| Hotline: 0983.970.780

Phải giảm cả nguồn cung lẫn nhu cầu tiêu thụ động, thực vật hoang dã

Thứ Hai 17/02/2025 , 16:48 (GMT+7)

Tai phiên họp sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu bổ sung giải pháp thay đổi nhận thức của người dân và phân cấp mạnh về địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp sửa đổi Nghị định 06. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp sửa đổi Nghị định 06. Ảnh: VGP.

Sáng 17/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Tham dự buổi họp có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị và cơ quan soạn thảo - CITES Việt Nam (đặt tại Cục Kiểm lâm, Bộ NN-PTNT).

Dự thảo Nghị định mới gồm 5 chương, 28 điều, kế thừa các quy định của Nghị định 06 về: Bảo vệ, điều tra, đánh giá hiện trạng, nghiên cứu khoa học về thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nuôi động vật rừng thông thường; điều kiện nuôi, trồng, cấp mã số cơ sở nuôi, trồng động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES; điều kiện xuất khẩu, tái xuất khẩu, nhập khẩu và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, chứng chỉ CITES thuộc Phụ lục CITES.

Cập nhật những thay đổi của Công ước CITES quốc tế; tăng cường phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiền thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan; khắc phục được các tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời kế thừa và bổ sung những điểm mạnh, những nội dung còn phù hợp với thực tiễn trong các nghị định đã ban hành trước đây.

Ngoài ra, bổ sung tiêu chí xây dựng danh mục động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam; quy định trình tự, thủ tục khai thác mẫu vật động, thực vật thuộc Phụ lục CITES từ tự nhiên và từ nuôi, trồng; quy định về cấp gia hạn, cấp đổi mã số cở sở nuôi, trồng; quy định về các trường hợp miễn trừ giấy phép, chứng chỉ CITES; quy định về trình tự, thủ tục cấp thay thế, hủy giấy phép CITES; buôn bán với quốc gia không phải thành viên CITES; quy định trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý hoạt động khai thác, nuôi, trồng và xuất, nhập khẩu mẫu vật thuộc Phụ lục CITES.

Dự thảo cũng sửa đổi 7 nội dung so với Nghị định 06 gồm: Quy định không cấp giấy phép CITES nhập khẩu đối với loài thủy sản thuộc Phụ lục II và thuộc Phụ lục I có nguồn gốc từ cơ sở nuôi, trồng đã đăng ký mã số với Ban Thư ký CITES do loài thủy sản đã được quản lý theo quy định của pháp luật về thủy sản.

Quy định cụ thể về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES; Quy định về quy trình, thủ tục cấp mã số cơ sở nuôi, cơ sở trồng, cấp giấy phép; Quy định về chế biến, kinh doanh, vận chuyển, quảng cáo, trưng bày, cất giữ mẫu vật các loài động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES.

Quy định về xử lý mẫu vật bị tịch thu của các loài động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES; Quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý CITES Việt Nam, cơ quan khoa học CITES Việt Nam; Quy định về ban hành Danh mục loài thuộc CITES sau khi có điều chỉnh của Công ước CITES sau mỗi kỳ họp các quốc gia thành viên.

Việt Nam thuộc tốp 20 quốc gia đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Ảnh: VGP.

Việt Nam thuộc tốp 20 quốc gia đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Ảnh: VGP.

CITES Việt Nam đánh giá, dù là quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao, trong đó có nhiều loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, Việt Nam cũng là nơi chịu ảnh hưởng lớn của các hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, có nhiều mẫu vật động vật hoang dã bị buôn bán trái pháp luật có nguồn gốc nước ngoài như voi, hổ, tê giác, tê tê...

Từ thời điểm ban hành Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Chính phủ đã sửa đổi một lần, tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, địa phương vẫn lúng túng trong một số vấn đề như: Điều kiện nuôi, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã; Chưa có sự thống nhất về danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm với các loài ưu tiên bảo vệ; Thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc tài liệu hướng dẫn về chuồng trại nuôi động vật hoang dã, các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi...

Nhằm giải quyết các vấn đề này cũng như đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền quản lý về địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan soạn thảo không để khoảng trống pháp luật hay chồng chéo, trùng lặp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, các nội dung trong Nghị định mới phải có tính thực thi cao trong thực tiễn, gồm cả biện pháp hành chính, thậm chí hình sự để giải quyết tận gốc tình trạng khai thác, buôn bán, sử dụng động vật, thực vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp.

Bên cạnh đó, cần bổ sung một số giải pháp thay đổi nhận thức của người dân, xã hội, tăng cường tuyên truyền, giáo dục ngay từ trong trường học đối với các hành vi khai thác, buôn bán, sử dụng động, thực vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp; đồng thời thực hiện cơ chế hậu kiểm.

Với tinh thần "phát hiện vi phạm lúc nào, xử lý ngay lúc đấy", Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Nghị định phải giảm cả nguồn cung lẫn nhu cầu tiêu thụ, sử dụng động, thực vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp, tiến tới kiểm soát, quản lý và chặn đứng tình trạng này".

Ông cũng lưu ý, hoạt động bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp cần gắn với khai thác bền vững, phát huy tiềm năng, giá trị kinh tế của tài nguyên đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân bản địa.

Đối với hoạt động điều tra, nghiên cứu, đánh giá tài nguyên đa dạng sinh học trên cả nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo quy định rõ cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm công bố số liệu, tiến tới xây dựng bản đồ, theo dõi biến động tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam.

Theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người buôn bán động vật hoang dã quý hiếm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù nếu hành vi buôn bán, vận chuyển có quy mô lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở ĐBSCL và TP. HCM

Thủ tướng yêu cầu triển khai các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn phù hợp với thực tế từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Đầu tư gần 40.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP. HCM - Mỹ Thuận

ĐBSCL Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 39.800 tỷ đồng, với chiều dài hơn 96km. Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024-2028.

Trà Sơn, tay em cầm nhật thực

Câu chuyện kinh tế trang trại, làm giàu nhờ trang trại từ vùng Trà Sơn, Can Lộc, minh chứng hùng hồn, không có gì tuyệt vời bằng làm giàu ngay chính trên quê hương mình.

Bình luận mới nhất