Khai thác là "điểm sáng"
Sản lượng khai thác tăng, theo ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị là do ngư trường thuận lợi; ngư dân đầu tư đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; đầu tư, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học trong quá trình vươn khơi bám biển.
Bên cạnh đó, công tác cấp giấy phép khai thác thủy sản được địa phương hết sức quan tâm, đa phần ngư dân chấp hành quy định.
Đến cuối năm 2024, Quảng Trị đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 753/776 tàu cá. Trong đó, vùng khơi 181/187 tàu; vùng lộng 77/94 tàu; vùng bờ 495/495 tàu; lắp thiết bị giám sát hành trình 184/187 tàu cá; đánh dấu tàu cá 774/776 tàu cá . Cập nhật dữ liệu trên VnFishbase đạt 100% theo quy định. Tổng số tàu cá được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đang còn hiệu lực là 178/186 tàu. Hướng dẫn quy trình xử lý tàu cá hoạt động vi phạm quy định vùng khai thác thủy sản được phát hiện thông qua hệ thống VMS.
Thực hiện Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT, ngày 6/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Quảng Trị công bố danh sách tàu cá “3 không”. Chi cục Thủy sản Quảng Trị tham mưu Sở NN-PTNT triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết dứt điểm tàu cá “3 không” và đã đạt tỉ lệ 100%.
Quảng Trị hiện đang tiếp tục hướng dẫn các chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu cá và các chính sách khác cho ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tăng cường vươn khơi, bám biển khai thác thủy sản, nhất là các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 620 chuyến biển tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị, cho biết, năm 2024, đơn vị phối hợp các lực lượng biên phòng, công an tỉnh và thanh tra xử phạt 60 vụ vi phạm khai thác IUU với số tiền gần 500 triệu đồng.
Cũng theo ông Thặng, các huyện ven biển cần vào cuộc quyết liệt, tuyệt đối không để phát sinh thêm tàu cá “3 không” sau ngày 31/12/2024. Các Đồn Biên phòng ven biển cần kiên quyết không để tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa có hoặc hết hạn giấy phép xuất lạch ra biển khai thác...
Nuôi trồng vượt khó
Năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản tại Quảng Trị đạt trên 8,7 nghìn tấn. So với chỉ tiêu, kế hoạch, sản lượng và diện tích nuôi trồng thủy sản không được như kỳ vọng. Tuy nhiên, đây cũng là năm nuôi trồng thủy sản tại Quảng Trị gặp nhiều yếu tố bất bất lợi do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản tại Quảng Trị chịu nhiều tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước. Để tạo tính bền vững cho nuôi trồng thủy sản, ngành thủy sản Quảng Trị tích cực hướng dẫn, phối hợp với các địa phương phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh có trên 111ha nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao (101% kế hoạch).
Bên cạnh đó, địa phương cũng tích cực triển khai các mô hình nuôi trồng mới, các đối tượng nuôi mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Các mô hình này đem lại nhiều hi vọng và có thể nhân rộng giúp tăng hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân.
Thời gian qua, Quảng Trị tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi tôm. Đến nay, tại địa phương có 3 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện nay, tại 2 huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong, các nhà đầu tư đang triển khai 2 dự án nuôi tôm công nghệ cao.
Ông Phan Hữu Thặng cho biết, ngành thủy sản rất mong các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản đã được chấp thuận chủ trương đầu tư triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng sớm đi vào hoạt động. Những mô hình này vừa giúp địa phương khai thác các tiềm năng sẵn có, tạo công ăn việc làm và cũng sẽ giúp người dân thay đổi tư duy trong nuôi trồng thủy sản.
Năm 2024, Chi cục Thủy sản Quảng Trị phối hợp Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh Thủy sản miền Bắc thông báo kết quả 19 đợt quan trắc; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo 7 đợt quan trắc; lấy mẫu và thông báo kết quả 9 đợt quan trắc môi trường các vùng nuôi tôm tập trung tại 16 điểm nước cấp của 15 xã, phường trên toàn tỉnh.