| Hotline: 0983.970.780

Nước lũ lên cao, đê bao ở Đồng Tháp vẫn vững vàng

Thứ Ba 08/10/2024 , 09:00 (GMT+7)

Đồng Tháp Hiện nay mực nước ở đầu nguồn Mekong lên cao hơn cùng kỳ năm 2023, khoảng từ 0,1-0,6m, tuy nhiên các tuyến bờ bao đều an toàn, khả năng đảm bảo kiểm soát lũ tốt.

Hiện tại mực nước ở đầu nguồn Mekong lên cao hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng từ 0,1-0,6m. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện tại mực nước ở đầu nguồn Mekong lên cao hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng từ 0,1-0,6m. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, hiện nay mực nước khu vực đầu nguồn trên địa bàn tỉnh, khu vực nội đồng vùng Đồng Tháp Mười và khu vực phía Nam đều ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023, khoảng từ 0,1-0,6m.

Nhận định, đến giữa tháng 10/2024, nhiều khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và tập trung ở khu vực các tỉnh miền Trung, hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng gây mưa vừa, mưa to ở khu vực trung lưu sông Mekong và tiếp tục bổ sung nước cho vùng hạ lưu làm cho mực nước khu vực hạ lưu rút chậm trong cuối tháng 10 và tháng 11.

Trong tháng 10, trên địa bàn Đồng Tháp sẽ có các đợt mưa lớn diện rộng, với lượng mưa vượt trung bình nhiều năm. Các đợt mưa to thường trùng với kỳ triều cường trong tháng nên gây nhiều bất lợi trong sản xuất và đời sống của người dân.

Về tình hình thủy văn, mực nước tại khu vực đầu nguồn (khu vực ven sông Tiền) sẽ xuống chậm đến ngày 12/10, sau đó lên chậm và đạt đỉnh triều đợt 15/9 âm lịch sắp tới vào khoảng ngày 18 - 20/10 ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn đỉnh triều vừa qua khoảng 5–10cm.

Nhìn chung, đỉnh lũ năm 2024 nhận định ở mức cao hơn năm 2023 khoảng từ 0,1-0,3m. Khu vực đầu nguồn cao hơn khoảng 0,3m, khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười cao hơn khoảng 0,2-0,3m, khu vực phía Nam cao hơn khoảng 0,1-0,2m.

Tuy mực nước lũ năm nay có cao hơn cùng kỳ, qua kiểm tra của ngành nông nghiệp Đồng Tháp hầu hết các tuyến bờ bao trên địa bàn tỉnh an toàn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy mực nước lũ năm nay có cao hơn cùng kỳ, qua kiểm tra của ngành nông nghiệp Đồng Tháp hầu hết các tuyến bờ bao trên địa bàn tỉnh an toàn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, ở các huyện nội đồng Đồng Tháp Mười (huyện Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh, Tân Hồng), cơ bản các ô bao an toàn trước lũ và triều đợt này. Tuy nhiên, đợt lũ và triều ngày 18-20/10 (nhằm 6-18/9 âm lịch) một số ô bao có nguy cơ bị nước tràn vào bờ đê rất lớn.

Cụ thể, ô bao An Tiến - 7 Nhàn, tiểu vùng 2,3 ấp 5 và Thạnh Lợi 9, Thạnh Lợi 7 của xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười và ô bao số 37 và ô bao số 41 thuộc xã Phú Cường, huyện Tam Nông sẽ có nguy cơ tràn cao cần chủ động hệ thống bơm tiêu úng trong trường hợp mưa lớn kết hợp mực nước lũ nội đồng lên nhanh.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng, chống lũ bảo vệ sản xuất ở một số điểm xung yếu tại huyện Châu Thành, Tam Nông và Lai Vung. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị các địa phương chủ động các phương án phòng, chống lũ để bảo vệ an toàn sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt, không để người dân sản xuất tự phát ở các khu vực ngoài đê bao, tránh thiệt hại khi nước lũ dâng cao.

Các địa phương tăng cường kiểm tra rà soát hệ thống cống, trạm bơm, đặc biệt là các tuyến ô bao, bờ bao xung yếu, đồng thời chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị, máy bơm sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có mưa lớn kết hợp nước nội đồng và triều cường lên cao. Đồng thời gia cố, nâng cấp các đoạn đê bao yếu vững vàng nhằm bảo vệ đất lúa thu đông một cách an toàn.

Trước tình hình thủy văn diễn biến phức tạp, bên cạnh yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án phòng, chống lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cũng yêu cầu các Sở, ngành của tỉnh hỗ trợ địa phương trong việc kịp thời dự báo tình hình thủy văn để người dân biết, chủ động cùng chính quyền bảo vệ sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các địa phương chủ động các phương án phòng, chống lũ để bảo vệ an toàn sản xuất và đời sống của người dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các địa phương chủ động các phương án phòng, chống lũ để bảo vệ an toàn sản xuất và đời sống của người dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Từ ngày 17/9 đến nay Sở NN-PTNT Đồng Tháp đã trực tiếp xuống kiểm tra tại địa bàn các huyện Châu Thành, Tam Nông, Lấp Vò, Cao Lãnh, Tháp Mười, Hồng Ngự, Châu Thành, Thanh Bình, Lai Vung, TP Cao Lãnh, TP Hồng Ngự và TP Sa Đéc. Qua kiểm tra các khu vực có nguy cơ xung yếu, kết quả hầu hết các tuyến bờ bao trên địa bàn tỉnh an toàn, khả năng đảm bảo kiểm soát lũ. Tuy nhiên, vẫn còn một số đoạn trũng thấp nước tràn cục bộ đã được các địa phương chủ động gia cố khắc phục nên chưa xảy ra thiệt hại về sản xuất và tài sản do ảnh hưởng lũ.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp còn kết hợp với các địa phương thành lập tổ kiểm tra giám sát, chủ động kiểm tra rà soát hệ thống cống, trạm bơm đặc biệt là các tuyến ô bao, bờ bao xung yếu. Chủ động gia cố, be bờ đồng thời chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị, máy bơm tiêu úng sẵn sàng ứng phó để bảo vệ diện tích lúa vụ 3, cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thuỷ sản.

Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, các dự án bố trí dân cư, thực hiện kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê cấp III Sa Rài, huyện Tân Hồng. Xây dựng tu bổ, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, nạo vét nâng cấp công trình trên sông, kênh, rạch đảm bảo tiêu thoát lũ.

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sinh viên Bình Phước sẽ học đại học ngay tại tỉnh nhà

Bắt đầu từ năm học 2025 trở đi, sinh viên cao đẳng, đại học có hộ khẩu tại tỉnh Bình Phước sẽ không phải đi học xa, mà học ngay tại tỉnh nhà.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà (Bài 4): Mỗi năm hơn 10.000 tấn cá ‘bơi’ đi đâu?

Vùng hồ Hòa Bình hiện có gần 5.000 lồng nuôi cá; sản lượng hơn 10.000 tấn/năm. Dù đã có thương hiệu nhưng cá sông Đà vẫn loay hoay 'tự bơi' tìm người tiêu dùng...

Bình luận mới nhất