| Hotline: 0983.970.780

Bò dự án lăn đùng ra chết, nhà thầu không cấp bù

Thứ Sáu 17/05/2024 , 15:22 (GMT+7)

Bò dự án cấp chưa đầy 1 tháng thì lăn đùng ra chết. Người dân không biết đi đòi ai trong khi địa phương cũng không có phản ứng gì với nhà thầu.

Dân mổ thịt bò dự án chia nhau ăn

Ngày 4/12/2023, anh Hồ Văn Nhanh tại thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) được Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam hỗ trợ 1 con bò. Đây là giống bò lai, được đưa từ địa phương khác về nên không thích nghi được với môi trường khí hậu cũng như nguồn thức ăn tại địa phương.

Đến khi bò đổ bệnh, anh Nhanh đã báo cho Đoàn xã Hướng Hiệp và được các nhân viên thú y đến chữa trị. Tuy nhiên, ít ngày sau, bò lăn đùng ra chết. Tiếc của, anh Nhanh đã bán con bò chết được 4 triệu đồng.

Bò dự án cấp cho người dân xã Hướng Hiệp ngày 4/12/2023. Ảnh: Người dân cung cấp.

Bò dự án cấp cho người dân xã Hướng Hiệp ngày 4/12/2023. Ảnh: Người dân cung cấp.

“Bò ấy không nuôi được! Phải ăn cỏ voi, ăn bột chứ cỏ bình thường ở đây thì không ăn. Xã vào xem nhưng bò không đứng dậy được nữa. Lúc đó bên đoàn xã nói cho gia đình tự giải quyết nên tôi đã bán được 4 triệu đồng”, anh Nhanh thất vọng.

Theo anh Nhanh, bò về đến nhà chưa đầy 1 tháng sau thì chết. Tuy nhiên, gia đình anh cũng không biết mình có được cấp bù hay không. Kể từ khi bò chết, không một ai bên xã, huyện đến hỏi han gì.

Bài liên quan

Cùng thời gian trên, anh Hồ Văn Nua tại thôn Khe Luồi, xã Mò Ó (huyện Đakrông) cũng được nhận 1 con bò từ Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam. Nhưng đến cuối tháng 12/2023, bò xuất hiện vết lở loét, bỏ ăn. Đến ngày 31/12, con bò chết. Anh Nua cũng không biết kêu ai, tiếc của nên đã mổ thịt bò chia nhau ăn.

Chị Hồ Kim Cúc, Bí thư Đoàn xã Mò Ó cho hay, các hộ nghèo tại xã được nhận 10 con bò từ Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam. Thời gian đầu, những con bò được cấp không ăn được cỏ tại địa phương, một số con đau bụng. Riêng con bò của anh Nua bị chết nhưng đơn vị cung ứng cho biết chỉ bảo hành cho 3 loại bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và viêm da nổi cục.

Ngoài ra, theo chị Cúc, 50 gia đình tại xã Mò Ó còn được nhận tổng cộng 6 nghìn con gà 21 ngày tuổi cùng thức ăn với tổng trị giá 250 triệu đồng. Trong số này có khoảng 30 hộ sau khi đưa về được một thời gian thì chết sạch. Số còn lại, nhà nhiều, nhà ít đều có gà bị chết.

Anh Hồ Văn Nhanh (phải) buồn bã kể về việc bò dự án nhận chưa được 1 tháng thì đổ bệnh và chết. Ảnh: ĐT.

Anh Hồ Văn Nhanh (phải) buồn bã kể về việc bò dự án nhận chưa được 1 tháng thì đổ bệnh và chết. Ảnh: ĐT.

“Bò lúc trao thì gầy. Còn số gà này chết có thể là do đợt nhận gà đúng vào rét đậm rét hại, người dân không có kinh nghiệm chăm sóc gà công nghiệp nên chết. Ngay cả gà cỏ địa phương cũng có một số bị chết”, chị Cúc cho hay.

Anh Nguyễn Đức Linh, Bí thư huyện đoàn Đakrông cho biết, cuối năm 2023, Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam đã hỗ trợ các gia đình tại 2 xã Mò Ó, Hướng Hiệp 25 con bò; 9,8 nghìn con gà và 50 nghìn cây quế. Trong số này có 1 con bò, 30% số gà và khá nhiều cây quế bị chết.

Bò được cấp không ra gì

Theo các hộ dân, mỗi con bò cấp cho người dân trị giá 25 triệu đồng. Nhưng nếu chỉ nhìn hình thể, trọng lượng bò được cấp, ít ai nghĩ rằng chúng trị giá 25 triệu đồng mỗi con. Còn đại diện UBND xã Hướng Hiệp thẳng thắn nhận xét: Bò được cấp không ra gì

Thế nhưng, anh Nguyễn Đức Linh, Bí thư huyện đoàn Đakrông lại không biết đích xác một con bò được Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam hỗ trợ người dân huyện Đakrông có giá trị bao nhiêu. Đơn vị thụ hưởng (huyện đoàn, đoàn xã) không phải là chủ đầu tư nên cũng không được cấp hợp đồng cung ứng con giống.

Bò lai cấp cho người dân khó thích nghi với điều kiện thời tiết tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị nên rất khó chăm sóc nuoi dưỡng. Ảnh: Võ Dũng.

Bò lai cấp cho người dân khó thích nghi với điều kiện thời tiết tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị nên rất khó chăm sóc nuoi dưỡng. Ảnh: Võ Dũng.

Hôm chúng tôi đến thăm, chị Hồ Thị Hạnh tại thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó đang chăn bò ngay sau vườn nhà. Chị Hạnh cho biết, con bò được cấp tuy to hơn bò của các hộ dân khác nhưng là bò lai, gầy trơ xương, rất kén cỏ. Gia đình chị phải tập cho ăn cám các loại nhưng nay vẫn gầy gò. Chồng của chị Hạnh thì khẳng định chắc nịch: Bò này không thể nuôi giống được.

“Giờ có ai đổi là tôi đổi liền. Bò này không thể nuôi giống được”, chồng chị Hạnh tỏ ra thất vọng.

Chị Hồ Thị Nhờ, thôn Đồng Đờng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bò lai được nhận vừa nhỏ vừa gầy gò và rất kén ăn. Gia đình chị Nhờ phải mất rất nhiều công chăm sóc, tập ăn thì nay con bò mới đỡ gầy hơn một chút.

Anh Nguyễn Đức Linh, Bí thư Huyện đoàn Đakrông cho biết, khi tiếp nhận hỗ trợ, đơn vị đã mời ngành chuyên môn kiểm tra hồ sơ cây con. Về mặt chuyên môn, huyện đoàn không nắm rõ nhưng bò, gà và cây quế đã được chấp nhận đủ điều kiện đưa vào địa phương.

“Chúng tôi cũng không tiện hỏi giá trị mỗi con bò là bao nhiêu. Khi nhận hỗ trợ, công tác kiểm tra nguồn giống rất bài bản. Tôi chỉ biết 1 con chết và cũng không biết là có được cấp bù hay không”, anh Linh cho hay.

Con bò được cấp cho chị Hồ Thị Hạnh bụng ỏng, đít beo dù đã được chăm bẵm cẩn thận nhưng vẫn gầy gò, ốm yếu. Ảnh: Võ Dũng.

Con bò được cấp cho chị Hồ Thị Hạnh bụng ỏng, đít beo dù đã được chăm bẵm cẩn thận nhưng vẫn gầy gò, ốm yếu. Ảnh: Võ Dũng.

Theo hồ sơ còn lưu lại tại Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đakrông, đơn vị cung ứng giống là Công ty TNHH TM Bình An, có địa chỉ tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Số bò này có nguồn gốc từ tỉnh Bình Định và đã được tiêm 1 mũi vacxin lở mồm long móng, một mũi tụ huyết trùng, 1 mũi viêm da nổi cục; được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra ngoại tỉnh. Tuy nhiên, trong hồ sơ không có giấy xét nghiệm xác định tỷ lệ kháng thể đối với gia súc được vận chuyển ngoại tỉnh. Số bò này khi đưa về huyện Đakrông đã được cấp ngay cho người dân mà không nuôi nhốt tập trung để theo dõi tình hình sức khỏe, dịch bệnh.

Xem thêm
Xóa bỏ thả rông gia súc để chăn nuôi tập trung quy mô hàng hóa

LAI CHÂU Chăn nuôi ở huyện Phong Thổ chuyển dần từ nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa, gắn với lợi thế địa phương để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Bùn đất vùi lấp, vùng rau loay hoay khôi phục sản xuất

YÊN BÁI Không chỉ mất trắng vụ rau, sau lũ, người dân ở vùng rau xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) đang loay hoay tìm phương án khôi phục đồng ruộng để tái sản xuất.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất