Sau hơn 5 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai một cách đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương ở Đắk Lắk. Đến nay, địa phương này đã công nhận 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 123 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao) trên địa bàn 57 xã, phường.
Các sản phẩm OCOP tại Đắk Lắk đã nhanh chóng khẳng định vị thế, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới…
Qua Chương trình OCOP đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. Là một trong số sản phẩm OCOP được đánh giá 3 sao, thương hiệu Tinh bột nghệ Kim Luyến (huyện Cư M'gar) một lần nữa khẳng định chất lượng sản phẩm và củng cố thêm chỗ đứng trên thị trường.
Bà Trần Thị Kim Luyến, chủ cơ sở Tinh bột nghệ Kim Luyến cho biết, việc tham gia đánh giá sản phẩm theo Chương trình OCOP là cách để đơn vị sản xuất mạnh dạn đặt mình vào những phân tích, đánh giá cụ thể để có thể nhận diện rõ những hạn chế, thiếu sót, tiếp tục đúc rút kinh nghiệm hoàn thiện mình.
“Việc sản phẩm được công nhận OCOP người tiêu dùng sẽ tin tưởng, an tâm khi sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, đó cũng là một lời nhắc nhở cho các chủ thể cần phải cố gắng mỗi ngày hoàn thiện hơn nữa vì nhu cầu của thị trường đòi hỏi chất lượng ngày càng cao”, bà Luyến nói.
Ông Nguyễn Công Văn, Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, địa phương có 21 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó sản phẩm cao nhấp là 4 sao liên quan đến cà phê. Địa phương là huyện nông nghiệp nên các sản phẩm OCOP cũng phải gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương bao gồm liên quan đến ngành hàng cà phê, tiêu, các loại cây ăn trái và số sản phẩm chăn nuôi.
“Đây là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để chương trình được phát triển mạnh mẽ địa phương khi thực hiện đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. Khi các sản phẩm tham gia OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường và mang bản sắc của địa phương. Phát triển được các sản phẩm thì phát huy được lợi thế của bà con nông dân trong quá trình sản xuất”, ông Văn chia sẻ.
Phó chủ tịch huyện Cư M’gar cho biết thêm, khi được công nhận OCOP giá trị của các sản phẩm được nâng cao thành hàng hóa. Huyện Cư M’gar đang tái cơ cấu từ làm nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm OCOP không dừng lại trong phạm vi của huyện, của tỉnh mà mong muốn vươn tầm thế giới.
“Khi xây dựng các sản phẩm OCOP địa phương luôn chú trọng phát huy được lợi thế cạnh tranh của huyện về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng của từng vùng và văn hóa của từng dân tộc. Khi sử dụng sản phẩm OCOP sẽ giúp cho người tiêu dùng biết được Cư M’gar, có hồn cốt của địa phương trong đấy.
Phát huy lợi thế của địa phương, từ đó sẽ nâng cao được giá trị của sản phẩm. Các sản phẩm OCOP cũng giúp cho nông dân từng bước áp dụng công nghệ thông tin, kể cả là chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Trước đây người dân chỉ biết bán hàng ở chợ, mua bán nhỏ lẻ, nhưng bây giờ có thể live trực tiếp để bán hàng. Khi được công nhận OCOP là sản phẩm kiểm định rồi thì chất lượng sẽ được nâng lên từ đó nâng tầm được các sản phẩm nông nghiệp của địa phương”, ông Văn nhấn mạnh.