| Hotline: 0983.970.780

Nước mặn phập phù, nông dân nuôi tôm nước lợ gặp khó

Chủ Nhật 12/02/2023 , 17:44 (GMT+7)

Hiện đã vào chính vụ thả nuôi tôm nước lợ nhưng nông dân ĐBSCL đang gặp khó khi chưa thể lấy đủ nước vào vuông nuôi để thả tôm giống theo lịch khuyến cáo.

Ngóng “nước mặn”

Đã tới vụ đầu thả tôm nhưng đến thời điểm đầu tháng 2 nhiều nông dân ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu lo lắng vì nước chưa đủ độ mặn để thả nuôi, khi đã cải tạo xong ruộng đồng.

Sau khi thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm, nông dân ở Bạc Liêu tranh thủ cải tạo vuông tôm để chuẩn bị thả nuôi vụ đầu năm. Tuy nhiên, những ngày qua độ mặn xuống thấp không đáp ứng được nhu cầu thả tôm, có nơi độ mặn xuống thấp chỉ đạt 1 - 2‰ (phần ngàn).

Người nuôi tôm huyện Hồng Dân ngóng nước mặn. Ảnh: Trọng Linh.

Người nuôi tôm huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu ngóng nước mặn. Ảnh: Trọng Linh.

Anh Nguyễn Văn Te, ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu cho biết: Sau khi thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm vào đầu tháng một, gia đình bắt đầu cải tạo vuông để chuẩn bị thả nuôi tôm. “Hiện nay nhiều tuyến kênh độ mặn chỉ dao động từ 1 - 2‰. Trong khi để con tôm sống được trên đất lúa, độ mặn thấp nhất phải đạt từ 7 - 10‰. Nếu nóng lòng thả giống vào thời điểm này tôm sẽ chết ngay. Do đó, những ngày qua bà con trong ấp Ninh Chài ai cũng lo lắng vì nước không đủ mặn.

Theo kinh nghiệm của ông Đồng Minh Triều, nông dân ấp Sơn Trắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân chia sẻ, khi độ mặn trên kênh chính đạt khoảng 7 - 10‰ mới phù hợp để đưa nước vào cải tạo, vệ sinh ao vuông. Sau khi làm sạch đáy ao vuông mới đưa nước vào ngâm trong vài ngày, tiến hành dọn cỏ rồi xả nước ra và tiếp tục đưa nước mặn ngoài kênh vào ao lắng, xử lý kỹ thuật và thả vèo tôm giống từ 45 - 60 ngày sẽ thả tôm nuôi trên diện rộng mới đạt hiệu quả. “Độ mặn còn thấp nếu lấy vào thả tôm là thua, phải chờ đủ mặn mới lấy được”, ông Triều cho biết thêm.

Huyện Hồng Dân nằm ở vùng giáp nước giữa triều cường Biển Tây và phụ thuộc vào lịch điều tiết nước mặn phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh. Theo lịch thời vụ sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, ở vùng Bắc Quốc lộ 1A, vụ nuôi tôm 2023 bắt đầu từ tháng 1 và kết thúc vào tháng 6. Tuy nhiên, đến nay nhiều tuyến kênh trên địa bàn xã độ mặn đo được chỉ từ 1 - 5‰ nên nông dân vẫn chưa thể thả tôm nuôi. Độ mặn đo tại các cống như Cầu Sắt 0,22‰, Sáu Hỷ 0,14‰, Dì Quán 0,17‰... vẫn đang trong tình trạng còn thiếu và chưa đủ mặn. Trong khi đó, độ mặn đo trong ngày 8/2 tại Ngã Tư Ninh Quới là hơn 8,2‰, trong Âu chỉ đạt 0,87‰.

Ông Sử An Bình, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân cho biết, năm nay dự kiến nông dân vùng chuyển đổi của huyện phấn đấu thả giống trên 26.260 ha mặt nước nuôi tôm. Trong đó, tôm - lúa là hơn 24.700ha, còn lại theo mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến kết hợp với các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, đến nay nông dân mới cải tạo ao đầm được khoảng 30 - 40% diện tích. Nguyên nhân chính là do nước mặn trên các tuyến kênh còn thấp, nơi cao nhất chỉ đạt 5‰, trong khi đó độ mặn nuôi tôm thích hợp nhất phải đạt từ 10 - 15%o.

“Trước tình hình độ mặn trên các tuyến kênh còn thấp như hiện nay, chúng tôi kiến nghị ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu có kế hoạch điều tiết nước mặn hợp lý trong những ngày tới, để bà con có đủ nguồn nước mặn phục vụ cải tạo ao đầm, khẩn trương bước vào thả nuôi vụ tôm mới theo lịch thời vụ”, ông Bình nói.

Theo Chi cục thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, đơn vị đã cho mở cống Giá Rai và cống Hộ Phòng từ ngày 15 - 21/1 để cung cấp nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Bắc Quốc Lộ 1A. Hiện nay, đã cấp đủ nước mặn cho thị xã Giá Rai và khoảng 50% diện tích nuôi tôm của huyện Phước Long. Độ mặn đo được tại khu vực nuôi tôm dao động từ 1,78 - 2‰. Hiện nay, độ mặn trên sông Cà Mau - Bạc Liêu đã ở mức 1,5 - 1,78 ‰. Khu vực phía Bắc Hồng Dân giáp Kiên Giang vẫn còn ngọt, độ mặn dao động từ 1 - 5 ‰.

Hiện tại, tỉnh Bạc Liêu còn nhiều diện tích nuôi tôm đang thiếu nước mặn, riêng huyện Hồng Dân vẫn còn khoảng 15.000ha chưa được đưa vào sản xuất do độ mặn còn thấp, trong khi hiện nay đã vào chính vụ thả nuôi tôm nước lợ.

Ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay ở huyện Hồng Dân còn khoảng 1.000ha lúa - tôm đang trong giai đoạn thu hoạch nên chúng tôi điều tiết chậm để chờ nông dân thu hoạch lúa xong mới điều tiết nước. “Khoảng ngày 10/2, lúa - tôm ở vùng Hồng Dân sẽ thu hoạch dứt điểm, chúng tôi sẽ mở cống để điều tiết nước phục vụ nuôi tôm cho bà con nông dân”, ông Ẩn thông tin thêm.

Thả tôm giống chậm do thiếu nước mặn

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã có hoạch sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2023 và khuyến cáo khung lịch thời vụ thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn. Theo đó, năm 2023 Kiên Giang có kế hoạch nuôi tôm với với sản lượng thu hoạch đạt 116.200 tấn, tăng hơn 5.000 tấn so với năm vừa qua. Năm 2022, nuôi trồng thủy sản của tỉnh tăng trưởng khá tốt, toàn tỉnh thả nuôi được 143.352 ha tôm, sản lượng thu hoạch ước đạt 111.600 tấn.

Nông dân vùng U Minh Thượng Kiên Giang đang kiểm tra độ mặn trong vuông tôm trước khi quyết định thả tôm giống. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân vùng U Minh Thượng Kiên Giang đang kiểm tra độ mặn trong vuông tôm trước khi quyết định thả tôm giống. Ảnh: Trung Chánh.

Lịch thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, từ tháng 1 đến tháng 12 tùy từng vùng sinh thái và hình thức thả nuôi, khi điều kiện độ mặn phù hợp, thực hiện tốt việc cải tạo ao nuôi, tiêu diệt mầm bệnh giữa các vụ nuôi.

Đối với mô hình nuôi tôm sú luân canh trồng lúa (luân canh tôm – lúa) thuộc các huyện vùng U Minh Thượng thả giống tôm sú từ tháng 1 đến tháng 4, thu hoạch dứt điểm vào tháng 8. Riêng khu vực ven biển từ kênh chống Mỹ đến đê Quốc Phòng, thả giống tôm từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023, thu hoạch dứt điểm vào tháng 8. Vùng ven sông Cái Lớn thuộc Tây sông Hậu, thả giống tôm sú từ tháng 1 đến tháng 3 và thu hoạch điểm vào tháng 8.

Vùng Tứ giác Long Xuyên gồm các huyện Kiên Lương, Giang Thành và TP Hà Tiên, thả giống tôm sú từ tháng 3 đến tháng 4, thu hoạch dứt điểm vào tháng 8. Riêng huyện Hòn Đất (khu vực ven biển), thả  giống tôm sú từ tháng 4 đến tháng 5 và thu hoạch dứt điểm trong tháng 8.

Nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm rừng, thả giống từ tháng 1 đến tháng 12, căn cứ vào điều kiện thời tiết và độ mặn từng vùng, lựa chọn thời điểm thả nuôi phù hợp, khuyến khích nuôi theo hình thức thu tỉa thả bù, bố trí ao ương vèo tôm giống giai đoạn đầu từ 3 đến 4 tuần sau đó chuyển sang ao nuôi, định kỳ 1 đến 1,5 tháng thả giống một lần và thu hoạch khi tôm đạt kích cỡ phù hợp. Đối với tôm càng xanh sen với lúa, thả giống từ tháng 2 đến tháng 7, thu hoạch sau 5 đến 6 tháng nuôi, bố trí ao ương vèo tôm giống thời gian khoảng 2 tháng trước khi thả ra ruộng nuôi.

Nông dân Kiên Giang xử lý nước trong vuông nuôi tôm để tiến hành thả tôm giống. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân Kiên Giang xử lý nước trong vuông nuôi tôm để tiến hành thả tôm giống. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trang Minh Tú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Biên cho biết, năm nay huyện có kế hoạch thả nuôi 24.000ha tôm nước lợ, gồm các hình thức nuôi tôm - lúa (21.566ha), tôm nuôi quảng canh cải tiến (3.250 ha), tôm nuôi dưới tán rừng (gần 500ha) và tôm nuôi công nghiệp (155ha). Đến thời điểm này, nông dân đã thả giống được khoảng 13.000ha, tôm phát triển tốt.

Theo ông Tú, khung lịch thời vụ thả nuôi tôm của huyện là từ tháng 1 đến tháng 4. Tuy nhiên, năm nay tiến độ thả giống chậm hơn so với mọi năm, nguyên nhân do nước mặn vào ít, nông dân chưa lấy đủ nước vào vuông nuôi. Nước biển vào nội đồng thường tăng mạnh theo các con nước triều cường. Nhưng năm nay các con triều không cao, thời gian ngắn, nước vào nhanh và rút ra nhanh nên nông dân chưa thể lấy đủ nước để thả giống.

Về kỹ thuật, ông Tú khuyến cáo nông dân nên tuân thủ lịch thời vụ, chọn con giống có kích cỡ lớn, chất lượng của các đơn vị sản xuất tôm giống có uy tín để thả nuôi. Nên ương vèo trước khi thả ra diện rộng hoặc nuôi 2 giai đoạn để hạn chế hao hụt, tăng tỷ lệ thành công của vụ nuôi. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật đã được tập huấn để nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi thương phẩm.

Sở NN-PTNT Kiên Giang chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tăng cường công tác quản lý hệ thống công trình thủy lợi, chủ động cấp nước, đều tiết nước ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhằm tạo điều kiện tốt cho vụ nuôi trồng thủy sản 2003. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Nam vận hành đóng, mở cống Cái Lớn - Cái Bé theo quy trình vận hành phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời vận hành hệ thống cống do Chi cục thủy lợi quản lý để điều tiết nguồn nước phục vụ tốt nhu cầu sản xuất theo kế hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.