| Hotline: 0983.970.780

Ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện KHNN Việt Nam: Chuyển đổi, mấu chốt là tích tụ đất đai

Thứ Năm 28/04/2011 , 14:58 (GMT+7)

Giám đốc Viện KHNN Việt Nam chia sẻ với NNVN về những nút thắt và cách tháo gỡ trong chuyển đổi lúa sang màu…

Nút thắt nào theo ông là vướng nhất trong chuyện chuyển đổi lúa sang màu?

Chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất lúa sang màu có từ hồi cựu Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Công Tạn, Lê Huy Ngọ nhưng chủ yếu mới dừng ở mức bàn về các vấn đề kỹ thuật. Theo tôi vấn đề mấu chốt không nằm ở đó bởi về kỹ thuật hiện nay không có vấn đề gì lớn cả. Ở đồng bằng Bắc bộ, chúng ta hô hào chuyển đổi trong khi mỗi hộ nông dân chỉ có vài sào, giả sử mỗi sào khi chuyển đổi tăng được vài chục ngàn tiền lãi thì với quy mô nhỏ giá trị khi tăng lên có là bao?

Sản xuất hàng hóa mới có thị trường và có thị trường mới thúc đẩy được sản xuất. Ví dụ như nhà máy sản xuất chíp bim bim từ khoai tây ở Bắc Ninh hiện đang phải nhập một lượng khoai rất lớn từ Trung Quốc. Hỏi sao không mua khoai ở VN, họ bảo không thể ký hợp đồng với từng hộ nông dân nhỏ lẻ được. Đã sản xuất hàng hóa phải quy mô lớn do đó chuyển đổi lúa sang màu cốt lõi phải là tích tụ ruộng đất.

Vừa rồi ở một số tỉnh tại miền Bắc đã làm được một bước là dồn điền đổi thửa. Đó là bước đầu của sản xuất hàng hóa nhưng bước thứ hai, bước quyết định vẫn phải là tích tụ ruộng đất. Tích tụ kiểu gì? Hiện đang có một bất cập là doanh nghiệp được thuê đất 50 năm, không hạn chế hạn điền nhưng hộ nông dân chỉ được thuê đất 25 năm và có hạn điền. Vậy bài toán ở đây phải giải theo hướng tích tụ dạng doanh nghiệp.

Cái khó là nông dân hiện nay đa số có thể không muốn làm ruộng nhưng lại không muốn giao ruộng cho người khác vậy nên có thể cho họ đóng góp theo cổ phần vào doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất mới huy động, tích tụ được.

Ở những vùng điều kiện tự nhiên thường khô hạn, có nhu cầu chuyển đổi từ lúa sang màu, ông có lời khuyên nào?

Theo tôi lúa vẫn là ưu tiên số một vì đầu tư thấp, dễ làm, độ rủi do thấp, thị trường tốt còn chuyển sang cây trồng khác là có những rủi ro đi kèm như khung thời vụ, như tình trạng ngập úng bất thường, như thị trường đầu ra sản phẩm…Do đó chuyển đổi lúa sang màu khi có điều kiện mới làm và làm những cây có giá trị thương mại như khoai tây, ngô thu đông, lạc thu đông…

Chuyện chuyển đổi ở các địa phương hiện nay chủ yếu là tình thế vì khi gặp thời tiết khô hạn, khắc nghiệt không cấy được lúa mới đành gấp rút chuyển sang màu. Đó là cách đối phó ngắn hạn để thu nhập nông dân không bị thiếu hụt chứ không phải là chiến lược. Lâu dài theo tôi chuyển đổi vẫn phụ thuộc vào hai thứ: thị trường và đất đai.

Không có một công thức nào chung cho tất cả các vùng mà tùy tập quán, tùy địa hình thời tiết mà chuyển. Về giống cây trồng cho chuyển đổi, hiện đang khó khăn, đặc biệt là giống rau, trừ những loài bản địa, 95% là được nhập từ nước ngoài. Khoai tây cũng vậy, chủ yếu phụ thuộc vào nhập ngoại nên diện tích trồng không tăng được dù thị trường hiện đang rất tốt. Đậu tương bộ giống mình cũng chưa tốt, chúng ta đang kỳ vọng vào đậu tương chuyển gen để có thể kháng sâu, chịu hạn, đáp ứng thời tiết khắc nghiệt nhưng chắc phải rất lâu nữa mới có. Hai nhóm giống màu khả dĩ hơn là lạc và ngô thì tôi thấy khá yên tâm.

Nhiều người nói chuyện chuyển đổi cây trồng khó khăn bởi sức ì của nông dân và lãnh đạo địa phương, theo ông điều đó có đúng không?

Nông dân Việt Nam có ba đặc điểm mà nông dân các nước khó so sánh là chăm chỉ chịu khó, thông minh và tiếp cận thị trường khá tốt nhất là nông dân ở phía Nam. Tuy nhiên nghề nông mang tính tích lũy kinh nghiệm sàng lọc từ quy luật tự nhiên, quy luật các mùa, đặc tính cây trồng nên khi thay đổi cơ cấu giống nông dân rất sợ rủi ro.

Chuyển đổi thành công vẫn phụ thuộc vào hai thứ: thị trường và đất đai. Thị trường hẳn nhiên là nông dân không thể làm được mà phải doanh nghiệp nên chúng ta cho doanh nghiệp chuyển đổi trước. Nông dân trăm nghe không bằng mắt thấy, cán bộ xuống nói có khi không tin nhưng nhìn thấy, sờ thấy là họ tin và làm theo. Chuyển đổi dồn dập dễ rủi ro vì ế sản phẩm, vì chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như đầu tư chưa đầy đủ. Cần làm những đốm lửa nhỏ để từ đó tự cháy lan ra.

Yếu tố đất đai như tôi đã nói ở trên đang vướng hạn điền và thời gian sử dụng đất, chờ sửa luật rất khó và chưa khả thi lúc này. Do vậy, hướng chuyển một số hộ nông dân mạnh, có trang trại, gia trại đứng ra thành lập công ty tư nhân để có thể thuê đất lâu dài và không có hạn điền.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật rộng đường

TÂY NINH Ngày 18/5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Tập huấn giúp nông dân bớt mông lung về canh tác lúa giảm phát thải

CẦN THƠ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tập huấn cho nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao về giải pháp kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.