| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm tự phát ở Phù Cát đang gây hại môi trường

Thứ Năm 16/02/2023 , 09:11 (GMT+7)

Những năm gần đây, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) rộ lên nạn nuôi tôm tự phát trong vườn nhà, trên ruộng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất...

Rác thải nuôi tôm bốc mùi, nguồn nước ô nhiễm

Đi sâu vào thôn Ngãi An, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), những ao nuôi tôm trên đất ruộng, trong vườn nhà mọc nhan nhản. Thậm chí, cả những lô đất thổ cư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được chủ nhân đào lên, chung quanh chất những bao xi măng đựng cát để làm bờ rồi lót bạt bơm nước vào nuôi. Đi đến đâu cũng nghe máy sục khí chạy rào rào trên mặt nước.

Theo ông Lê Đình Khánh, người dân thôn Ngãi An (xã Cát Khánh), hoạt động nuôi tôm tự phát ở địa phương này diễn ra đã gần 10 năm nay. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương xử lý không triệt để nên người nuôi tôm theo kiểu này “lờn mặt”, ao nuôi tôm ngoài quy hoạch ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Empty

Ao nuôi tôm tự phát ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) mọc giữa cánh đồng. Ảnh: V.Đ.T.

“Hậu quả rõ nhất là nguồn nước ngầm ở địa phương đang bị cạn kiệt. Nước mặn xả vào ao nuôi tôm lâu ngày thẩm thấu xuống mạch nước ngầm, khiến nhiều giếng nước ngọt trong vùng bị nhiễm mặn, nước có mùi tanh không thể dùng để ăn uống, đất nông nghiệp trong vùng nhiều diện tích phải bỏ hoang không sản xuất được do nhiễm mặn”, ông Khánh cho hay.

Ghi nhận, dọc con đường qua các thôn An Quang Đông, An Quang Tây và Ngãi An (xã Cát Khánh) có hàng chục ao tôm trái phép, mỗi ao nuôi có diện tích từ vài chục đến hàng trăm m2. Ao tôm nằm chen giữa rừng cây, ruộng lúa, khu dân cư. Ông Lê Ngọc An, người dân ở đây bức xúc cho biết: “Mỗi hộ nuôi 3 lứa tôm/năm, đồng nghĩa với 3 lần vệ sinh hồ thì lượng nước thải của mấy chục hồ tôm xả thẳng xuống đầm hoặc xả ra quanh vườn, đó là chưa kể những lần ao tôm thay nước. Thực tế này khiến môi trường chung quanh các ao tôm bốc mùi hôi thối, nguồn nước bị ô nhiễm. Chưa kể, rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi tôm tự phát này bị vứt lung tung”.

Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Bình Định), nuôi tôm tự phát thường đóng giếng lấy nước ngọt, khi nuôi thì bơm nước mặn ngoài đầm vào pha với nước ngọt để có độ mặn phù hợp. Do đó, nuôi tôm tự phát ảnh hưởng lớn đến mạch nước ngầm nghiêm trọng. Nước thải được người nuôi đặt ống nối từ ao nuôi xả thẳng ra đầm. Nuôi tôm trong nguồn nước có độ mặn thấp thì tần suất xả thải càng nhiều, 2-3 ngày phải xả thải 1 lần.

Empty

Ao nuôi tôm mọc ngay trong vườn nhà.

Cần kiên quyết xử lý

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, nuôi tôm tự phát ở địa phương này hầu hết là người dân tự ý đào ao nuôi trong vườn nhà và trên đất trồng lúa. Trước đây, trên địa bàn xã Cát Khánh có đến gần 30 hộ đào ao nuôi tôm kiểu này, sau nhiều nỗ lực ngăn chặn, xử lý của chính quyền địa phương, hiện chỉ còn lại 8 trường hợp nuôi tự phát trong khu dân cư.

“Chính quyền địa phương thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống tuyên truyền, vận động người dân không được tự ý làm hồ nuôi tôm, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thế nhưng để ngăn chặn thì rất khó, bởi các hộ vi phạm chủ yếu đào ao vào ban đêm bằng máy cơ giới nên làm rất nhanh, đến khi chính quyền phát hiện thì họ đã làm xong, vườn ruộng đã thành ao”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu khẳng định, việc đào ao nuôi tôm trong vườn nhà, trên đất nông nghiệp, người vi phạm không chỉ sai về mục đích sử dụng đất, mà còn gây hại đến môi trường. Bởi ao nuôi tôm trong vườn nhà, trên đất ruộng không có nhiều diện tích đất, nên không thể đào ao lắng, ao chứa để xử lý nước thải như những nơi khác, nên phải xả thải thẳng ra môi trường, do đó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân chung quanh và đến sản xuất nông nghiệp vi đất bị nhiễm mặn.

Empty

Hiện vẫn còn nhiều hộ dân xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) bất chấp ngăn chặn của chính quyền địa phương lén lút đào ao nuôi tôm trái phép. Ảnh: V.Đ.T.

“Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ thống kê cụ thể số hộ, diện tích ao nuôi trái phép, kiểm tra từng trường hợp để vận động họ chuyển đổi nghề, đồng thời báo cáo lãnh đạo huyện, xin hướng xử lý”, ông Hiếu kiên quyết.

Vấn nạn nuôi tôm tự phát đã làm “đau đầu” lãnh đạo huyện Phù Cát không ít. Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Những năm qua, UBND huyện Phù Cát cũng đã mạnh tay xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thậm chí yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với nhiều hộ nuôi tôm trái phép trên địa bàn xã Cát Khánh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ dân lén lút đào ao nuôi tôm trái phép chưa được xử lý rốt ráo.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND xã Cát Khánh rà soát quy hoạch sử dụng đất và tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường. Trường hợp các chủ hộ nuôi tôm tự phát không đúng quy hoạch thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, buộc các hộ dừng hoạt động và phải tháo dỡ ao hồ”, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát nói.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.