| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao kỹ thuật phòng chống lụt bão, hộ đê cấp III đến cấp đặc biệt

Thứ Tư 08/12/2021 , 19:43 (GMT+7)

Công tác tập huấn kỹ thuật hộ đê để chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai, lũ bão, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều được đánh giá quan trọng và cần thiết.

Hội nghị 'Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách bảo vệ đê điều tại các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt'.

Hội nghị "Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách bảo vệ đê điều tại các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt".

Ngày 8/12, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị "Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách bảo vệ đê điều tại các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt".

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận thông tin, thời gian vừa qua, tình hình mưa lũ cực đoan đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó lũ lụt tại châu Âu được đánh giá là thảm họa thiên tai tồi tệ nhất trong gần sáu thập kỷ (làm 188 người chết, hàng ngàn người phải sơ tán).

Tại Trung Quốc, đất nước có hệ thống đê điều, hồ chứa cắt lũ với quy mô rất lớn, thế nhưng năm 2020, lũ trên 53 con sông đã vượt mức lũ lịch sử, gây vỡ đê làm ngập lụt diện rộng (ảnh hưởng hơn 70 triệu người, 271 người chết, mất tích, 54.000 ngôi nhà bị sập, thiệt hại kinh tế trên 35 tỷ USD).

Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi do xuất hiện các trận mưa lớn chưa từng có, quân đội Trung Quốc đã phải cho nổ một số vị trí đê ở tỉnh Hà Nam để chuyển lũ. Ngày 21/7/2021, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Tình hình lũ lụt là vô cùng nghiêm trọng”.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, trên cả nước đã xảy ra 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 128 trận động đất nhẹ, 325 trận mưa đá, dông lốc, sét; 166 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 160 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 18 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc. Thiên tai đã làm 91 người chết, 14 người mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 4.400 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ ngày 27/11 đến 30/11, khu vực miền Trung từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên đã có mưa lớn, gây lũ, ngập lụt trên diện rộng. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 500-700mm; Bình Định, Phú Yên mưa phổ biến 400-600mm. Lũ lớn gần mức lịch sử đã xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Mưa lũ đã làm 17 người chết, mất tích; 969 ha lúa, 951 ha hoa màu bị thiệt hại.

Lực lượng chức năng kiểm tra các khu vực bị ngập lụt. Ảnh: VGP.

Lực lượng chức năng kiểm tra các khu vực bị ngập lụt. Ảnh: VGP.

Mặc dù năm 2021 không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê nhưng hệ thống đê điều cũng đã xảy ra trên 70 sự cố, trong đó có những sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê như: sự cố sạt lở đê tả Thao, tỉnh Phú Thọ; sạt lở kè Nghi Xuyên, đê tả Hồng, tỉnh Hưng Yên; nứt đê nghiêm trọng tại tuyến đê tả Đáy, thành phố Hà Nội, sụt lún đê hữu Đáy, tỉnh Ninh Bình…

"Thực tế công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão gây ra nhiều năm qua đã cho thấy nhiệm vụ của lực lượng quản lý đê có vai trò rất quan trọng, là lực lượng trực tiếp chỉ đạo triển khai xử lý sự cố đê ngay từ giờ đầu hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra; kiểm tra ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật về đê điều gây ảnh hưởng đến thoát lũ, đảm bảo an toàn đê điều", ông Phạm Đức Luận nhấn mạnh.

Do vậy công tác tập huấn kỹ thuật hộ đê để chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ bão, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều được đánh giá là rất quan trọng và cần thiết. Hằng năm, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tổ chức trực tiếp Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt và đạt hiệu quả cao.

Tại Hội nghị, các địa phương đã thảo luận về xu thế thời tiết và tình hình thiên tai bão, lũ những tháng đầu năm 2022; các bài học kinh nghiệm về công tác quản lý trong thời gian vừa qua, trao đổi về các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện, sẵn sàng cho mùa mưa lũ tiếp theo… nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giữ đê an toàn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.