Tôi dồn diễn xuất nước mắt với vai ông Sơn trong “Về nhà đi con”
Vì sao ban đầu khi nhận được kịch bản “Về nhà đi con”, ông lại từ chối?
Thời điểm nhà sản xuất phim "Về nhà đi con" gửi lời mời thì tôi đang vướng lịch quay của một phim điện ảnh khác. Thêm vào đó, tôi cũng đang có một số công việc riêng cần phải giải quyết. Vì e ngại không có thời gian nên tôi đã từ chối và đề nghị với bên đoàn phim mời diễn viên khác. Nhưng sau đó phía đoàn phim bảo rằng sẽ đợi tôi hoàn thành các công việc rồi gia nhập đoàn sau. Tôi xúc động vô cùng. Mọi người đã rất ưu ái và tin tưởng mình, vậy thì tại sao lại từ chối?
NSƯT Trung Anh trong “Người phán xử”. |
Từ Lương Bổng của “Người phán xử” đến ông Sơn trong “Về nhà đi con” đều là những vai diễn nội tâm, đòi hỏi sự biến hoá liên tục. Ông vượt qua áp lực như thế nào?
Đối với người diễn viên thì áp lực biến hoá vào nhân vật cũng là một sự thú vị. Tôi giống Lương Bổng ở sự trượng nghĩa, những điều còn lại thì không phải rồi. Còn với phim "Về nhà đi con", đây là bộ phim tình cảm gia đình. Tôi cũng làm cha, trải qua nhiều sóng gió trong cuộc đời, kết hợp cùng những điều mình tích luỹ từ thực tế cuộc sống, nên cũng không quá khó khăn khi vào vai ông Sơn.
NSƯT Trung Anh có chạnh lòng khi thường vào các vai diễn khắc khổ, chịu nhiều bi kịch?
Tôi thích đóng những bộ phim có kịch bản hay. Không phải vai khắc khổ nào cũng giống nhau mà ngược lại, chúng có sự khác nhau về số phận, về hoàn cảnh, để mình có thêm trải nghiệm về nhân vật. Khi có nhiều kinh nghiệm thì sẽ có thêm chất liệu sáng tạo cho nhân vật. Trong quá trình làm phim, tôi trao đổi với đạo diễn thay đổi tính cách nhân vật nhưng vẫn giữ được cốt. Nếu giữ nguyên kịch bản thì tôi nghĩ không thể nào ông Sơn ấy có sự can đảm để nuôi 3 cô con gái trưởng thành.
Ban đầu, bộ phim được đặt tên là "Nước mắt gà trống", tôi bàn với đạo diễn nếu giữ tên phim như thế thì ông này sẽ khóc nhiều lắm. Nếu giữ tính cách ấy thì không thể nào trụ được ngần ấy năm.
Có 2 đoạn cực kỳ quan trọng tôi dồn diễn xuất nước mắt, trong đó có đoạn hồi tưởng vợ chết ở bệnh viện. Ít khi phim nào tôi khóc kiểu như thế, đó là kiểu khóc "bục" ra chứ những phim khác tôi ghìm nước mắt ở lại. Đúng là diễn vai này rất mệt.
NSƯT Trung Anh trong “Về nhà đi con”. |
Nếu là khán giả, ông ấn tượng với nhân vật nào nhất trong phim “Về nhà đi con”?
Có lẽ là Khải (Trọng Hùng) đóng. Khải là nhân vật từng bị căm ghét nhất trong phim, bị nhiều chị em ngồi trước màn hình buông lời sỉ vả, thậm chí họ kêu gọi lập hội để xử. Họ phẫn nộ thay cho Huệ và biết đâu cả những gì họ chất chứa trong lòng bấy nay. Song tôi tin, dù chị em đang phẫn nộ thế nào mà gặp Trọng Hùng thật ngoài đời cũng phải mềm lòng.
Cao to, đẹp trai, đôi mắt rộng mở nấp dưới hàng mày rậm đầy nam tính, nụ cười thân thiện. Bộc trực, gần gũi, không màu mè và cực giản dị, vậy mà anh đã khắc họa lên một lão Khải khiến nhiều chị em thấy nản khi muốn lấy chồng.
Câu nói của bố đã thay đổi cuộc đời
Là diễn viên gạo cội song phải vài năm trở lại đây, cái tên NSƯT Trung Anh mới được lan tỏa nhiều hơn, thưa ông?
Tôi không nghĩ quá nhiều về vấn đề mình làm phim để được nổi tiếng hay không. Tôi làm nghề đơn giản chỉ mục đích là sống trọn với đam mê. Thú thực, các bạn trẻ bây giờ rất năng động, ngoài đóng phim còn làm thêm kinh doanh này kia nhưng tôi thì không thể. Nếu không đóng phim, làm sân khấu, thì tôi không biết làm nghề gì khác.
NSƯT Trung Anh. |
Cơ duyên nào đưa nghệ sĩ đến với nghiệp diễn?
Ngày trẻ, tôi rất nghịch, thậm chí sống bấp bênh gần đến ranh giới của hư hỏng. Lông bông, chơi bời chán, chả biết làm gì, lại muốn thoát ly gia đình. Thấy nhà hát đăng tuyển diễn viên thế là tôi đi thi. Bố tôi không đồng ý, nhưng thấy tôi cứ quyết thì ông bảo: “Thôi đã thi rồi thì cứ đi, nhưng đừng làm xấu mặt bố”.
Câu nói của ông đã động chạm đến tự ái, khiến tôi lao vào học, làm như điên rồi theo nghề diễn đến tận bây giờ. Câu nói đó của bố đã thay đổi hoàn toàn tính cách và cuộc đời tôi.
Xin cảm ơn ông!