| Hotline: 0983.970.780

Ở làng nón ngựa

Thứ Sáu 24/01/2014 , 09:24 (GMT+7)

Điều khác biệt ở làng nón ngựa Phú Gia trong năm Giáp Ngọ này là đơn đặt hàng nhiều hơn, giá bán cao hơn.

Làm nón ngựa là nghề truyền thống của người dân thôn Phú Gia, xã Cát Tường (Phù Cát - Bình Định), hoạt động quanh năm. Điều khác biệt ở làng nón ngựa Phú Gia trong năm Giáp Ngọ này là đơn đặt hàng nhiều hơn, giá bán cao hơn.

Dù đã 76 tuổi, nhưng đôi mắt của cụ Trần Thị Kéo vẫn rất tinh anh, và đôi tay vẫn rất điệu nghệ khi thực hiện những công đoạn tỉ mẩn trên chiếc nón ngựa. Dù công việc yêu cầu người làm phải chăm chú, nhưng với cụ Kéo dường như đã quá quen tay nên vừa làm cụ vẫn có thể vừa trò chuyện. “Đến lớp con của tui thì gia đình tui đã có 5 đời làm nón ngựa, đây là nghề cha truyền con nối, đến cả đàn ông con trai cũng biết làm”, cụ Kéo nói.


Sản phẩm nón ngựa Phú Gia

Tính về tuổi, chiếc nón ngựa Phú Gia đã có niên đại đến hơn 300 năm. Ngày xưa, nón ngựa được làm ra chỉ dành cho giới quan lại, là dân thì phải có gia thế quyền quý mới có khả năng dùng nón ngựa nên ngay trong chiếc nón đã thể hiện sự sang trọng ở những nét bịt bạc, thêu long, lân, quy, phụng… trên chóp nón. Thậm chí, hồi đó chỉ cần nhìn vào hoa văn trên chóp nón là có thể phân biệt được vị thế của người đội.

Ngày nay, nón ngựa Phú Gia trở thành sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. Bà Nguyễn Thị Tuyết (55 tuổi), nói: “Để làm thành 1 chiếc nón ngựa phải mất đến 3-4 ngày. Nguyên liệu làm ra nó không phải dễ tìm, phải lặn lội lên núi mới tìm ra. Đó là những sợi giang, rễ dứa rừng, thân cọ, lá thơm tàu… Nhưng phải lấy đúng vào cuối mùa đông hoặc đầu xuân chất lượng mới cao. Nếu làm đúng nguyên liệu, chiếc nón ngựa trông mỏng manh là vậy nhưng có thể sử dụng đến cả hơn 50 năm”.

Nón ngựa có giá từ 100.000-500.000đ/chiếc, thậm chí có chiếc được bán tiền triệu tùy người đặt hàng. Chị Vân Ly, chủ đại lý nón ngựa ở phường Nhơn Thành (TX An Nhơn, Bình Định), nói: “Gia đình tôi 3 đời buôn nón ngựa. Cứ độ 1 tuần, tôi đi một chuyến hàng vào Nam, bỏ mối sỉ. Vào năm Giáp Ngọ này, nón ngựa Phú Gia tiêu thụ mạnh lắm, giá cũng tăng cao so mọi năm. Có lẽ năm Ngựa, nhiều người đội nón ngựa để cầu phú quý”.

Làng nón Phú Gia hiện còn gần 100 hộ làm nón ngựa. Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó thôn Phú Gia, nói: “Nón ngựa Phú Gia được công nhận làng nghề truyền thống đến nay được 6 năm (2007). Ngoài Phú Gia, các thôn lân cận như Xuân Quang, Kiều Đông thuộc xã Cát Tường cũng làm nón ngựa. Cả người già lẫn trẻ em đều có thể tham gia nghề này”.

“Nhiều du khách nước ngoài đến làng Phú Gia nói là đã biết đến “tên tuổi” của nón ngựa qua các kênh thông tin. Do đó chiếc nón ngựa Phú Gia trở thành vật lưu niệm không thể thiếu. Đây là hướng mở cho làng nghề nón ngựa Phú Gia phát triển”, ông Nguyễn Kim Hùng nói.

Xem thêm
Nuôi ba ba, gặp mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

HẢI DƯƠNG Mỗi năm thị xã Kinh Môn (Hải Dương) này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.