| Hotline: 0983.970.780

Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Thứ Hai 20/01/2025 , 16:39 (GMT+7)

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Sản xuất và xuất khẩu đều khả quan

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2024, diện tích nuôi nhuyễn thể của cả nước là 57.000ha, sản lượng đạt gần 478.000 tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, Việt Nam đã thành công trong sản xuất giống nhân tạo một số loài nhuyễn thể quan trọng như ngao/nghêu, hàu, bào ngư, sò huyết, điệp quạt, trai ngọc, tu hài, ốc nhảy và vẹm xanh...

Trong cơ cấu các mặt hàng nhuyễn thể xuất khẩu, ngao vẫn giữ vai trò chủ lực, chiếm 50 - 70% tỷ trọng. Ảnh: Hồng Thắm.

Trong cơ cấu các mặt hàng nhuyễn thể xuất khẩu, ngao vẫn giữ vai trò chủ lực, chiếm 50 - 70% tỷ trọng. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngành nhuyễn thể của nước ta hiện chưa được khai thác đúng mức. Trước đây ngành chủ yếu tập trung vào sản lượng, trong khi đó giá trị từ chế biến sâu vẫn còn rất hạn chế.

Cả nước hiện có có 635 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nhuyễn thể. Các địa phương đã kiểm tra, cấp chứng nhận cho 146/635 cơ sở, chiếm 23%.

Sản lượng giống nhuyễn thể sản xuất năm 2024 đạt hơn 190 tỷ con, chủ yếu là ngao, hàu Thái Bình Dương. Các đối tượng nhuyễn thể còn lại hiện đang sản xuất ở quy mô nhỏ với số lượng giống ít.

Các mặt hàng chế biến từ nhuyễn thể hiện khá phong phú, gồm thịt ngao luộc đông lạnh IQF, ngao luộc một mảnh vỏ, ngao nguyên con, cồi điệp đông lạnh, thịt sò đông lạnh, thịt ngao hộp... Nhìn chung các mặt hàng nhuyễn thể khá được ưa chuộng và tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa, nhiều sản phẩm đã có mặt ở các siêu thị lớn trong nước.

Về xuất khẩu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ của nước ta cũng đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam đạt 144 triệu USD; năm 2023 đạt 127 triệu USD và đạt 195,3 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2024.

Xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2024 đã có những biến động đáng chú ý. Trong đó, ngao/nghêu vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm 50 - 70% tỷ trọng, nhưng xu hướng xuất khẩu không ổn định và tỷ trọng có dấu hiệu sụt giảm. Ốc đang nổi lên mạnh mẽ, chiếm 8 - 23% và có sự tăng trưởng đột phá trong năm 2024. Điệp cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng mạnh tương tự ốc, chiếm 9 - 15% tỷ trọng. Hàu mặc dù chỉ chiếm 3 - 11% nhưng cũng có mức tăng đáng kể trong những năm gần đây. Các loài nhuyễn thể khác như hến, bào ngư, vẹm... chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Phải đáp ứng được 3 yêu cầu của thị trường

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) đánh giá, ngành nuôi nhuyễn thể có nhiều điểm mạnh nhưng cũng đối mặt không ít thách thức.

Về điểm mạnh, Việt Nam sở hữu khung pháp lý hoàn chỉnh, lợi thế tự nhiên phong phú, nguồn lao động dồi dào, năng lực sản xuất lớn và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cao cả trong nước lẫn xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành này cũng tồn tại nhiều điểm yếu như hạ tầng và công nghệ chưa đồng bộ, sự phụ thuộc vào tự nhiên, ô nhiễm môi trường và hạn chế trong việc xây dựng thương hiệu. Đây là những rào cản lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.

Xuất khẩu hàu có mức tăng đáng kể trong những năm gần đây. Ảnh: Duy Học.

Xuất khẩu hàu có mức tăng đáng kể trong những năm gần đây. Ảnh: Duy Học.

“Ngành nuôi nhuyễn thể đang đứng trước nhiều cơ hội, bao gồm sự mở rộng của thị trường quốc tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) và xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh, ít phát thải. Dù vậy, ngành này cũng phải đối mặt với các thách thức lớn như vấn đề giao khu vực biển, tác động của biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế, các rào cản thương mại và rủi ro dịch bệnh...”, ông Hữu đánh giá.

Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam cho biết, Công ty là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu ngao hàng đầu của Việt Nam, với hơn 80% sản phẩm có mặt tại nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Đồng thời còn giữ vị thế top đầu nhà cung cấp ngao tươi sống cho hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm và chuỗi nhà hàng lớn trong nước.

“Nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ nói chung và nuôi ngao nói riêng ở nước ta đang trên đà phát triển mạnh. Nếu được đầu tư hợp lý có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn lớn thứ 3 trong lĩnh vực thủy sản sau tôm, cá tra”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Tuy nhiên ông Nguyên cũng chỉ ra một số vấn đề mà ngành nuôi nhuyễn thể hiện đang phải đối mặt như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, suy giảm chất lượng môi trường sống, dịch bệnh, cạnh tranh thị trường gay gắt, chất lượng con giống chưa đảm bảo, chuỗi cung ứng và tiêu thụ thiếu bền vững, công tác quản lý còn yếu, chưa có quy hoạch tổng thể vùng nuôi…

Để ngành nuôi nhuyễn thể phát triển bền vững, ông Nguyên cho rằng trước hết cần xác định rõ các vùng nuôi phù hợp, tránh chồng chéo và đảm bảo chất lượng môi trường. Cấp phép chặt chẽ cho các hộ nuôi, doanh nghiệp để kiểm soát quy mô và đảm bảo tuân thủ quy định. 

Bên cạnh đó, cần đầu tư nghiên cứu để tạo ra các giống ngao mới có năng suất cao, kháng bệnh tốt và thích nghi với điều kiện môi trường khác nhau. Phát triển các cơ sở sản xuất giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng nguồn giống.

Song song đó, phải xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nhuyễn thể Việt Nam, trong đó có con ngao, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường… Đặc biệt, cần hỗ trợ người nuôi về vấn đề tài chính, đào tạo và bảo hiểm.

Ông Nguyên cho hay, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành nuôi ngao nói riêng, nhuyễn thể hai mảnh vỏ nói chung. Nhu cầu của thị trường đối với các mặt hàng này cũng rất lớn, nhưng ngành này phải đáp ứng được 3 yêu cầu của thị trường, một là chất lượng tốt, hai là giá thành thấp, giá bán cạnh tranh và ba là an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

"Giá các mặt hàng nhuyễn thể hiện ở mức cao, phản ánh tình trạng cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi vẫn là việc tổ chức sản xuất. Cần tiến hành rà soát số lượng nhà máy chế biến hiện có, từ đó thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và vùng nuôi trồng. Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành này, các địa phương cần chủ động xác định và đề xuất những khu vực tiềm năng có thể hình thành liên kết sản xuất", Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nói.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.