Ông Phạm Quang Toản, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh, 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch phát triển ngành 2026 - 2030.
Theo đó, Cục Thủy sản sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương thực hiện các quy định của Luật Thủy sản 2017; các nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cục Thủy sản cũng sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương Chiến lược phát triển thủy sản đề ra, đó là giảm khai thác và tăng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước đối với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành thủy sản thực hiện Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt. Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản. Tiếp tục thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế thủy sản và chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị.
Mục tiêu cụ thể mà ngành thủy sản đặt ra trong năm 2025 là tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt gần 1,33 triệu ha, tăng 2% so với năm 2024, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 390.000ha; diện tích nuôi mặn, lợ 937.000ha (tôm nước lợ 750.000ha).
Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9,6 triệu tấn, tương đương so với năm 2024, trong đó sản lượng khai thác đạt khoảng 3,66 triệu tấn, giảm 5,2% so với năm 2024; sản lượng nuôi trồng đạt hơn 5,95 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10,5 tỷ USD.
Ông Toản cho biết, sản lượng khai thác thủy sản của nước ta năm 2024 đạt gần 3,86 triệu tấn, vượt 8,9% kế hoạch, tăng 0,6% so với năm 2023, không đạt chỉ tiêu đề ra là giảm còn 3,54 triệu tấn.
"Vì vậy trong năm 2025, ngành thủy sản sẽ tiếp tục điều chỉnh, giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao giá trị cả trong khai thác lẫn nuôi trồng, từ đó gia tăng giá trị sản xuất các sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng", ông Toản nhấn mạnh.
Ông Toản nhận định, ngành thủy sản năm 2025 sẽ đối mặt với cả thuận lợi lẫn thách thức. Về thuận lợi, chính trị và kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện để ngành duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả được nâng lên.
Các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện các mục tiêu, giải pháp Chiến lược phát triển thủy sản được triển khai đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế cấp cao phát triển cũng là cơ hội để phát triển thị trường cho sản xuất thủy sản.
Ngoài ra, tổ chức bộ máy được sắp xếp, tinh gọn, năng lực cán bộ tiếp tục được nâng cao giúp công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý thống nhất, hiệu quả.
Tuy nhiên, ngành cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Biến đổi khí hậu với các diễn biến thời tiết khó lường, hạn hán, xâm nhập mặn và nguy cơ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản là những rủi ro không nhỏ.
Nguồn lợi thủy sản tiếp tục suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biễn phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể.
Cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vẫn chưa được gỡ bỏ, gây ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục, sự canh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng là những vấn đề nan giải.