Số tiền họ đầu tư giống, thức ăn cho các trang trại nhiều tỷ đồng gần như đóng băng, chưa biết khi nào có thể thu hồi.
Ngất lên, ngất xuống
Xã Yết Kiêu ngày nay, mới được sáp nhập từ 3 xã của huyện Gia Lộc là: Yết Kiêu, Gia Hòa và Trùng Khánh. Trong đó, nhiều năm qua, 2 xã Yết Kiêu và Trùng Khánh đã hình thành làng nghề chuyên ấp nở trứng gia cầm, bán đi khắp cả nước.
Ông Vũ Văn Tuyển, thôn Thượng Bì 2, xã Yết Kiêu cho biết, chưa bao giờ, việc sản xuất của gia đình khó khăn như hiện nay.
Trước khi xảy ra dịch Covid-19, cứ 3 ngày, xưởng ấp 11 máy của gia đình lại cho một mẻ trên 2 vạn con giống. Nhưng nay, số lượng này giảm xuống chỉ còn 1 vạn.
Nhiều cơ sở chấp nhận phá trứng giống để bán trứng vịt lộn. Trong khi, giá thu mua cho người dân là 4,5 nghìn đồng/quả, tiền bán trứng vịt lộn chỉ là 3 nghìn đồng/quả. Họ chấp nhận thua lỗ, vì nếu sản xuất giống cũng không ai mua.
Dù đã giảm công suất ấp gần 2/3, nhưng con giống nở ra rất khó bán, mẻ nào cũng dư thừa, ứ đọng. Trước đây, xe tải của gia đình chở con giống xuất đi các tỉnh chạy hết công suất, giờ thì nằm bẹp một chỗ.
Theo ông Tuyển, chung quy cũng bởi dịch bệnh, người nuôi không dám vào đàn, giá thịt gia cầm giảm thì bán giống được cho ai.
Ông Vũ Nhật Dinh, thôn Thượng Bì 2 thì cho biết, mấy tuần nay, cả gia đình mất ăn, mất ngủ vì giá trứng, con giống giảm xuống trông thấy.
Ông Dinh nuôi gần 2.000 con ngan, 1.500 vịt cho trứng ổn định. Trước dịch, giá trứng (dùng để ấp nở) luôn đạt 7 – 8 nghìn đồng/quả. Nhưng ngay lập tức, khi xảy ra dịch Covid-19, chỉ còn 3 – 4 nghìn đồng/quả.
Kéo theo đó, giá ngan giống gia đình tự ấp nở cũng tụt giá không phanh. Cụ thể, trước dịch, giá ngan giống là 15 nghìn đồng/con đực, 5 nghìn đồng/con cái.
Ngày 26/3, khi chúng tôi về thăm, ông Dinh chỉ bán được 2 nghìn đồng/con cái, con đực còn 7 nghìn đồng. Như vậy, giá giống các loại đều tụt 50% trong vòng 2 tuần qua.
Cũng theo ông Dinh, không chỉ giống, giá thịt thương phẩm cũng theo đà đi xuống. Gia đình ông vừa bán vội đàn 1.000 con vịt, lỗ đứt 30 triệu đồng. Mỗi con vịt trọng lượng 3 – 3,5kg, giá chỉ khoảng 100 nghìn đồng. Như vậy, cứ bán 1 con vịt, người nuôi phải chịu lỗ 30 nghìn đồng.
Để ứng phó với tình trạng này, hầu hết cơ sở sản xuất giống đều phải cắt giảm nhân công, sản xuất cầm cự.
Như cơ sở của ông Tuyển, thường có 9 nhân công, nay cũng cắt giảm còn 6 người. “Thú thật, tôi cũng chỉ duy trì khoảng 2 – 3 tháng nữa thôi. Nếu tình hình dịch bệnh cứ thế này, chắc gia đình phải đóng cửa, ngừng sản xuất vì không thể bù lỗ mãi được’, ông Tuyển chia sẻ.
Lý giải vì sao, biết lỗ vẫn sản xuất, ông Dinh cho hay, muốn ngừng ngay cũng khó. Vì muốn nhập trứng về ấp, các cơ sở đều bỏ tiền đầu tư con giống, thức ăn cho các trang trại. Hằng ngày, hằng giờ, các cơ sở vẫn phải nhập trứng cho từ trang trại về ấp nở.
Như gia đình ông Dinh, tổng số tiền đầu tư cho các trang trại đến nay khoảng 5 – 7 tỷ đồng. “Nói thật, dịch bệnh là vấn đề của toàn xã hội, phải chấp nhận thôi. Chứ bây giờ mình không nhập trứng, bỏ rơi người sản xuất thì không được, còn số tiền đầu tư nữa… Thôi thì tới đâu hay tới đó”, ông Dinh ngậm ngùi.
Nhịn ăn để lấy công đi làm
Anh Lê Công Quỳnh, thôn Thượng Bì 1, chủ cơ sở sản xuất giống nói như khóc: “Không đi bán không được, mà càng bán càng lỗ chú ạ”.
Trước khi có dịch, mỗi ngày gia đình anh bán ra thịt trường tới 3 nghìn con giống các loại. Không còn thuê nhân công, giờ đây đích thân anh mang giống đi chào bán. Xe ô tải của gia đình, anh bảo, dạo này toàn đắp chiếu một chỗ, chở bằng xe máy cho tiết kiệm chi phí.
Cũng theo anh Quỳnh, thực sự người bán giống đang đi làm không có công. “Nhiều hôm, tôi chạy xe máy từ nhà đi Hải Phòng, Quảng Ninh giao gà.
Buổi trưa còn không dám tạt vào quán cơm ăn như trước, sợ tốn kém, phần cũng ngại dịch bệnh. Thế là nhịn đói, quay về nhà, tới 2 – 3 giờ chiều mới và tạm bát cơm nguội từ trưa. Không sung sướng gì…”, anh Quỳnh ngậm ngùi.
Ông Vũ Văn Chuy, Phó Chủ tịch UBND xã Yết Kiêu khẳng định, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới nghề nuôi cũng như sản xuất giống gia cầm của địa phương.
Toàn xã có khoảng 50 cơ sở lớn bé tham gia sản xuất giống, kinh nghiệm đầy mình nhưng đều lao đao trước dịch bệnh.
Ông Chuy bảo tôi, không tin thì chiều tối, anh quay lại chợ dân sinh thị tứ Yết Kiêu là rõ ngay. Vịt thịt, người dân đem ra ven đường bày bán rẻ như cho, 100 nghìn/con nặng 3 – 3,5 kg. Mỗi lứa vịt, nuôi khoảng 45 – 50 ngày có thể bán, nhưng lỗ thì cứ tính trung bình 25 – 30 nghìn đồng/con mà nhân lên.
Cũng theo ông Chuy, điều này không khó lý giải khi mà hàng loạt hàng quán, trường học bán trú trên địa bàn đang phải đóng cửa vì dịch Covid-19. Nhiều khu công nghiệp trên địa bàn cho công nhân tan làm sớm hoặc làm cách nhật.
Hai tuần nay, xã Yết Kiêu đã khuyến cáo người dân tụ tập đông người, hạn chế tổ chức cỗ bàn, bất kể đám hiếu hay hỷ. Vì thế, thịt, cá bán ê hề những chẳng mấy người mua.