Bảo toàn đàn vật nuôi như giữ gìn tài sản
Anh Nguyễn Văn Bình, người đang nuôi 100 con heo thịt ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), phấn khởi cho biết: “Giá heo hơi nông hộ nuôi ở Hoài Ân hiện đang đứng ở mức 54.000đ - 55.000đ/kg, tăng so đầu năm khoảng 10.000đ/kg. Còn heo cao sản nuôi theo hướng công nghệ cao giá cao hơn, trên 60.000đ/kg.
Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi cũng đã giảm bình quân 5.000đ/bao nên người chăn nuôi ở Hoài Ân đang mạnh dạn tái đàn hơn khi Hoài Ân đã khống chế được dịch bệnh trên đàn vật nuôi”.
Huyện Hoài Ân được mệnh danh là “vựa heo” của tỉnh Bình Định, bởi đàn heo ở đây chiếm gần 1 nửa trong tổng đàn heo của tỉnh này với gần 300.000 con. Do đó, ngành chức năng huyện Hoài Ân luôn quan tâm đến công tác bảo toàn đàn vật nuôi trên địa bàn. Trong đó, tiêm phòng vacxin được xem là giải pháp tối ưu để đàn vật nuôi vượt qua dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, đến nay, ngành chức năng địa phương này đã nhận đủ số lược vacxin lở mồm long móng và vacxin viêm da nổi cục trên trâu, bò Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp để tiêm phòng đợt 1/2024.
“Đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân đã cấp phát cho 15 xã, thị trấn 14.850 liều vacxin lở mồm long móng, dự kiến thời gian kết thúc tiêm phòng đợt 1 vào ngày 15/5/2024. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Ân đã có 3.402 con trâu bò được tiêm vacxin viêm da nổi cục và có 141.643 con gia cầm được tiêm vacxin phòng bệnh cúm”, ông Nguyễn Thanh Vương cho hay.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, để bảo toàn đàn vật nuôi trên địa bàn, ngành chức năng huyện này giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở để phát hiện và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, không để lây lan diện rộng. Đặc biệt là các bệnh dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò, cúm gia cầm…
Hiện nay, người chăn nuôi heo ở Hoài Ân đang đẩy mạnh tái đàn, ngoài số heo giống tại chỗ, trước khi nhập heo từ nơi khác về, người chăn nuôi phải báo cáo với ngành chức năng, đăng ký với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân để kiểm tra con giống.
Con giống đưa về tái đàn phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ để tránh trường hợp lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, công tác kiểm soát vận chuyển mua bán heo trên địa bàn được ngành nông nghiệp huyện quan tâm theo dõi chặt chẽ.
“Xác định đàn vật nuôi là tài sản lớn của gia đình, nên người chăn nuôi ở huyện Hoài Ân rất tuân thủ việc tiêm phòng vacxin để giữ gìn tài sản của mình. Thời gian tới đây, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm và công tác phòng chống dịch bệnh động vật đợt 1/2024.
Đồng thời, triển khai đăng ký nhu cầu mua vacxin dịch tả heo Châu Phi để phòng bệnh cho đàn heo trước nguy cơ bùng phát dịch trong mùa nắng nóng. Chúng tôi thường xuyên giám sát công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh trên toàn địa bàn huyện, đặc biệt là giám sát hoạt động nhập heo về tái đàn”, ông Võ Duy Tín chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, dự báo năm nay trên địa bàn Bình Định sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt kéo dài, nên ngay từ đầu năm ngành thú y tỉnh đã cấp phát đầy đủ vacxin cho các địa phương để tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
“Để phòng ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ tái phát cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã cấp phát vacxin, giám sát công tác tiêm phòng dịch bệnh động vật, cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục... Tiếp tục hướng dẫn các địa phương các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khi tái đàn, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.
Đảm bảo 80% vật nuôi được tiêm vacxin
Sở NN-PTNT Bình Định cũng đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024.
Trong đó, lưu ý đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vacxin theo quy định, sau đợt tiêm đại trà phải tiến hành tiêm vét, tiêm bổ sung cho đàn gia súc mới sinh, mới tái đàn nhằm đảm bảo đủ mũi, đủ liều. Tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và vận động người chăn nuôi chủ động tiêm vacxin phòng bệnh.
“Sở NN-PTNT Bình Định đồng thời cũng chỉ đạo ngành chức năng các địa phương chủ động tổ chức rà soát, tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung để bảo đảm đạt 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, tiêm đúng loại vacxin.
Chú trọng duy trì tiêm phòng khép kín vacxin cúm gia cầm cho các đối tượng gà, vịt, chim cút… nuôi mới, tái đàn, nhất là đàn gia cầm của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhằm tăng cường khả năng bảo hộ đàn, hạn chế dịch bùng phát.
Đối với bệnh viêm da nổi cục trâu bò, cần chú trọng tuyên truyền người chăn nuôi tiêm phòng cho đàn bê, nghé mới sinh là đối tượng dễ bị chết khi nhiễm bệnh, nhất là bê có tỷ lệ máu lai cao”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.
Theo ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước, hiện trên địa bàn huyện này có tổng đàn trâu bò là 16.000 con, đàn heo 33.000 con và 2 triệu con gia cầm. Đến nay, ngành chức năng huyện Tuy Phước đã nhận từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định 16.000 vacxin lở mồm long móng, 500.000 liều vacxin cúm gia cầm. Đến nay, ngành chức năng huyện Tuy Phước đã hoàn tất công tác tiêm phòng đợt 1/2024, hiện đang thực hiện tiêm vét. Đến ngày 15/5 tới đây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước tiếp tục tiêm vacxin viêm da nổi cục trên đàn trâu bò.
Ông Lê Ngọc Sơn, cán bộ thú y xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), cho biết, xã Phước Hòa có 800 con trâu bò, 2.200 con heo và hơn 56.000 con gia cầm các loại. Hiện, trên địa bàn đã giảm những hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ trong nông hộ, tăng chăn nuôi tập trung và đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi.
Ngành thú y xã rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hỗ trợ người dân tiêm phòng vacxin. Đối với những hộ tái đàn đợt này, địa phương đã kịp thời nắm bắt số lượng chính xác, báo cáo chính quyền để tích cực theo dõi, hỗ trợ và tiêm vacxin đầy đủ.
Theo ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước, bên cạnh việc tiêm vacxin đầy đủ cho đàn vật nuôi theo kế hoạch của tỉnh, ngành chức năng huyện Tuy Phước còn tuyên truyền sâu rộng về công tác phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi với phương châm phòng bệnh là chính.
Ngoài ra, ngành chức năng huyện này còn sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư, hóa chất để chủ động xử lý khi phát sinh các dịch bệnh, đảm bảo hoạt động sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.
“Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi phải luôn chủ động, không được chủ quan, mất tập trung. Ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương nỗ lực theo dõi, giám sát dịch bệnh. Ngoài ra, chúng tôi còn quản lý chặt các cơ sở giết mổ, kiểm soát hoạt động vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm; theo dõi từ các trạm kiểm dịch động vật nhằm tránh để dịch bệnh xâm nhập”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định.