Ông Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) cho biết, từ khi lên đây lập nghiệp, ông cùng một số hộ dân khác đã nhận khoán quản lý bảo vệ rừng khoảng 160ha.
Số diện tích này, hằng năm nhóm hộ được giao khoán hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, nhận thấy diện tích dưới tán rừng có thể kết hợp chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế, ông mạnh dạn mua trâu và bò về chăn thả, song hiệu quả không thực sự cao.
“Tôi bắt đầu tìm hiểu về cách nuôi ngựa bạch, tới nhiều nơi để học hỏi mô hình rồi bán hết số trâu bò, chuyển sang vật nuôi này. Chăm sóc, chăn nuôi con ngựa bạch không khó nhưng hiệu quả cao hơn trâu bò nhiều. Giá trị mang lại gấp khoảng 3-5 lần so với trước đây. Con ngựa bạch có thể tiêu thụ ngay trong thị trường địa phương. Trong khi đó, mức độ chăn nuôi ngựa ngày càng giảm do đó khiến đầu ra ổn định", ông Nguyễn Xuân Oanh nói.
Mặt khác, ngoài sử dụng thịt ngựa bạch chế biến thức ăn thì xương có thể nấu cao. Từ kinh nghiệm cha ông, cao ngựa bạch rất có giá trị, sử dụng như thực phẩm chức năng hoặc đưa vào bài thuốc để bồi bổ cơ thể, sức khỏe.
Với điều kiện khí hậu tự nhiên ở vùng cao, con ngựa rất dễ thích nghi. Việc chăn thả bán tự nhiên khiến những con ngựa trong trang trại này rất hiền hòa. Các con ngựa được cho ăn cám ngô và cỏ giúp chúng lớn nhanh và có sức khỏe tốt.
Trong khi nhiều nơi chọn nuôi ngựa lai cao lớn, ông Nguyễn Xuân Oanh lại chọn nuôi giống ngựa bản địa. So với ngựa lai, ngựa bản địa có tầm vóc nhỏ hơn nhiều nhưng bù lại sản phẩm thịt và cao ngựa có chất lượng hơn hẳn.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi, ông cho hay, “so vật nuôi khác, con ngựa ít nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, chăn nuôi bất kỳ loài vật nào cũng phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh chuồng trại, vệ sinh thú y. Chuồng trại phải được dọn dẹp sạch sẽ, vãi vôi bột, tiêu độc, phun khử trùng thường xuyên. Con ngựa tuy không bị ve, vắt bám vào cơ thể song phải quan tâm vấn đề thức ăn.
Các loại cám, bột ngô nếu bị mốc mục tuyệt đối không cho ngựa ăn. Đối với loài này sử dụng thức ăn ôi thui, chua… rất dễ rối loạn tiêu hóa. Khi ngựa bị rối loạn tiêu hóa khác với con trâu, con bò chỉ nằm im thì con ngựa lại vật vã, lăn lộn… Không may, ngựa đập đầu xuống nền bê tông có thể bị lọng óc mà chết, gây thiệt hại cho người nuôi”.
Từ hiệu quả trong việc chăn nuôi ngựa, ông Nguyễn Xuân Oanh cùng 10 thành viên khác trong đó chủ yếu là bà con địa phương thành lập Hợp tác xã Xuân Oanh để tập trung nuôi quy mô hơn. Hiện nay, trang trại của hợp tác xã nuôi khoảng 27 con ngựa, chủ yếu là ngựa sinh sản để bán giống.
“Chăn nuôi tập trung có lợi thế về việc quản lý, chăm sóc. Một người có thể quản lý 20-30 con ngựa trong khi cũng ngày công đó nếu nuôi nhỏ lẻ chỉ có thể chăn thả một con vài con nên hiệu quả ngày công lao động thấp”, ông Nguyễn Xuân Oanh nói.
Hiện, một đơn vị kinh doanh có tiếng tại Hà Nội đã tới Hợp tác xã Xuân Oanh để bàn bạc, thúc đẩy việc liên kết, mở rộng tiêu thụ sản phẩm, chế biến sâu... Từ đó, tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, đưa con ngựa bạch thành sản phẩm hàng hóa.
Ông Đồng Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Thổ cho biết, UBND thị trấn thường xuyên chỉ đạo, tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, triển khai tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, tiêm vắcxin để phòng chống dịch, bệnh trên đàn vật nuôi; hạn chế chăn thả rông gia súc, gia cầm tại nơi công cộng…
“Hiện nay, việc khuyến khích người dân chăn nuôi tập trung, thị trấn lồng ghép Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu hỗ trợ bà con nhân dân, liên kết với doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hướng dẫn bà con nuôi trồng trên diện tích dôi dư phục vụ phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, mới đây thị trấn tuyên truyền cho các hộ dân ở thôn Đoàn Kết đăng ký nuôi tập trung để giải quyết vấn đề môi trường, phục vụ du lịch cộng đồng…”, ông Đồng Xuân Cường cho biết.