| Hotline: 0983.970.780

Nông sản Việt sau EVFTA: Chủ động nhưng không chủ quan

Thứ Sáu 14/02/2020 , 09:14 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định về những cơ hội và thách thức với nông sản Việt sau khi Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại phiên họp toàn thể chiều 12/2 ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, còn gọi là hiệp định EVFTA.

EVFTA là cơ hội lớn cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng...

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT.

Tận dụng lợi thế

- Ông đánh giá thế nào về tình hình xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng sẽ có những thay đổi như thế nào sau khi Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA?

Trước hết, đây là thành quả sau những nỗ lực rất lớn của cả 2 phía, đặc biệt là sự chủ động của Việt Nam trong việc phối hợp với các nước thành viên EU.

Điều này cũng khẳng định quan hệ Việt Nam – EU đang ngày càng toàn diện, sâu sắc và đồng bộ hơn trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới đang gia tăng.

EVFTA sẽ là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng sự thâm nhập của nông sản Việt Nam vào thị trường có GPD lên đến 18.000 tỷ USD.

Trước mắt, EU sẽ xóa bỏ các loại thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế tương đương khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Ngược lại, Việt Nam cũng lên kế hoạch xóa bỏ thuế cho các mặt hàng của EU, trước mắt là 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch xuất khẩu. Sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương với khoảng 97% kim ngạch xuất khẩu từ EU sẽ được Việt Nam xóa bỏ.

Trong danh mục các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có rất nhiều nông sản có lợi thế. Như chúng ta biết, Việt Nam có năng lực xuất khẩu mạnh mẽ vào châu Âu ở nhóm hàng thủy sản, trái cây (cả tươi lẫn chế biến).

Là thị trường trọng điểm thứ 2 của xuất khẩu nông sản Việt Nam, EU có đến 27 quốc gia thành viên, trong đó chúng ta đã đưa nông sản đến 17 nước, đều là những nơi có tiêu chuẩn rất cao.

Khi EVFTA được phê chuẩn, đã có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ, trong đó gồm nhiều sản phẩm truyền thống, ví dụ như nước mắm Phú Quốc. Điều này nâng tầm cho nông sản Việt Nam bằng tính truyền thống, đặc thù, đặc sản.

Sau lộ trình thuế quan, gần 100% các sản phẩm Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế, đây là mức cam kết lớn nhất mà một đối tác đưa ra cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết.

Như vậy, EVFTA sẽ giúp chung ta mở cửa với châu Âu, một thị trường truyền thống tiềm năng, đa dạng hóa về nhu cầu nhưng cũng khắt khe về tiêu chuẩn.

- Với những lợi thế như vậy, người nông dân và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cần làm gì để tận dụng, thưa ông?

EVFTA cũng là đòn bẩy, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện và đồng bộ hơn, đặc biệt là việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.

Cụ thể, chúng ta sẽ tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch giá trị cao vào thị trường EU. Bên cạnh đó, tái cơ cấu một số ngành hàng, nổi lên là các sản phẩm trái cây và thủy sản (tôm và cá tra).

Ngoài ra, chúng ta cũng chú ý hơn vào lâm sản, nhóm sản phẩm chủ lực của Việt Nam với thị trường EU và đóng góp đến 11,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019.

Ngành lâm nghiệp tần cái cơ cấu theo hướng gắn với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đảm bảo giá trị lao động gắn liền với sản phẩm xuất khẩu, kèm theo các chứng chỉ về khai thác theo quy định.

Một điều cần làm nữa là thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Chỉ bằng con đường liên kết chặt chẽ chúng ta mới có thể hoàn thiện được chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến cho đến lưu thông, phân phối tới người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người nông dân và các doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy phát triển thương hiệu. Không chỉ thương hiệu quốc gia mà còn là thương hiệu ngành hàng, đồng bộ trên cả 3 trục sản phẩm gồm cấp quốc gia, cấp tỉnh và OCOP.

Trong xu thế cạnh tranh hiện nay, nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng và nông sản ngoài đóng vai trò ổn định an ninh lương thực còn cần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và đóng góp vào xuất khẩu.

Hoa quả Việt Nam sẽ có thêm lợi thế sau khi EVFTA được thông qua.

Hoa quả Việt Nam sẽ có thêm lợi thế sau khi EVFTA được thông qua.

Không chỉ màu hồng

- Cơ hội đã rõ, nhưng thách thức với nông sản Việt khi đặt chân vào sân chơi châu Âu cũng không hề ít, về nguồn gốc xuất xứ, về chất lượng… Ông có thể làm rõ vấn đề này?

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng sâu rộng và những tác động của quá trình này rất đa dạng. Đối với một hiệp định kỹ thuật bậc cao như EVFTA, có nhiều cơ hội nhưng không được phép chủ quan.

Khi triển khai nghị định này, ở khía cạnh nông nghiệp, tinh thần của Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường là chủ động nhưng không chủ quan. Không được xem ưu đãi về thuế quan là màu hồng vì đó chỉ là nhưng thuận lợi trước mắt.

Chúng ta cần tìm cách vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Trước tiên, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP. Đấy là những thách thức tự nhiên, khi nông sản Việt muốn chinh phục thị trường có GDP lên đến 18.000 tỷ USD.

Ngoài ra, năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên để phù hợp hơn với EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn với Việt Nam. Khi đó, chúng ta phải phát triển các sản phẩm đồ hộp, có thể bảo quản dài ngày đối với cả trái cây lẫn thủy sản.

Sau khi có sản phẩm, một vấn đề nữa là phân phối sâu rộng vào thị trường EU. Để làm được điều này, chúng ta cần kết nối với các kênh phân phối lớn, hiện đại ở khu vực này. Từ các nhà buôn lớn, nhà nhập khẩu lớn đó mới duy trì được kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Qua đó cũng giải quyết được vấn đề bán hàng qua trung gian, khiến người nông dân bị thương lái trục lợi, ép giá.

Cuối cùng, các cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp và nông dân cần phải nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng với thị trường. Tất cả chúng ta đều phải cố gắng sản xuất ra được những gì thị trường cần và đạt giá trị cao thay vì số lượng nhiều.

- Nông sản Việt đi EU sẽ có nhiều lợi thế sau khi EVFTA được thông qua, ở chiều ngược lại các sản phẩm của EU cũng có ưu tiên khi xâm nhập thị trường Việt Nam, vậy chúng ta phải làm gì để giữ lợi thế sân nhà?

Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết khoảng 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định kỹ thuật bậc cao. Khi tham gia một sân chơi rộng như vậy, chúng ta luôn cần có một khoảng thời gian để quá độ, chịu sự cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là điều tích cực, khi chúng ta chấp nhận cuộc chơi như vậy, có thể sẽ phải chịu thua thiệt ban đầu, nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực của nông dân cùng với trách nhiệm của cơ quan quản lý và doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể có được những sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, chúng ta cần xác định các sản phẩm lợi thế mà EU có thể xuất khẩu vào Việt Nam là gì. Thống kê cho thấy, thị phần hàng hóa nhập khẩu từ EU chủ yếu là đồ uống như rượu, bia…

Đây có thể xem như một tương tác, bổ trợ cho các mặt hàng mà Việt Nam còn yếu. Từ đó, chúng ta tìm hiểu, liên kết để cung cấp các vùng nguyên liệu cho họ, cùng hợp tác phát triển.

Như vậy, Việt Nam có thể làm chủ cuộc chơi trên sân nhà bằng chính những sản phẩm của mình. Chúng ta là cường quốc của rất nhiều cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu; là cường quốc về trái cây; là cường quốc về gạo; là cường quốc về thủy sản đặc biệt là tôm và cá tra.

Điều cần thiết là phải phát triển thương hiệu, đẩy mạnh các sản phẩm đặc thù, đặc sản để nâng được lợi thế của hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu.

- Những ngày qua, dịch Covid-19 khiến nông sản Việt lao đao vì khả năng xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc gần như tê liệt, ông đánh giá thế nào về khả năng tái cơ cấu thị trường cho nông sản Việt sau khi EVFTA được thông qua?

Hiện nay, Việt Nam đang làm rất tốt công tác tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị cho nông sản. Điều này giúp chúng ta nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận thị trường, cả xuất khẩu lẫn nội địa.

Trung Quốc là thị trường truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông sản. Trong vài năm gần đây, thị trường này ngày càng đòi hỏi cao hơn về tiêu chuẩn, yêu cầu xuất khẩu chính ngạch các loại nông sản, không còn dễ tính nữa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, có thể thấy được chúng ta cần đa dạng hóa các trục thị trường lớn nhằm giảm thiểu rủi ro.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam có thể phát triển thị trường ASEAN. Với vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm nay, chúng ta có thể tổ chức những hội nghị về nông nghiệp, không chỉ giúp đưa nông sản Việt đến các nước Đông Nam Á mà còn đưa sản phẩm của Đông Nam Á ra thế giới.

Các trục thị trường lớn khác mà Việt Nam có thể phát triển đó là Mỹ với lâm sản, thủy sản; EU với lâm sản, thủy sản, trái cây; châu Phi với gạo; Trung Đông là gia vị, đồ hộp…

Khi đa dạng được các trục thị trường như vậy, Việt Nam có thể hoàn toàn tự tin hội nhập tự lực, tự cường và tự chủ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm