Ngày tiễn ông Công, ông Táo năm 2025, tại làng nghề nuôi cá giống Hội Am (xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) không khí vui tươi, phấn khởi lạ thường. Người dân không chỉ được mùa mà còn được giá, cung không đủ cầu.
Anh Đỗ Văn Đoàn, một người dân làng Hội Am tự hào khoe những đàn cá chép ta, cá chép vàng, cá chép Koi đủ màu sắc tung tăng bơi lội chờ thương lái đến lấy nốt để kịp cung ứng cho khách hàng trước thời điểm 11h.
Anh Đoàn cho biết, gia đình nuôi cá giống đã lâu với diện tích ao hơn 1ha, ngoài các loại cá chép phục vụ ngày ông Táo, anh còn ương nuôi cá chép Tam Dương (cá chép đỏ) và cá chép ta (cá chép đen) để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán với số lượng lớn. Thông thường cá sẽ được nuôi từ cá bột, chăm sóc cẩn thận đến khi đạt trọng lượng 5 - 10 con/kg thì bán ra thị trường. Giá bán dao động từ 90.000 đến 240.000 đồng/kg tùy màu sắc và kích cỡ.
Theo anh Đoàn, năm nay cá chép ta (20 - 30 con/kg) có giá từ 80.000 đồng/kg, còn cá chép Tam Dương giá cao hơn. Sau khi trừ mọi chi phí, dự kiến mỗi sào cá sẽ thu lãi từ 10 đến 15 triệu đồng, gấp 5 đến 7 lần so với trồng lúa hay rau màu cả năm. “Năm nay không ngờ sức mua tốt, ngày ông Táo chúng tôi đều bán hết cá và được giá, nhà nào cũng phấn khởi”, anh Đoàn nói.
Không chỉ gia đình anh Đoàn mà hàng trăm hộ dân khác trong làng cũng phấn khởi nhờ dịp này bán được cá với giá cao. “Năm nay gia đình tôi chỉ thả nuôi hơn 1 sào ao, chủ yếu là cá chép vàng và cá chép Tam Dương, thu được khoảng 2 tạ, lãi khoảng 20 triệu đồng”, ông Đỗ Văn Thiết, một người dân thôn 9, làng Hội Am chia sẻ.
Cá chép đỏ làng Hội Am được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng bởi màu sắc đỏ đậm tự nhiên, đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp mắt và giá cả phải chăng. Chất lượng cá được đảm bảo bởi kinh nghiệm nuôi dày dặn của người dân.
Việc nuôi cá chép đỏ không khó, nhất là với những người làm nghề lâu năm. Chỉ cần chú ý hơn vào cuối năm, khi thời tiết lạnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cá. So với các loại cá khác, cá chép đỏ có thời gian nuôi ngắn hơn, thu hoạch nhanh hơn và việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.
Ông Đào Xuân Luân, Chủ tịch UBND xã Cao Minh phấn khởi cho biết, Hội Am đã được UBND thành phố Hải Phòng công nhận là làng nghề truyền thống nuôi cá giống năm 2021. Hiện cả làng có khoảng 400 hộ tham gia nghề nuôi cá với tổng diện tích gần 80ha. Diện tích nuôi cá của mỗi hộ dao động từ 2 - 3 sào đến gần 10 mẫu. Trong đó, có khoảng 20 hộ nuôi cá chuyên phục vụ dịp ngày ông Táo với tổng diện tích khoảng 20ha.
Những năm qua, chính quyền địa phương luôn hỗ trợ người dân thông qua việc phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chọn giống, chăm sóc cá, trung bình 2 - 3 lớp/năm, hàng nghìn lượt người tham gia.
Bên cạnh đó, UBND xã Cao Minh còn tích cực kết nối tiêu thụ, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất. Nhờ nghề nuôi cá, nhiều hộ dân Hội Am đã thoát nghèo, làm giàu.
“Năm nay sức mua tốt, đến khoảng gần trưa thì các hộ đều bán hết cá. Chúng tôi chưa thống kê cụ thể nhưng sản lượng bán được ước đạt khoảng 20 tấn với giá giao động từ 3 - 10 nghìn đồng/con, cao hơn hẳn năm ngoái”, ông Luân cho hay.