| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 27/12/2012 , 10:04 (GMT+7)

10:04 - 27/12/2012

Ai quản lý giá?

Những người làm công tác quản lý giá không có bất kỳ biện pháp nào để chặn đứng tình trạng tăng giá bất hợp lý đã lặp đi lặp lại suốt hàng chục cái Tết qua.

Người tiêu dùng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang phải trả giá cao hơn cho các loại thực phẩm trong thời điểm cận Tết. Tuy nhiên, lợi nhuận mà người chăn nuôi thu thêm được từ việc “làm giá” này chẳng thấm tháp vào đâu so với nỗi lo mà họ đang phải gánh chịu!

Kể từ đầu tháng 12, thịt heo, gà, bò tại các chợ Hà Nội và TP.HCM tăng giá từng ngày. Mỗi ngày, những người bán lẻ các mặt hàng thực phẩm trên lại “móc túi” từ người tiêu dùng thêm 1 - 2 nghìn/kg. Trong thời bão giá, cứ tưởng 1 - 2 nghìn là nhỏ nhưng “tích tiểu thành đại” nên chưa tới 1 tháng mà giá thịt ba chỉ đã tăng gần 40% (lên gần 100 nghìn đồng/kg), thịt gà công nghiệp tăng ở mức tương đương (lên 55 nghìn đồng/kg). Giá thịt bò cũng chẳng kém cạnh khi tăng tới 10% chỉ riêng trong tuần qua.


Điệp khúc tăng giá khi Tết đến năm nào cũng diễn ra (Ảnh minh họa)

Khi nhìn thấy tốc độ tăng giá chóng mặt của các mặt hàng kể trên, nhiều người sẽ nghĩ đến việc lựa chọn những thực phẩm thay thế như tôm cá, các loại hải sản hay gia cầm khác như ngan, vịt… Tuy nhiên, các mặt hàng này cũng chẳng hề “thua chị kém em” khi đã rục rịch tăng giá từ hồi đầu tháng. Thậm chí, giá rau xanh tại các chợ Hà Nội còn tăng gấp đôi do thời tiết chuyển rét đậm. Nếu có thắc mắc về giá bán thì người tiêu dùng thường chỉ nhận được những câu trả lời chung chung như “gần Tết nên hiếm hàng”, hoặc đổ do giá điện, giá xăng tăng, chi phí vận tải tăng, lạm phát cao… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tất cả những lý do trên đều chỉ nhằm mục đích che lấp nguyên nhân thực sự là tâm lý “té nước theo mưa”, mượn dịp lễ Tết để móc hầu bao người tiêu dùng của các tiểu thương, thương lái khắp các chợ lớn bé trong cả nước chứ chẳng riêng 2 đô thị lớn kể trên.

Điều đáng nói là không chỉ có người tiêu dùng bị thiệt hại khi giá thực phẩm tăng mà cả người chăn nuôi cũng canh cánh nỗi lo vì nếu giá bán lẻ cứ bị đẩy lên cao mãi thì người tiêu dùng sẽ hạn chế ăn thịt. Khi đó, những người chịu thiệt hại lớn nhất sẽ là hàng ngàn hộ gia đình nông dân chăn nuôi ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Thế nhưng, cả người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi đều chẳng biết kêu ai vì thấp cổ bé họng. Nếu có bức xúc thì họ cũng chỉ biết than thở với họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình chứ người tiêu dùng không thể nhịn ăn thịt gà, thịt heo vì đó đều là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Người chăn nuôi cũng chẳng thể đóng cửa trang trại vì họ đã bỏ cả vốn liếng, tài sản, thế chấp nhà cửa, vay mượn khắp nơi để xây dựng chuồng trại.

Trong khi đó, những người làm công tác quản lý giá cả thị trường, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay bảo vệ quyền lợi người nông dân lại không có bất kỳ biện pháp nào để chặn đứng tình trạng tăng giá bất hợp lý đã lặp đi lặp lại suốt hàng chục cái Tết qua. Thậm chí, họ im hơi lặng tiếng đến mức phần lớn người dân còn chẳng biết “ai là người quản lý giá”?!

Bình luận mới nhất