ĐBSCL đã có những cơn mưa đầu mùa xoa dịu cái oi bức của mùa hè. Khi những cơn mưa nặng hạt chạm vào mặt đất cũng là lúc chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Tại vùng ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lúc này, những cơn mưa đầu mùa đã thấm ướt mặt ruộng khô cằn sau những ngày nắng gắt, nước mặn vây quanh. Trên sông Tiền, độ mặn đã bắt đầu giảm dần. Đến sáng ngày 17/5, độ mặn phía ngoài cống Xuân Hòa là 0,41g/l, còn bên trong nội đồng là 0,78g/l. Tại cống Vàm Giồng, độ mặn ngoài cống là 2,4g/l, nội đồng là 1,3g/l. Mực nước nội đồng đang ở mức -0,35m. Tần suất xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nhiều hơn nên bà con nông dân vùng này đã cày ải phơi đất, chuẩn bị sẵn sàng cây giống, hạt giống cho vụ mùa mới.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông) cho biết, vụ lúa hè thu 2024, bà con nông dân xã Tăng Hòa sẽ xuống giống khoảng 900ha. Riêng HTX sẽ xuống giống khoảng 200ha. Các giống lúa chủ lực vẫn là Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, OM 5451.
“Theo kế hoạch, khoảng hơn 10 ngày nữa bà con địa phương sẽ xuống giống. Hiện nay, tại đây đã có nhiều cơn mưa. Theo thông báo của ngành chức năng, khoảng ngày 20/5 cống Xuân Hòa sẽ lấy nước ngọt, các cống vùng hạ sẽ xổ xả, đẩy nước mặn trong nội đồng ra ngoài. Nếu thuận lợi, trong vòng 5 - 7 ngày là có thể xuống giống”, ông Nhẫn nói.
Bà con trồng rau màu ở vùng này cũng chuẩn bị sẵn sàng để gieo trồng vụ mới. Ông Phạm Hồng Trai, nông dân ở ấp Thạnh Yên (xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây) cho biết, mấy ngày nay mưa bắt đầu có nhiều nên bà con đã tranh thủ xuống giống một số loại rau màu như đậu bắp, củ cải… Trong đó, có một số loại rau màu chịu được độ mặn thấp nên nước dưới kênh có thể dùng để tưới, tiêu biểu như cây cải củ.
Riêng đối với cây ớt, hiện nay bà con nông dân đang ương hạt lên cây con để xuống giống khi mưa nhiều, nước ngọt dưới kênh dồi dào hơn.
Ông Cao Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Sen Hồng (TP Mỹ Tho) cho biết: Do cây ớt từ khi ương hạt đến khi trồng khoảng một tháng nên bây giờ bà con phải chuẩn bị trước, khi mưa nhiều là có sẵn để kịp xuống giống. Thời điểm này, cây con ở trong bầu, trong nhà lưới, có mái che, không sử dụng nhiều nước. Hiện nay, khách hàng của Công ty đã đặt hàng rất nhiều để phục vụ nhu cầu xuống của bà con.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, nông dân vùng Gò Công vừa trải qua đợt hạn mặn nhiều khó khăn nên Công ty có chính sách giảm giá 10% cho một số loại hạt giống nhằm chia sẻ với bà con.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2024, toàn vùng phía đông của tỉnh sẽ xuống giống với diện tích lúa là 19.900ha. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cắt vụ lúa thu đông 2024 trên toàn vùng Dự án ngọt hóa Gò Công để sản xuất lúa đông xuân 2024 - 2025 sớm, an toàn nước tưới cuối vụ.
Đối với cây rau màu vụ hè thu và thu đông 2024, Tiền Giang tiếp tục gieo trồng thêm 15.400ha cây màu, sản lượng dự kiến khoảng 315.000 tấn. Dự kiến diện tích sản xuất cây ăn trái toàn tỉnh là 12.715ha, sản lượng khoảng 333.600 tấn. Diện tích trồng dừa phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt 13.071ha, sản lượng trên 151.600 tấn, đạt 100% kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy lợi và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang để tính toán lịch xuống giống sao cho phù hợp nhằm đảm bảo sự phát triển của cây trồng. Nếu chắc chắn, có thể chọn lịch xuống giống từ ngày 1 đến 10/6/2024 hoặc có thể trễ hơn để đảm bảo mùa vụ. Ngoài lịch xuống giống chung, cơ quan chuyên môn và các địa phương cũng có lịch mùa vụ cụ thể đối với từng huyện, thành phố trong vùng để sát với điều kiện thực tế.
Vụ đông xuân 2023 - 2024, Tiền Giang xuống giống lúa với tổng diện tích 20.836ha (đạt 102,6% kế hoạch), năng suất 6,7 tấn/ha (tăng 0,8 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước), sản lượng 140.006 tấn, đạt 104,0% kế hoạch. Cây bắp gieo trồng 710ha, đạt 42,6% kế hoạch năm, ước năng suất 36,3 tạ/ha, sản lượng 2.577 tấn, đạt 42,4% kế hoạch năm. Diện tích cây rau, màu các loại xuống giống 13.715ha, đạt 40% kế hoạch, ước sản lượng thu hoạch 255.917 tấn, đạt 40,5% kế hoạch năm.