| Hotline: 0983.970.780

Lãnh đạo Central Retail: 'Nông sản Việt rất tốt, có nhiều thế mạnh cạnh tranh'

Thứ Ba 15/06/2021 , 10:00 (GMT+7)

Tập đoàn Central Retail hiện là một trong những chuỗi bán lẻ triển khai hiệu quả các hoạt động quảng bá, tiêu thụ nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Paul Le, Giám đốc Kiến tạo Giá trị chia sẻ Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam.

Đồng hành cùng nông sản Việt

Thông qua nhiều chương trình tiêu thụ quả vải thiều Bắc Giang những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy Tập đoàn Central Retail rất chuyên nghiệp trong tổ chức tuần hàng nông sản cho các tỉnh, thành Việt Nam, ông có thể chia sẻ câu chuyện của Central Retail về chương trình này không?

Với kinh nghiệm 72 năm kinh doanh trong ngành bán lẻ, nên khi đầu tư vào Việt Nam từ năm 2011, Tập đoàn Central Retail hiểu rất rõ nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chủ lực của Việt Nam.

Nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam đối với các mặt hàng tươi sống, sản vật từ đất trời, từ biển cả rất lớn. Việt Nam có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc sản vùng miền, đa dạng về sản vật từ Nam ra Bắc và thay đổi theo mùa.

Ông Paul Le, Giám đốc Kiến tạo Giá trị chia sẻ Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam. Ảnh: CSV.

Ông Paul Le, Giám đốc Kiến tạo Giá trị chia sẻ Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam. Ảnh: CSV.

Hiểu được những ưu đãi tuyệt vời từ thiên nhiên và truyền thống nông nghiệp của Việt Nam, chúng tôi xác định chương trình “Đồng hành cùng nông sản Việt” là một trong bảy hoạt động chiến lược phát triển bền vững của chúng tôi ở Việt Nam.

Theo đó, thời gian qua, hệ thống đại siêu thị GO!/Big C một thành viên của Central Retail không ngừng nỗ lực triển khai các chương trình như: Thu mua nông sản trực tiếp từ nông dân và các HTX với chiết khấu 0%; Tuần lễ Nông sản địa phương tại Big C; Hỗ trợ Doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ; Kết nối tiêu thụ nông sản vào chuỗi bán lẻ hiện đại của Big C/GO!; Tuần lễ OCOP tại Big C và Chương trình Sinh kế cộng đồng...

Sau hơn 2 năm triển khai tập trung vào thu mua trực tiếp hàng nông sản địa phương, hiện Big C/GO! Việt Nam đã đồng hành cùng 139 HTX trên cả nước, tạo công ăn việc làm cho khoảng 6.000 nông dân Việt và tiêu thụ 20.000 tấn hàng hóa địa phương hàng năm. Một số HTX tiêu biểu như: HTX Hồng Xuân, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); HTX Hà Phong, sản phẩm cam Cao Phong Hòa Bình...

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu nông sản nói riêng gặp khó khăn, đã phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con nông dân. Thấu hiểu điều này, Central Retail đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ giải quyết đầu ra cho nông sản Bắc Giang, Hải Dương. Đặc biệt, gần đây nhất là chương trình “Ngày hội vải thiều”. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức kích cầu tiêu thụ trái vải trên kênh thương mại điện tử.

Từ các hoạt động trên, tôi có thể tự tin nói rằng, chúng tôi đã, đang và sẽ là một trong những đơn vị bán lẻ tiên phong trong các hoạt động quảng bá cho nông sản, đặc sản của Việt Nam.

Khách hàng Thái Lan thăm các gian hàng nông sản Việt Nam tại Tuần hàng Việt Nam tại Thủ đô BangKok. CSV.

Khách hàng Thái Lan thăm các gian hàng nông sản Việt Nam tại Tuần hàng Việt Nam tại Thủ đô BangKok. CSV.

Khi Tập đoàn Central Retail mua lại cổ phần siêu thị Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp), rất nhiều nhà cung ứng nông sản trong nước lo ngại hàng hóa Việt Nam sẽ bị đẩy khỏi kệ, nhưng thực tế chứng minh ngược lại, Big C/GO! đang là một trong những chuỗi bán lẻ tiêu thụ hàng Việt với số lượng rất lớn?

Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam, tầm nhìn của chúng tôi là phát triển cùng Việt Nam, bằng cách hợp tác và hỗ trợ sản phẩm Việt, thương hiệu Việt và các nhà cung cấp Việt Nam. Sự phát triển của Central Retail sẽ luôn song hành cùng sự thịnh vượng của Việt Nam.

Chúng tôi cũng hiểu được lo lắng của các nhà cung cấp, thời gian đã giải tỏa những lo lắng và giúp xây dựng niềm tin vững chắc với các đối tác Việt, tỉ lệ hàng Việt luôn ở mức 90% tại các đại siêu thị của chúng tôi.

Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng, cùng với các nhà cung cấp Việt Nam, xây dựng và phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, dành cho người Việt Nam.

Ông có thể cho biết việc quảng bá, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Thái Lan nói riêng và các thị trường khác nói chung đang được Central Retail triển khai như thế nào?

Xúc tiến Thương mại Việt Nam cũng là một trong những hoạt động mũi nhọn mà Central Retail phát triển và tôi rất vinh dự là một trong những thành viên tham gia hoạt động này từ những ngày đầu tiên.

Chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mang những sản vật đặc trưng và tốt nhất của Việt Nam đến người tiêu dùng Thái Lan. Điển hình là chuỗi sự kiện thường niên Tuần lễ Việt Nam tại Thái Lan kể từ năm 2016.

Tại sự kiện này, chúng tôi có cơ hội cùng các doanh nghiệp Việt Nam đem những sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam là thanh long, khoai lang, vải thiều đến Thái Lan cũng như nhiều sản phẩm chế biến khác như hạt điều rang củi, cà phê rang, trà, trái cây sấy khô, hạt mắc ca, mật ong… giới thiệu đến người dân Thái Lan và du khách quốc tế tại khách sạn 6 sao ở Thủ đô BangKok.

Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức các hội thảo thương mại, kết nối giao thương với sự tham gia từ các chuyên gia người Thái, hỗ trợ định hướng, hướng dẫn cho các nhà cung cấp hiểu các quy định, quy chuẩn trong xuất khẩu và cách đưa hàng vào hệ thống bán lẻ của chúng tôi ở Thái Lan.

Từ Tuần hàng này, các nhà cung cấp Việt Nam có thể nắm được những yêu cầu cơ bản để nuôi trồng, phát triển sản phẩm phù hợp với yêu cầu và xu thế thị trường Thái Lan, cũng như định hướng phát triển ra thế giới.

Tập đoàn Central Retail là một trong những đơn vị bán lẻ có đóng góp rất lớn trong quảng bá và nâng tầm nông sản Việt. Ảnh: CSV.

Tập đoàn Central Retail là một trong những đơn vị bán lẻ có đóng góp rất lớn trong quảng bá và nâng tầm nông sản Việt. Ảnh: CSV.

Nông sản Việt thích ứng rất nhanh

Từ quá trình phân phối sản phẩm nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, ông đánh giá thế nào về tiềm năng, lợi thế chinh phục thế giới của nông sản Việt Nam?

Đây là một câu hỏi rất thú vị và tôi tin rằng người có thể đưa ra câu trả lời tốt nhất chính là khách hàng… Mỗi ngày, các đồng nghiệp của tôi vẫn đang làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đặc biệt đối với mặt hàng tươi sống để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và thay đổi nhanh chóng của khách hàng.

Chúng tôi tiêu thụ hàng trăm tấn rau củ, trái cây, thịt cá mỗi ngày. Điều mà khách hàng của chúng tôi luôn đòi hỏi với những sản phẩm tươi sống, hàng nông sản đó là độ tươi ngon và sự an toàn. Qua thời gian, các nhà cung cấp của chúng tôi đã cải thiện rất nhiều về cách làm cũng như chất lượng sản phẩm.

Tôi cũng là một trong những khách hàng trung thành của hệ thống siêu thị thực phẩm của Central Retail. Tôi có thể nói rằng nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm ở các quốc gia khác mà tôi có cơ hội dùng khi sống và công tác ở đó.

Đầu tiên là sự độc đáo, mỗi một sản vật của Việt Nam đều có một lịch sử rất lâu đời. Ví dụ như quả vải Thanh Hà có lịch sử lên đến 250 năm, điều đó có nghĩa là các nhà nông của chúng ta đã có đến 250 mùa để làm trái vải thơm ngon hơn, chất lượng hơn. Đó là lý do quả vải của Việt Nam thuộc hàng thượng hạng trên thế giới.

Tương tự như vậy, một vài khu vực cao nguyên và miền núi phía Bắc của Việt Nam, ngành trồng trọt đã phát triển hàng trăm năm để mang đến những sản phẩm rau củ rất đặc trưng và tươi ngon.

Thứ hai, rất nhiều công ty lớn trên thế giới đã và đang thiết lập mạng lưới cung ứng của họ ngay tại Việt Nam, để có thể tiếp cận những sản phẩm tốt nhất trực tiếp từ người nông dân. Đó là lý do tôi tin rằng nông sản Việt rất tốt, có nhiều thế mạnh cạnh tranh.

Đặc biệt, chất lượng luôn là vấn đề mà chúng ta phải đề cập đến khi nói đến thế mạnh cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt. Để xuất khẩu, chúng ta cần phải cải tiến rất nhiều về phân loại, hiệu chuẩn và mẫu mã sản phẩm bắt mắt hơn, xây dựng thương hiệu hấp dẫn hơn. Làm được những điều đó, tôi tin chắc rằng nông sản Việt sẽ có chỗ đứng và tạo dựng được danh tiếng trên thị trường quốc tế.

“Người Việt Nam học tập và tiếp thu kiến thức rất nhanh, đặc biệt là họ ứng dụng rất hiệu quả những kiến thức đó vào thực tiễn. Điều này luôn mang đến sự cải tiến, mới lạ và thích thú cho khách hàng khi mua sắm. Ví dụ như các sản phẩm hiện này đều phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, sản phẩm tự hủy sinh học, sản phẩm organic... chỉ trong vòng vài năm gần đây, điều đó chứng tỏ các nhà sản xuất nông sản Việt rất cởi mở, chịu học hỏi và luôn đổi mới sáng tạo”, ông Paul Le chia sẻ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất