến đổi khí hậu' tại Cần Thơ ngày 14/12. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hội thảo “Các giải pháp nông học thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Cần Thơ ngày 14/12. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ngày 14/12 tại Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp nông học thích ứng với biến đổi khí hậu”. Thông qua diễn đàn này, Bộ NN-PTNT chia sẻ kinh nghiệm với khoảng 100 nhà khoa học quốc tế, thể hiện cam kết về xây dựng chính sách thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững.

Hội thảo thuộc khuôn khổ sự kiện gặp mặt thường niên của các nhà nghiên cứu của Sáng kiến Xuất sắc trong Nông học – Liên minh tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR-EiA). Từ khi Sáng kiến được khởi xướng vào năm 2019, CGIAR-EiA đã vươn tới 21 quốc gia, giúp đỡ hàng nghìn nông hộ nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cảm ơn các tổ chức nghiên cứu phi chính phủ, đồng thời bày tỏ: “Với nhiều giải pháp cụ thể như cải tiến, phục tráng giống lúa, phát triển hệ thống canh tác, bón phân thông minh, và gần đây nhất là nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính đã hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua”.

Thứ trưởng nói thêm, ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng châu thổ trên thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Các nông hộ ở đây dễ bị tổn thương bởi mực nước biển dâng, xâm nhập mặn. Ngành trồng trọt gặp nhiều thách thức, như diện tích đất canh tác giảm, tình trạng hạn hán, sâu bệnh. Mặt khác, canh tác lúa chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cảm ơn sự hỗ trợ của nhà khoa học quốc tế. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cảm ơn sự hỗ trợ của nhà khoa học quốc tế. Ảnh: Quỳnh Chi.

Đứng trước những thách thức chồng chéo, Bộ NN-PTNT được bạn bè quốc tế ghi nhận bởi những nỗ lực xây dựng chính sách, tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

“Tôi xin chúc mừng Việt Nam và các đối tác đã chính thức khởi động Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam. Đây là dự án quy mô lớn, mục tiêu cụ thể mà tôi đề nghị nên chia sẻ rộng rãi hơn với các quốc gia trong khu vực. Hành trình của các bạn là câu chuyện thành công, và tôi cảm ơn Việt Nam vì sự cởi mở trong những năm qua”, ông Oscar Ortiz, Giám đốc cấp cao lĩnh vực Hệ thống cây trồng của CGIAR nói.

IRRI là một trong các viện quốc tế đảm nhiệm vai trò tổ chức thành viên của CGIAR tại Việt Nam. Viện đã đồng hành với Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) triển khai các gói đổi mới kỹ thuật nông nghiệp. Điển hình, kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ giúp đạt chỉ tiêu “1 Phải 5 Giảm” ở ĐBSCL, tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Các nhà khoa học, nhà quản lý cùng hướng dẫn 4.000 nông dân qua tổ chức trình diễn đồng ruộng, công tác khuyến nông.

Từ năm 2021, IRRI triển khai Sáng kiến Xuất Sắc trong Nông học với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, bình đẳng giới, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ điều phối hợp tác Nam - Nam trong phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Sổ tay hướng dẫn 'Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở ĐBSCL' được trao tay các nhà khoa học. Ảnh: Quỳnh Chi.

Sổ tay hướng dẫn “Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở ĐBSCL” được trao tay các nhà khoa học. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tại hội thảo, Cục Trồng trọt ra mắt Sổ tay hướng dẫn “Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở ĐBSCL”. Cuốn sách là kết quả của chặng đường nghiên cứu 2 năm giữa IRRI và Cục. Đây sẽ là cẩm nang của nông dân vùng ĐBSCL những năm tiếp theo Chương trình 1 triệu ha, phục vụ cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

Cơ giới hóa gieo sạ trong sản xuất lúa rất quan trọng nhằm tăng độ đồng đều phân bố hạt giống theo hàng hoặc cụm, giảm lượng giống, giảm phân bón, tăng khả năng chống chịu bệnh hại, giảm đổ ngã và giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng năng suất và lợi nhuận trồng lúa. Đồng thời giảm phát thải khí nhà kính từ việc giảm vật tư nông nghiệp đầu vào và tăng năng suất lúa.

Kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ được các chuyên gia đánh giá là yếu tố “thay đổi cục diện canh tác lúa”. Cụ thể, một số ưu điểm so với sạ lan là giảm lượng một nửa lượng giống (sử dụng 60 kg/ha so với sạ lan sử dụng 120 kg/ha); giảm lượng đạm 10 - 20% so với sản xuất đại trà; giảm rủi ro đổ ngã, giảm phát thải khí nhà kính; tăng 5% năng suất và độ đồng đều hạt.

IRRI, CGIAR và EiA nhận bằng khen của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

IRRI, CGIAR và EiA nhận bằng khen của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

Sau gần ba năm hoạt động tại Việt Nam, Sáng kiến CGIAR-EiA đã đạt được những kết quả đáng kể, mang lại tác động tích cực trên diện rộng tới. Các thành tựu của Dự án Xuất sắc trong Nông học đã góp phần tạo tiền đề cho sản xuất lúa gạo bền vững. Để ghi nhận những thành tựu này, Bộ NN-PTNT trao tặng bằng khen cho IRRI, CGIAR và EiA vì những đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hợp tác xã chi tiền mua bảo hiểm cho lực lượng thủy nông viên

Dự báo nắng nóng gay gắt còn kéo dài, trong khi nước tích trữ trong các hồ chứa ngày càng suy giảm, Bình Định đang áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm nước tưới…