Người chăn nuôi cho biết với mức giá hiện tại, heo xuất chuồng lãi mỗi tạ khoảng 2 triệu đồng.
Tại ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), ông Lê Văn Phong, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp cho biết, tổng đàn heo của ấp dao động từ 1.800 – 2.000 con. Đa số bà con chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ và tham gia vào Tổ hợp tác chăn nuôi Bình Minh. Cách đây 2 ngày, trong ấp có một vài hộ chăn nuôi có heo xuất bán.
Cũng theo ông Phong, trong bối cảnh chi phí chăn nuôi ngày càng tăng, bà con chăn nuôi heo ở địa phương tranh thủ sử dụng nguồn thức ăn bổ sung tại chỗ như dừa khô, cám gạo để cho heo ăn thêm. Qua đó, nhiều hộ nuôi đã giảm chi phí thức ăn, lợi nhuận khá hơn.
“Với giá heo như hiện nay, bà con chăn nuôi rất phấn khởi vì lãi khá cao nên đang tranh thủ tìm nguồn heo giống để tái đàn”, ông Phong nói.
Giá heo hơi tăng cũng kéo theo giá heo giống tăng mạnh. Hiện mỗi con heo giống (7 - 8kg) đang có giá 1,4 - 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn heo giống tại địa phương đang khan hiếm do số lượng từ các hộ nuôi rất thấp và đa số được nông dân chủ động nuôi lên thương phẩm. Do vậy, người dân muốn nuôi mới, tăng đàn phải liên hệ mua heo giống từ các doanh nghiệp.
Hộ chị Thắm ở ấp Phú Lợi Hạ (xã An Định) vừa xuất bán một lứa heo thịt. Để giảm giá thành chăn nuôi, mỗi ngày chị sử dụng 20 - 30 trái dừa khô trong vườn nhà, nạo lấy cơm, sau đó ủ chua để trộn vào thức ăn cho heo. Nhờ vậy, lượng cám công nghiệp giảm từ 20 - 30% so với người nuôi bình thường, lãi khá hơn.
“Mình chăn nuôi nhỏ lẻ nên phải chủ động giống heo nhà, nếu mua heo con từ trại cần phải nuôi theo quy trình của doanh nghiệp, rất khó, vả lại để heo lớn hơn 1 tạ dễ bị mỡ, thương lái chê. Vì vậy heo nhà mình đẻ được bao nhiêu mình để lại nuôi hết bấy nhiêu”, chị Thắm nói.
Ông Hồ Văn Truyền, một hộ nuôi heo ở xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam) đang gây dựng đàn heo nái 120 con, hàng tháng heo sinh sản ông đều để lại nuôi heo thịt. Đôi khi nhu cầu con giống thiếu hụt ông còn phải mua heo giống của các doanh nghiệp. Hiện nay, ông đang có gần 200 heo thịt thương phẩm trọng lượng từ 100 – 110kg/con. Do nhu cầu xuất bán tại thị trường Phú Quốc tăng nên ông còn nuôi lên 130kg/con mới xuất chuồng.
Để giảm giá thành chăn nuôi, ông Truyền chủ động mua nguyên liệu như cám gạo, bắp, đậu nành để chế biến thức ăn cho heo. Với cách làm này, mỗi tạ heo ông giảm được 700 nghìn đồng so với phải mua thức ăn trực tiếp từ các doanh nghiệp. Hiện giá thành sản xuất heo của ông đang dao động từ 4,4 – 4,5 triệu đồng/tạ, lãi hơn 2 triệu đồng/tạ.
“Thời gian qua do dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá heo thấp nên nhiều hộ chăn nuôi giảm đàn. Ngoài ra, tại vùng chăn nuôi heo lớn của cả nước là tỉnh Đồng Nai do đô thị hóa nên bị thu hẹp nên nguồn cung cũng giảm. Tôi đánh giá thời gian tới, giá heo có thể tiếp tục ổn định mức như hiện nay hoặc tăng trong nửa năm tới”, ông Truyền nhận định.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, tính đến cuối tháng 4/2024, tổng đàn heo toàn tỉnh ước đạt gần 380 nghìn con, so với cùng kỳ giảm 4,85%; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng trong tháng 4 của tỉnh ước đạt 5.360 tấn, giảm 1,65% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thịt heo hơi 4 tháng đầu năm 2024 của Bến Tre ước đạt 22.160 tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ.