| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi gà 'xé đàn' bán chạy giữa đại dịch Covid-19

Thứ Hai 04/05/2020 , 09:31 (GMT+7)

Để thoát lỗ do đầu ra khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã phải xé đàn, bán chạy dù chưa đủ thời gian.

Người dân 'xé' đàn, mang gà ra ven đường bán với giá rẻ. Ảnh: Kế Toại. 

Người dân "xé" đàn, mang gà ra ven đường bán với giá rẻ. Ảnh: Kế Toại. 

Những hộ có dày vốn thì tiếp tục nuôi cầm cự, chờ dịch bệnh vãn hồi.

Ông Mai Thế Chương, thôn Phú Xá, xã Tân Trường (huyện Cẩm Giàng) cho biết, gia đình chăn nuôi ổn định gà lông màu 5 – 6 năm nay. Quy mô trang trại của ông Chương luôn giữ khoảng 3.000 con gà.

Trước khi có dịch Covid-19, ông Chương xuất bán gà lông màu cho thương lái ở mức giá 60 – 65 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, đến nay, thương lái không còn tìm về mua, buộc gia đình phải xé đàn, mang ra đường bán lẻ.

Chúng tôi gặp ông Chương cùng vợ, mặt nhễ nhại mồ hôi khiêng sọt gà ra đường liên thôn để bán. Ông Chương bảo, túc tắc mỗi ngày bán được 20 – 30 con. Về giá cả thì cũng tùy khách trả, nhưng cao lắm cũng không vượt quá 50 nghìn đồng/kg.

Theo ông Chương, trong chuồng còn khoảng 2.000 gà lông màu, sắp đến ngày xuất bán mà lo ngay ngáy. Đã nửa tháng trôi qua, thương lái đã không còn tìm về hay điện thoại đặt mua gà. “Trước đây, cả trại có 3.000 con, chưa bao giờ phải đem ra đường bán ê hề thế này. Đến kỳ xuất bán, cứ rút điện thoại alo một câu, thương lái đến tận nhà ăn hàng. Giờ thì chưa biết thế nào”, ông Chương kể lể.

Giá gà các loại những ngày qua đều giảm từ 5 - 10 nghìn đồng/kg. Ảnh: Kế Toại. 

Giá gà các loại những ngày qua đều giảm từ 5 - 10 nghìn đồng/kg. Ảnh: Kế Toại. 

Số gà còn lại trong chuồng, ông Chương tính toán, mỗi ngày ngốn hết 500 nghìn đồng tiền cám. Đấy là mức ăn của gà khi gia đình đã chuyển sang chế đội nuôi cầm chừng. Ông Chương khẳng định, tới đây, nếu thị trường không sôi động trở lại, khéo người chăn nuôi “đi” trước cả con gà. Rất may, gia đình ông không vay ngân hàng để chăn nuôi, bớt đi gánh nặng trả lãi hằng tháng.

Ông Bùi Văn Ngọc, thôn Tân Kỳ (cùng xã Tân Trường) thì cho biết, người nuôi gà đang thực sự gặp khó khăn ở đầu ra. Dù giá giảm, nhưng không đáng sợ bằng việc thị trường bị đóng băng, không có thương lái nhập hàng.

Nhiều năm nay, ông Ngọc nuôi gà lông trắng, ổn định khoảng 1.500 con/lứa. Đầu tháng 3, khi lường trước bất ổn của dịch bệnh, ông Ngọc đã xuất bán toàn bộ đàn gà với giá 31 nghìn đồng/kg. Thời điểm này, người nuôi chỉ cần bán với giá trên 22 nghìn đồng/kg là bắt đầu có lãi.

Theo ông Ngọc, thời điểm này, thỉnh thoảng mới có 1 thương lái “ăn” gà lông trắng với giá 28 nghìn đồng/kg. “Thời gian qua, giá cám tăng 2 lần, một bao trọng lượng 25kg tăng khoảng 10 nghìn đồng. Tôi tính toán, nếu nhà nào bán với giá 28 thì cũng chỉ hòa vốn, không lỗ là may lắm rồi. Mong những ngày tới dịch bệnh giảm đi để người chăn nuôi ổn định sản xuất”.

Nhiều hộ đã cạn khi vẫn phải nuôi cầm cự đàn gà giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: Kế Toại. 

Nhiều hộ đã cạn khi vẫn phải nuôi cầm cự đàn gà giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: Kế Toại. 

Ông Nguyễn Văn Khích, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho biết, tổng đàn gà của địa phương ổn định khoảng 75 nghìn con. Những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm tại Tân Trường chủ yếu phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Số hộ nuôi nhỏ lẻ gần như không còn, nên công tác vệ sinh môi trường, dịch bệnh được đảm bảo.

Theo ông Khích, thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc mua bán, thông thương của người dân bị tác động mạnh. Giá gia cầm các loại đều giảm từ 5 – 10 nghìn đồng/kg.

Nhiều hộ chăn nuôi gà đến lứa xuất, nhưng không bán được đành nuôi cầm chừng cho dù tốn kém. “Tôi không tiện nên tên, nhưng trên địa bàn có 1 trang trại tổng hợp nuôi lợn, gà, vịt… có thể nói lớn nhất huyện cũng như tỉnh Hải Dương. Chủ trang trại tâm sự, mỗi ngày tiêu tốn khoảng 130 triệu đồng tiền thức ăn cho vật nuôi, chưa kể các chi phí khác. Ai cũng căng như dây đàn, chỉ mong những ngày tới mọi thứ nới lỏng hơn, để người dân có thể xuất bán”, ông Khích chia sẻ.

Người dân trông chờ thị trường sôi động trở lại khi dịch Covid-19 vãn hồi. Ảnh: Kế Toại. 

Người dân trông chờ thị trường sôi động trở lại khi dịch Covid-19 vãn hồi. Ảnh: Kế Toại. 

Về phương án hỗ trợ, ông Khích cho biết, do ngân sách hạn hẹp nên chính quyền không giúp được gì người chăn nuôi. Có chăng là tạo điều kiện, giải quyết thủ tục để người dân nhanh chóng vay vốn, khôi phục sản xuất.

Cũng theo vị này, rất may, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn chưa phát sinh ổ dịch cúm gia cầm. “Nếu dịch bệnh mà xảy ra nữa, tôi sợ người chăn nuôi ra đứng đường lâu rồi. Vì hiện nay, các hộ trên địa bàn đa phần đều vay lãi ngân hàng để sản xuất.

Xem thêm
Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bạc Liêu triển khai sản xuất 28.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Bạc Liêu sẽ triển khai sản xuất 28.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, mục tiêu đến năm 2030 nâng diện tích lên khoảng 46.000ha.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).