| Hotline: 0983.970.780

Lớp tập huấn đầu tiên về quy trình canh tác lúa giảm phát thải

Thứ Sáu 17/05/2024 , 19:30 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Từ ngày 17 – 23/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn quy trình canh tác lúa tiên tiến tại 5 địa phương thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Ngày 17/5, tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), lớp tập huấn đầu tiên trong Chương trình tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải phục vụ xây dựng mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã được tổ chức.

Chương trình tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai từ ngày 17/5 - 23/5. Ảnh: Kim Anh.

Chương trình tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai từ ngày 17/5 - 23/5. Ảnh: Kim Anh.

Chương trình do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai thực hiện, thu hút sự tham gia của 80 người là nông dân, lãnh đạo HTX, cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật.

Nội dung tập huấn xoay quanh các vấn đề về quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp; vai trò của HTX trong tổ chức, sản xuất, liên kết tiêu thụ; giải pháp công nghệ, quy trình MRV; một số ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa góp phần giảm phát thải và tham quan trình diễn thực địa trên đồng ruộng.

Vừa nghe chuyên gia hướng dẫn, xã viên Nguyễn Văn Út chăm chú ghi chép lại các thông tin quan trọng, cần lưu ý trong quy trình để sẵn sàng tham gia mô hình thí điểm, chuẩn bị gieo sạ trong vài ngày tới.

Ông Út bộc bạch, vùng đất Long Phú trước đây gieo sạ 3 vụ lúa/năm. Thời điểm trước khi HTX nông nghiệp Hưng Lợi được thành lập, việc tiêu thụ lúa của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là vào những thời điểm giá lúa cao, nông dân rất hoang mang, muốn bán được lúa rất cực, phải thông qua 2 – 3 thương lái.

Xã viên HTX nông nghiệp Hưng Lợi tích cực tham gia lớp tập huấn, trang bị kiến thức sẵn sàng tham gia mô hình thí điểm 50ha theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Xã viên HTX nông nghiệp Hưng Lợi tích cực tham gia lớp tập huấn, trang bị kiến thức sẵn sàng tham gia mô hình thí điểm 50ha theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Từ năm 2017, HTX được thành lập, bà con liên kết cùng nhau sản xuất, ngoài ra còn nhận được nhiều hỗ trợ từ địa phương, nhờ đó xã viên rất yên tâm.

Hiện ông Út có khoảng 1ha canh tác lúa, một phần diện tích này sẽ tham gia vào mô hình thí điểm 50ha thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao triển khai tại tỉnh Sóc Trăng.

Bản thân ông Út cũng như nhiều xã viên khác rất tin tưởng với kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất hiện có, việc bắt tay thực hiện mô hình thí điểm sẽ không gặp nhiều khó khăn.  

“Ngày xưa sạ bằng tay từ 25 – 27kg lúa giống/công. Khoảng 3 năm trở lại đây, tôi chuyển sang phương pháp sạ hàng. Thực hiện theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tôi chỉ sạ khoảng 10 – 12,5kg lúa giống/công. Lúc đầu rất hoang mang vì lo ngại sạ thưa, gặp trường hợp ốc, chuột phá hoại sẽ không có lúa dặm. Nhưng rồi cố gắng thử nghiệm làm theo khuyến cáo, không ngờ ruộng lúa giữ được năng suất từ bằng, có khi đạt cao hơn trước đây”, ông Út bày tỏ.

Thời gian qua, nông dân HTX nông nghiệp Hưng Lợi đã mạnh dạn thực hiện giảm lượng giống gieo sạ, ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác tiên tiến theo quy trình canh tác lúa chất lượng cao.

Giảng viên Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) chia sẻ về vai trò của HTX trong tổ chức, sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Kim Anh.

Giảng viên Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) chia sẻ về vai trò của HTX trong tổ chức, sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ từ cơ quan chuyên môn trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, ông Út cho rằng, trước mắt nông dân đã nhìn thấy được lợi ích từ việc tiết giảm công lao động, giảm chi phí lúa giống. Về kỹ thuật, với nông dân này cũng không phải là vấn đề đáng ngại, nằm trong tầm tay.

Đợt tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải phục vụ xây dựng mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ diễn ra từ ngày 17/5 – 23/5. Chương trình được triển khai đồng loạt tại 5 địa phương được Bộ NN-PTNT lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm Đề án là Sóc Trăng, TP Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, chương trình tập huấn lần này sẽ chuyển giao tương đối đầy đủ các kiến thức trong quy trình canh tác lúa chất lượng cao đến với nông dân. Đây là bước đệm tạo thuận lợi cho các HTX khi triển khai mô hình thí điểm.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.