| Hotline: 0983.970.780

Dịch Covid-19 làm khổ người nuôi ba ba

Thứ Năm 26/03/2020 , 08:50 (GMT+7)

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đầu ra cho ba ba thương phẩm của người dân ở Hải Dương bị thu hẹp 2/3.

Giá ba ba giảm nhẹ nhưng đầu ra đang bị thu hẹp tới 2/3 vì dịch Covid-19. Ảnh: Kế Toại. 

Giá ba ba giảm nhẹ nhưng đầu ra đang bị thu hẹp tới 2/3 vì dịch Covid-19. Ảnh: Kế Toại. 

Bí đầu ra

Hàng chục năm nay, xã Đại Đồng (nay sáp nhập với xã Kỳ Sơn thành xã Đại Sơn), huyện Tứ Kỳ nổi tiếng là vùng sản xuất ba ba lấy thịt của tỉnh Hải Dương.

Thời kỳ cao điểm, Đại Sơn có tới vài trăm hộ lớn, nhỏ cùng tham gia nuôi ba ba. Sau bao thăng trầm, toàn xã nay còn khoảng 130 hộ vẫn gắn bó nghề này.

Ông Nguyễn Văn Túy, thôn Nghĩa Xá cho biết, gia đình bắt đầu nuôi ba ba từ năm 1991. Giống thì nuôi đủ loại từ ba ba đỏ, ba ba xanh và 15 năm trở lại đây là ba ba gai.

Sau nhiều năm sản xuất, ông Túy tích cóp, mua được nhiều mảnh ruộng, dồn lại thành trang trại nuôi ba ba rộng chừng 6.000 m2. Mỗi năm, trang trại này xuất ra thị trường 2.000 con giống và trên 3 tấn thịt thương phẩm.

Để có một lứa ba ba xuất bán trọng lượng trung bình 3,5 – 4 kg/con, người nuôi phải chăm sóc trong khoảng 40 tháng. Thức ăn chủ yếu là cá mè băm nhỏ và cá rô phi con.

Trước Tết âm lịch vừa qua, ông Túy xuất bán một mẻ ba ba với giá trung bình 460 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, từ Tết tới nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, ba ba thương phẩm bị giảm cả sản lượng xuất ra lẫn giá bán.

Nếu như trước đây, vừa của gia đình lẫn thu gom của các hộ xung quanh, ông Túy cung ứng cho hệ thống nhà hàng, khách sạn từ 6 – 7 tấn ba ba/tháng. Nhưng nay, mỗi tháng chỉ còn bán được trên dưới 1 tấn. Bên cạnh đó, giá bán cũng giảm xuống còn 450 nghìn đồng/kg.

Theo ông Túy, mọi năm thì đây là thởi điểm giá ba ba tăng cao do hàng khan hiếm. Ảnh: Kế Toại.

Theo ông Túy, mọi năm thì đây là thởi điểm giá ba ba tăng cao do hàng khan hiếm. Ảnh: Kế Toại.

Ông Túy khẳng định, mọi năm, đây là thời điểm ba ba khan hàng nên giá sẽ nhích lên. Nhưng ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn là mối quen đều giảm rõ rệt số lượng mua.

Với một người có 29 năm nuôi ba ba, ông Túy nhận định, nếu dịch bệnh kéo dài thêm vài tháng, thậm chí hết năm, người dân sẽ phá sản, bán nhà cửa đi trả nợ. Vì từ tháng 7 cho tới tháng 12, là cao điểm của xuất bán ba ba, nếu sản lượng dồn vào quá lớn, ắt giá sẽ tụt dốc không phanh.

Vừa nuôi vừa ngóng

Để đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hộ nuôi ba ba ở đây đã chuyển sang chế độ nuôi cầm chừng, giảm khẩu phần ăn.

Nhiều hộ đã lên phương án nuôi cầm chừng, chờ thời cơ mới xuất bán ba ba. Ảnh: Kế Toại. 

Nhiều hộ đã lên phương án nuôi cầm chừng, chờ thời cơ mới xuất bán ba ba. Ảnh: Kế Toại. 

Theo ông Túy, nếu không bán được, các hộ có thể kéo dài thời gian nuôi ba ba thêm 1 – 2 năm nữa. Khi đó, ba ba có thể đạt trọng lượng tới 6 – 7 kg, giá trị sẽ cao hơn nhiều. Tuy nhiên, đây phải là những hộ liều và có tiềm lực kinh tế. Còn nếu mới chăn nuôi hoặc đi vay tiền để sản xuất thì không nên vì rủi ro rất cao.

Ông Nguyễn Văn Tài, cùng thôn Nghĩa Xá cho hay, dịch bệnh ảnh hưởng tới sản xuất là rõ rồi. Nhưng người dân cũng nên không quá lo lắng, tiếp tục chăn nuôi chờ thời cơ khi dịch bệnh vãn hồi.

Trên thực tế, thức ăn cho ba ba (các loại cá) luôn có sẵn và giá tương đối rẻ (5 – 6 nghìn đồng/kg). Trong khi ba ba không cần ăn quá nhiều, có thể cho ăn 1 lần/tuần vẫn không sao.

Thậm chí, theo kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, nếu cho ba ba ăn quá nhiều có thể gây nên nhiều bệnh như sưng gan, tụ huyết trùng và gây ô nhiễm nguồn nước.

Ông Tài cho biết, thời gian này, ông không xuống thêm giống mà tranh thủ cải tạo, tiêu độc khử trùng ao nuôi để chờ thời cơ. Do mới nuôi ba ba được 5 năm, lại đầu tư khá nhiều, ông Tài bảo, chỉ mong dịch bệnh sớm quá đi để gia đình ổn định sản xuất và trả nợ.

Người dân tranh thủ cải tạo ao nuôi, chưa thả thêm giống ba ba khi vẫn còn dịch bệnh. Ảnh: Kế Toại. 

Người dân tranh thủ cải tạo ao nuôi, chưa thả thêm giống ba ba khi vẫn còn dịch bệnh. Ảnh: Kế Toại. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, nghề nuôi ba ba đã và đang đem lại giá trị cao nhất trong ngành sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Cả xã có khoảng 130 hộ nuôi ba ba với tổng diện tích mặt nước khoảng 4ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở hai thôn là Nghĩa Xá và Neo Xá. Cách đây hàng chục năm qua, người dân ở đây đã biết tận dụng ao hồ, chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi con đặc sản này.

Theo ông Tiệp, do dịch bệnh, đầu ra cho ba ba thương phẩm đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do đặc thù sản phẩm, người dân không thể tự tìm thị trường mà vẫn phụ thuộc thương lái.

Ông nhận định, người dân cũng không nên quá lo lắng, việc cần nhất hiện nay là ổn định sản xuất. Trong thời gian tới, có thể dịch bệnh còn tiếp diễn phức tạp, người dân cần chủ động nguồn thức ăn cho ba ba, sẵn sàng kéo dài thời gian nuôi để chờ cơ hội xuất bán.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.