Theo Phòng NN-PTNT huyện Bến Cầu, so với các huyện khác trong tỉnh, Bến Cầu có diện tích ớt cao nhất. Trong đó, riêng 2 xã Long Thuận và Long Khánh trồng hàng trăm ha.
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hầu hết mặt hàng nông sản thời gian qua rất khó hoặc không thể xuất đi, dẫn đến mất giá. Phần lớn ớt được xuất sang Trung Quốc, nên cũng không ngoại lệ. Hiện giá ớt ở Bến Cầu chỉ ở mức khoảng 7 ngàn đồng/kg, lỗ nặng.
Ông Nguyễn Văn Đang, ngụ ấp Long Cường, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, buồn bã cho biết, ông trồng 0,6ha ớt đang thu hoạch đợt 1. Tuy không phải thuê đất trồng, nhưng đợt trái này ông thua lỗ tới 40 triệu đồng.
Bởi giá bán cho thương lái tại vườn quá thấp, chỉ 7.000 đồng/kg. Không chỉ thế, hiện nông dân trồng ớt ở xã Long Khánh đang ngồi trên lửa, bởi ớt đã chín đỏ cây nhưng việc thu hoạch phụ thuộc vào thương lái. Họ cho hái mới được hái.
Ông Đang cho biết, bà con nông dân xã Long Khánh trồng ớt vụ đông xuân này chủ yếu là giống ớt An Phú Nông, do thời tiết bất thường như hạn hán kéo dài, bị sâu bệnh như sâu xanh, sâu đục trái, bị quăn đọt, xoắn lá, vàng lá gây hại nặng, toàn xã có 10ha ớt mới trồng phải phá bỏ, số còn lại năng suất không cao.
Nét mặt thiểu não, ông Hồ Văn Trung, ở ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, cho biết, năm ngoái, 0,6 ha ớt của gia đình ông được thương lái thu mua tại ruộng từ 70.000 – 80.000 đồng/kg.
Thậm chí, có lúc giá ớt đã leo qua ngưỡng hơn 100.000 đồng/kg, tăng gấp 2,5 lần so với vụ trước. Sau khi trừ hết chi phí nhân công, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tính sơ sơ cũng thu lãi hơn 130 triệu đồng trên diện tích 0,6ha. Còn năm nay, ngay đầu vụ đạ thấy thua trắng rồi, giá chưa bằng 1/10 năm ngoái.
Gia đình ông Phạm Văn Chông, Chi Hội trưởng Nông dân ấp Long Cường, xã Long Khánh, cùng 4 người con trồng hơn 2ha ớt. Phần lớn tiền đầu tư đều vay mượn. Trong đó, phân bón ông mua trả chậm từ một doanh nghiệp thông qua Hội Nông dân xã, tiền giống cũng phải đi vay.
“Vụ này gia đình tôi lỗ khoảng 100 triệu, không biết lấy đâu ra trả”, ông Chông nói.
Phần lớn các hộ nông dân trồng ớt khác trong xã cũng trong hoàn cảnh tương tự, thậm chí lỗ nặng hơn, bởi họ phải vay tiền từ ngân hàng với lãi suất cao hơn, hoặc phải thuê đất trồng. Và có người đã chặt bỏ vườn ớt.
Anh Trần Văn Hoàng, trồng hơn 0,5ha ớt tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, là một trong những người chặt bỏ vườn ớt đang chín đỏ, cho biết, giá ớt hiện tại được thương lái thu mua chỉ từ 7-8 ngàn đồng/kg, với giá này thì càng để càng lỗ nặng hơn.
“Với giá này, không đủ tiền công thu hái và chăm sóc, toàn bộ vốn bỏ ra từ đầu vụ coi như mất trắng. Nên đành chặt bỏ”, anh Hoàng nói.
Cùng ở xã Ninh Điền, bà Nguyễn Thị Xí, người chuyên làm nghề hái ớt thuê cho biết, giá ớt từ đầu năm đến nay giảm mạnh, lúc cao nhất cũng chỉ hơn 20.000 đồng/kg; còn hiện tại, ớt loại 1 cũng chỉ có giá chưa đến 10.000 đồn/kg nên nhiều người chặt bỏ, chuyển sang trồng lúa và các loại hoa màu khác.
Cũng theo bà Xí, chẳng những ớt giảm giá thê thảm mà nhiều ruộng ớt còn bị bệnh thối trái, người trồng càng lỗ nặng hơn, “lấy một nửa bỏ một nửa thì bảo sao họ không chặt bỏ”, bà Xí nói.
Bà Nguyễn Thị Thái Chân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Khánh cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, nông dân ở xã gieo trồng gần 1.900ha cây trồng các loại, riêng cây ớt có diện tích là 106ha, tập trung ở 2 ấp Long Cường và Long Thịnh, mỗi ha ớt đầu tư hơn 100 triệu đồng. Với giá ớt trái chỉ từ 7.000 đồng-7.500 đồng/1kg, bà con sẽ lỗ từ 70-100 triệu đồng/1ha.
"Bà con không nên chặt bỏ vườn ớt, mà cần tiếp tục chăm sóc, bón phân và tưới nước, phòng trị bệnh để duy trì cây và tiếp tục phát triển. Hy vọng ở đợt thu hoạch thứ 2 tới, dịch Covid-19 được khống chế. Lúc đó, không riêng gì cây ớt, mà tất cả các loại nông sản khác, sẽ có giá cao hơn", bà Nguyễn Thị Thái Chân.