Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN-PTNT trong cuộc đối thoại với Báo NNVN về nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong giai đoạn “dân số vàng” hiện nay.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn. |
30 năm "vàng", giờ còn một nửa
Thưa ông, theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số VN, vào thời điểm 0h ngày 1/4/2019 Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó nam giới là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và nữ giới là 48.327.923 người (chiếm 50,2%).
Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, tụt 2 bậc so với cách đây 10 năm, và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).
Có ý kiến coi đây là mốc dân số vàng, nắm nhiều lợi thế về thị trường lao động và thị trường kinh tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khuyến cáo phải tận dụng ưu thế này, đừng để con số đó là con số chết. Còn ông, ông chia sẻ gì về thông tin này?
Thứ nhất, chúng ta thường nói đến khái niệm “cửa sổ dân số vàng”. Dân số vàng là hiện tượng chỉ xảy ra với mỗi dân tộc một lần trong đời thôi. Tức là khi mà đất nước nghèo, các gia đình sinh rất nhiều con, người già chết rất sớm, chính vì thế cho nên dân số trẻ. Còn khi cuộc sống khá giả lên, các gia đình ít con đi; người già có điều kiện y tế chăm sóc, sống lâu hơn, chính vì thế dân số già đi.
Khoảng thời gian chuyển từ dân số trẻ sang dân số già là khoảng thời gian mà người ta gọi là thời gian cánh cửa sổ vàng. Thường thường đấy cũng là giai đoạn đất nước tiến từ nghèo, từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp hiện đại. Thường thường nước nhanh thì vào khoảng độ 10 - 15 năm, nước chậm thì vào khoảng 30 - 40 năm, hoặc hơn nữa.
Nếu trong quỹ thời gian nhiều lao động, tức là 2 lao động chỉ nuôi 1 người phụ thuộc (trẻ con, người già), giai đoạn đó là đất nước có điều kiện tốt nhất về huy động lao động phát triển kinh tế. Nếu tranh thủ được thời gian đó thì cánh cửa sổ vàng trùng với giai đoạn chạy lấy đà cất cánh của nền kinh tế, và như thế là chúng ta thành công. Ngược lại, nếu chúng ta để lỡ cơ hội đó, chúng ta để thời gian lao động nhiều trôi qua, để sau này chỉ có 1 lao động phải nuôi 2 - 3 người già thì lúc đó chúng ta bỏ lỡ cơ hội mất rồi.
Việt Nam chúng ta đang ở giai đoạn cửa sổ vàng với con số điều tra hiện nay là 69,5% trong độ tuổi lao động, tỷ lệ người già 7%, tỷ lệ người trẻ 23%. Đây là cơ hội rất là ngắn và người ta ước lượng khoảng thời gian cửa sổ vàng này ở Việt Nam chỉ 30 năm thôi. 30 năm đấy kéo dài từ 2005 đến 2035. Chúng ta cần tranh thủ tối đa giai đoạn cánh cửa sổ vàng mở ra.
Có điều, thật ra cánh cửa sổ vàng ở Việt Nam đã bắt đầu từ thập kỷ 1980 rồi và đến nay chúng ta đã khá chậm, nguy cơ chưa giàu đã già xuất hiện. Chúng ta có thể thấy được ở Việt Nam tốc độ già hóa trong thời gian tới là rất nhanh, chỉ trong khoảng 20 năm so với Úc là 73 năm, so với Mỹ là 69 năm, so với Canada là 65 năm. Rõ ràng các nước công nghiệp đi trước họ có một thời gian cửa sổ vàng rộng hơn chúng ta rất nhiều.
Việt Nam chúng ta đang ở giai đoạn cửa sổ vàng với con số điều tra hiện nay là 69,5% trong độ tuổi lao động, tỷ lệ người già 7%, tỷ lệ người trẻ 23% (Ảnh minh họa). |
Vậy trong thời kỳ chúng ta có dân số đông mà lại trẻ thế này thì lợi thế là gì, thưa ông?
Thường người ta nói đến 2 cái lợi. Cái lợi thứ nhất là dân đông thì lao động nhiều và lao động nhiều thì chi phí lao động rẻ. Một trong những điểm rất mạnh của Việt Nam là nông nghiệp Việt Nam phát triển rất tốt. Khi nông nghiệp Việt Nam phát triển tốt như thế thì giá lương thực rất là thấp. Giá lương thực là một trong những cái đóng góp hết sức quan trọng cho tiền lương cơ bản.
Có thể so sánh với một số nước trong vùng của chúng ta như Australia, Singapore, Nhật Bản, rồi so với các nước như Thái Lan, Indonesia thì giá lao động của Việt Nam rất thấp, nhờ đó chúng ta có một khả năng cạnh tranh rất mạnh, thu hút được đầu tư từ bên ngoài. Cộng thêm vào đó là vấn đề tài nguyên tự nhiên, thêm nữa là chính sách thu hút đầu tư… Tất cả những tác động đấy đem lại cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào rất tốt và phát triển doanh nghiệp.
Một thế mạnh khác của dân đông và lao động tốt đấy là sức mua. Hiện nay tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tương đối khá. Chúng ta có 8 triệu người sống ở mức trung lưu. Nếu đến năm 2020 chúng ta sẽ có khoảng 44 triệu người và đến năm 2030 có đến gần 95 triệu người sống ở mức trung lưu.
Tất nhiên số liệu này thay đổi tùy theo cách suy nghĩ khác nhau nhưng về cơ bản là tốc độ phát triển của một nước trung bình đến mức trung lưu và tốc độ đô thị hóa của nó rất nhanh. Ít nhất nhìn vào nước đông dân ta thấy là lao động mạnh và lao động nhiều, cho nên thị trường mua sắm của Việt Nam là một trong những thị trường lớn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Đông nhưng chưa mạnh
Trở lại với thông tin chúng tôi đặt vấn đề ở trên, hiện nay, cũng như tương lai gần, thị trường lao động nước ta có lợi gì chung với số dân tới 96 triệu người và thị trường lao động nông thôn Việt Nam sẽ như thế nào?
Năng suất lao động Việt Nam hiện nay chỉ bằng 7% của Singapore, 17% so với Malaysia, 36% so với Thái Lan - một đối thủ cạnh tranh với chúng ta rất rõ rệt, bằng 42% Indonesia, và bằng 56% Philippines - một nước phát triển tương đối chậm và rõ ràng rơi vào bẫy thu nhập trung bình ở Đông Nam Á.
Hiện nay chúng ta chỉ có 21% lao động có bằng cấp chứng chỉ, nếu nói lao động ở nông thôn chỉ có 13%, tức là trình độ lao động có đào tạo rất thấp. Và chúng ta thấy rằng trong tổng số lao động của chúng ta thì lao động nông nghiệp chiếm khoảng 50% lao động xã hội nhưng năng suất trung bình của lao động nông nghiệp chỉ chiếm có 37%.
Tức là năng suất lao động chung của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước xung quanh. Còn trong lao động Việt Nam phần chính là lao động nông nghiệp thấp hơn rất nhiều so với lao động phi nông nghiệp.
Năng suất lao động chung của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước xung quanh (Ảnh minh họa). |
Như vậy có thể nói là chúng ta đông nhưng không mạnh. Lao động nông thôn chiếm đến 70% tổng số lao động xã hội, và gần 30% lao động nông thôn có nghề phi nông nghiệp nhưng phần lớn là làm không có hợp đồng hay nói cách khác là lao động trong lĩnh vực phi chính thức, không có bảo hiểm, không có hỗ trợ, không có việc làm.
Còn những lao động đã đi vào khu công nghiệp, đã đi vào doanh nghiệp thì điều kiện phát triển rất là không thuận lợi. Các khu công nghiệp hiện nay sử dụng đến 30% lao động nhưng các dịch vụ xã hội, tiền lương nói chung là không cao, và nếu mà xét về chất lượng con người phát triển giữa nông thôn với đô thị thì khoảng cách còn lớn hơn rất nhiều.
Như vậy chúng ta có thể thấy được là lao động nông thôn chênh với lao động đô thị về điều kiện, về năng suất, về mức lương. Cuộc sống của người dân nông thôn, điều kiện của người dân nông thôn, từ người già cho đến trẻ em chênh lệch khá nhiều. Những cái này nó làm cho sức lao động của chúng ta không mạnh cả về trí tuệ lẫn về năng lực thể chất.
Vậy dân số nước ta đông tới 96 triệu người thì có mở ra được thị trường lớn hay không, thưa ông?
Chúng ta thấy rằng một bên nông thôn, bên kia đô thị, thế thì lao động và tài nguyên chuyển từ nông thôn ra đô thị theo tín hiệu thị trường. Mọi giá ở lao động nông thôn và đô thị đều chênh nhau.
Ở đô thị giá đất đắt hơn, giá lao động đắt hơn, giá vốn cũng đắt hơn… Nói chung là toàn bộ tài nguyên tạo ra sức hút của thị trường đem tài nguyên ở nông thôn ra đô thị. Nhà nước cố gắng dùng chính sách của mình để điều tiết lại. Nhưng mà trong khi chúng ta xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, cơ quan, nhà máy tập trung ở đô thị thì chúng ta chỉ có thể điều tiết được một phần nhỏ, rất nhỏ về chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách bảo vệ nông thôn, chính sách bảo vệ môi trường… Bản thân thị trường đối xử với hai cực chênh lệch mà chính sách điều tiết của Nhà nước bù đắp lại ở mức độ nào cũng rất là khác nhau.
Chính vì như thế, ở nông thôn điều kiện làm việc rất là khó khăn, đời sống thấp hơn, cho nên ít nhân lực nhất là người giỏi ít ở nông thôn và sức mua yếu hơn hẳn mặc dù dân số ở nông thôn chiếm 70%. Còn đô thị có nhiều việc làm, đời sống tốt, cho nên dân số đổ về ở mức quá tải và sản xuất thừa nhưng thị trường vẫn hẹp cho nên chúng ta phải dựa rất nhiều vào thị trường xuất khẩu.
Chúng ta có thể thấy đó là nói về nông thôn và đô thị. Còn nói về lãnh thổ thì có thể thấy là các vùng lãnh thổ miền núi phía Bắc 14 tỉnh đóng góp có 3,6% cho ngân sách Nhà nước thôi.
Toàn bộ ngân sách tập trung vào quanh thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. 6 tỉnh Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 42% ngân sách, chịu toàn bộ gánh nặng của đất nước. 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng và Hà Nội đóng góp 30% ngân sách. Có thể nói toàn bộ hai vùng này đóng góp trên 70% ngân sách. Mức sống, thu nhập của hai vùng này cũng là cao nhất cả nước. Như vậy, sự chênh lệch của chúng ta không chỉ là sự chênh lệch ở giữa nông thôn và đô thị mà còn giữa đô thị và đô thị.
Vòng luẩn quẩn trong nông nghiệp
Về mặt thị trường kinh tế, chúng tôi muốn tập trung vào khía cạnh tiêu dùng. Liên quan đến ý này, theo chúng tôi được biết, các chuyên gia đánh giá đó là lợi thế lớn của Việt Nam. Doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ xô vào. Ông có đồng tình với nhận định này không?
Vùng nông thôn Việt Nam đông dân nhưng mà nghèo, cho nên sức mua không đáng kể. Hầu hết thị trường ở nông thôn tiêu dùng hàng phi nông nghiệp, hàng công nghiệp, dịch vụ chủ yếu là hàng rẻ tiền, mua của Trung Quốc chứ không phải hàng công nghiệp Việt Nam.
Vùng nông thôn Việt Nam đông dân nhưng mà nghèo, cho nên sức mua không đáng kể (Ảnh minh họa). |
Trong khi đó, hàng công nghiệp Việt Nam sản xuất ra thừa nhưng chất lượng không cao nên không bán được cho nông thôn cho nên xi măng thừa, sắt thép thừa, chưa nói đến ô tô, chưa nói đến xe máy, chưa nói đến điều hòa hoặc tivi. Vì thế cho nên công nghiệp trong nước không bán được hàng, mà nông thôn thì không có hàng tiêu thụ tốt.
Đấy là một cái vòng luẩn quẩn mà chúng ta đang mắc phải. Vòng luẩn quẩn ấy khó nhất là trong nông nghiệp. Tức là máy móc nông nghiệp không có, giống má nông nghiệp không có, phân bón thuốc trừ sâu trong nông nghiệp hầu như không có… Vì thế, nước ta có nguy cơ rơi vào nông nghiệp gia công, toàn bộ đầu vào phụ thuộc vào nước ngoài và đầu ra cũng phụ thuộc vào nước ngoài.
Ý ông cho rằng Việt Nam chỉ là khâu trung gian cho nước ngoài?
Trung gian cũng tốt, nhưng ở đây là trung gian giá trị thấp. Tất cả những vấn nạn như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, phúc lợi xã hội, thai sản… ta gánh hết, còn hễ có lợi là người ta hưởng. Câu chuyện nằm ở đấy. Còn Việt Nam làm trung gian cũng được. Vấn đề là bao nhiêu cái rủi ro, bao nhiêu cái bẩn thỉu, bao nhiêu cái tệ hại mình gánh hết mà lợi nhuận chẳng được là bao. Chuyện này diễn ra rất rõ trong lĩnh vực chăn nuôi.
Thị trường nông thôn dù có đông dân như thế chứ đông dân nữa cũng không thể nào trở thành thị trường mạnh nếu với tình trạng chia cắt như hiện nay. Chắc chắn thị trường nông thôn sẽ không thể phát triển được như hiện nay bởi vì dân số đông nhưng sẽ bỏ nông thôn ra đi.
Để thị trường chảy về nông thôn
Có một vấn đề là ngoài sức mua của người tiêu dùng trong nước thì việc hoạch định chính sách cần làm gì để tận dụng được lợi thế của Việt Nam, chứ không phải như trên ông nói, chúng ta cứ mãi là thị trường cho hàng Trung Quốc và các loại hàng chất lượng thấp.
Trong khi cả sức mạnh thị trường và sức mạnh chính sách dồn hết đầu tư cho đô thị, trong khi các chính sách của chúng ta về xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài đều tập trung vào đô thị cả, quanh đô thị lớn và một số tỉnh quanh đô thị lớn chỉ có một số chính sách của chúng ta điều tiết như xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn với mức độ không đáng kể.
Tổng đầu tư của toàn xã hội vào nông nghiệp chỉ có 5% cho nên sức mạnh chính sách không phải bản thân anh cầm tiền của Nhà nước tiêu về nông thôn bao nhiêu, mà sức mạnh của chính sách là làm thế nào tạo được động lực để toàn bộ thị trường chảy về nông thôn. Câu chuyện nằm ở đấy.
Xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo động lực để toàn bộ thị trường chảy về nông thôn (Ảnh minh họa). |
Vậy theo ông, làm thế nào tạo được động lực để toàn bộ thị trường chảy về nông thôn?
Tôi lấy ví dụ một giải pháp nếu chúng ta xây dựng cơ sở hạ tầng về nông thôn. Bây giờ làm đường cao tốc về nông thôn, làm đường sắt về nông thôn, làm đường thủy về nông thôn.
Ở đồng bằng sông Cửu Long họ có thể xuất khẩu gạo, trái cây, thủy sản ngay tại đồng bằng sông Cửu Long mà không phải đem về thành phố Hồ Chí Minh nữa. Ở Tây Nguyên người ta có thể xuất khẩu được cà phê, hồ tiêu, hạt điều, ngay tại Khu 5, ngay tại duyên hải Nam Trung bộ thôi, không phải đem về thành phố Hồ Chí Minh nữa, thì lập tức các nhà đầu tư sẽ lên doanh nghiệp sẽ lên, đô thị sẽ chuyển về đấy, đương nhiên như thế.
Tại sao mà Hưng Yên thu hút được Ecopark? Có đường về, đường cao tốc đi qua, lập tức thành phố về thôi. Tại sao Hà Nam đưa được bệnh viện Bạch Mai về? Giao đất cho bệnh viện, xây dựng cơ sở hạ tầng cho bệnh viện. Bây giờ nếu các trường đại học về, các bệnh viện về, các doanh trại quân đội lớn về, các khu đô thị phát triển ra bên ngoài thì nông thôn phát triển không, tạo ra việc làm không? Đấy mới là câu chuyện quan trọng chứ không phải câu chuyện chính sách như chúng ta vẫn hiểu.
Như vậy điểm mấu chốt vẫn là…
Xây dựng một cái nền kinh tế bao trùm, thay đổi mô hình tăng trưởng, thay vì một số động lực hiện nay, thay vì dựa vào một số ngành động lực hiện nay, thay vì dựa vào doanh nghiệp lớn, thay vì dựa vào Nhà nước như hiện nay. Phát triển nông thôn, nông nghiệp dựa vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển tất cả các mặt.
“Ly nông bất ly hương”
Ngoài việc mình tiêu dùng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, thì người hoạch định chính sách sẽ tận dụng lợi thế dân số đó thế nào để định hướng chất lượng hàng hóa? Chẳng lẽ chúng ta mãi cứ là thị trường cho hàng phẩm cấp trung bình thấp, thưa Tiến sĩ?
Khâu đầu tiên là chúng ta phải mở ra cơ hội phát triển cho cư dân nông thôn. Cư dân nông thôn chiếm 70% dân số. Nếu cư dân nông thôn phát triển thì đất nước chúng ta mới phát huy được thế mạnh về lao động và về thị trường.
Trong thời gian vừa qua chúng ta thấy chương trình Nông thôn mới, chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp tạo nên hàng loạt thành tích về xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống nước sạch… tiểu học, mẫu giáo, chăm sóc y tế… và ngay cả thu nhập của người dân cũng tăng lên đáng kể. Thu nhập của người dân nông thôn đã tăng lên...
Tuy là nông thôn phát triển tốt nhưng đô thị phát triển nhanh hơn rất nhiều. Do đó khoảng chênh lệch giữa đô thị và nông thôn về tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ đói nghèo, tỷ lệ trẻ em chết yểu, tỷ lệ nhà vệ sinh hợp chuẩn, về chi tiêu bình quân… vẫn là bức tranh khác nhau rất nhiều.
Người dân ồ ạt bán đất nông nghiệp sẽ không còn tư liệu sản xuất (Ảnh minh họa). |
TS Đặng Kim Sơn: Nhà máy phải đưa về nông thôn. Đô thị giãn về nông thôn và phát triển từ nông thôn. Các công trình dịch vụ phúc lợi lớn như các trường đại học, các bệnh viện lớn cũng phải về nông thôn. Khi chúng ta làm được chuyện này thì bản thân nông thôn sẽ phát triển đô thị. Các đô thị nhỏ ở nông thôn phát triển thành đô thị lớn và như vậy lao động sẽ chuyển sang có việc làm. Đấy mới là ly nông bất ly hương. Tất cả nước đều cùng nhau đi lên thì thị trường sẽ là thị trường cả nước, sức mua sẽ là sức mua của toàn dân… |
Việc giải quyết chuyện này thì đầu tiên là phải cải thiện lao động nông thôn bằng cách rút lao động nông thôn ra, tập trung đất vào và nội dung then chốt của tiến trình này là đổi mới thể chế. Nói về đổi mới thể chế thì nó to tát thật ra chính là đổi mới phương thức tổ chức trong sản xuất nông nghiệp. Chúng ta có 10 triệu hộ tiểu nông.
Hiện nay đây là lực lượng lao động chính, lực lượng sản xuất chính của nền nông nghiệp Việt Nam. Mỗi năm chúng ta thêm 500.000 - 600.000 việc làm phi nông nghiệp, khoảng hơn 1 triệu đến 1,5 triệu lao động xuất hiện thêm hàng năm. Khối lượng lao động dư ra như thế hiện nay đa số là lao động phi nông nghiệp nhưng không chính thức.
Chúng ta phải làm thế nào để số lao động này họ biến thành lao động phi nông nghiệp nhưng chính thức, có tay nghề, có lương bổng, có tương lai, có khả năng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội để ổn định đời sống tương lai cho họ và cho gia đình. Thứ hai là một phần nhỏ lao động nông thôn có năng lực quản lý sản xuất giỏi kinh doanh tốt rút ra thành lực lượng nông dân chuyên nghiệp trong tương lai.
Khi chúng ta tách được lao động ở nông thôn ra theo hai chiều như thế thì đất đai sẽ được tích lũy lại. Giả sử nếu chúng ta tăng quy mô hộ hiện nay là 0,6ha/hộ và chúng ta có 8,6 triệu hộ lao động nông nghiệp ở nông thôn và chúng ta tăng lên ở mức độ 1 hộ có quy mô 2ha tức là tương đương với mức trung bình ở Đông Nam Á như thế chúng ta sẽ rút ra khỏi nông thôn 14 triệu lao động thay vì là 10 triệu lao động như hiện nay. Nếu chúng ta tăng mức độ quy mô hộ lên thành hộ trang trại (5ha/hộ) so với thế giới thì mức này rất nhỏ nhưng ở Việt Nam đây là sự đột phá.
Chắc chắn ở mức độ thế này sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hoàn toàn có lợi, kể cả sản xuất lúa đơn thuần. Khi đó, số lao động phi nông nghiệp đưa ra ở nông thôn là 19 triệu lao động. Muốn tập trung đất đai phải rút ra được lao động. Muốn rút lao động ra phải chính thức hóa lao động. Đây là bài toán chúng ta phải xử lý bằng được.
Ông hẳn có sẵn một số gợi ý?
Chúng ta có thể thấy ở nông thôn đa số làm nông nghiệp nhưng mà có tỷ lệ đáng kể lao động làm phi nông nghiệp và phi chính thức như thợ thợ hồ, ô-sin, cửu vạn, xe ôm… Số này ở đô thị là rất lớn thì phải chính thức hóa chỗ đó. Đây là số lao động phi nông nghiệp nhưng tự làm trong gia đình. Số này họ có điều kiện cải thiện và họ có sự hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ phát triển lên.
Điều quan trọng nhất là nếu chúng ta chuyển được phần phi chính thức sang phần chính thức thì mới có cơ hội giảm bớt lao động trong các hộ gia đình nông dân hiện nay để trong tương lai không còn chiếm 1/2 lao động nữa mà rút xuống chỉ còn khoảng 30% hay 20% lao động thôi. Lao động phi chính thức hiện nay phải được chuyển sang toàn bộ lao động chính thức.
Chúng ta có thể thấy ở nông thôn đa số làm nông nghiệp nhưng lại có tỷ lệ đáng kể lao động làm phi nông nghiệp và phi chính thức như thợ thợ hồ, ô-sin, cửu vạn, xe ôm…(Ảnh minh họa). |
Muốn chính thức, đăng ký lao động, có hợp đồng, có bảo hiểm xã hội, có việc làm, có chính sách hỗ trợ cho họ về thông tin, về vốn liếng, về kỹ năng và họ phải có điều kiện phát triển, có hộ khẩu, có điều kiện cho con cái học hành, chăm sóc sức khỏe ở đô thị, họ phải có điều kiện để tham gia vào quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, kể cả quá trình toàn cầu hóa.
Nhìn trong cả nước, muốn xóa bỏ sự khác biệt giữa các cực, giữa các địa bàn, giữa các ngành nghề thì chúng ta phải xây dựng mô hình phát triển bao trùm, trong đó nông thôn - hiện nay chiếm phần lớn diện tích, đất đai, tài nguyên - sẽ phải là nền tảng phát triển đất nước. Tại đó không chỉ có sản xuất nông nghiệp gắn bó với lao động với đất đai mà cả sản xuất công nghiệp và dịch vụ (trong đó việc làm, thu nhập, đầu tư diễn ra rất sôi động) là đều phải diễn ra trên địa bàn nông thôn.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!