| Hotline: 0983.970.780

Phải trữ nước ngọt cho ĐBSCL

Thứ Sáu 01/04/2011 , 11:52 (GMT+7)

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng những tác động ở phía thượng lưu cùng với biến đổi khí hậu, đã ảnh hưởng rõ rệt tới nguồn nước sông Cửu Long. Vì thế, Việt Nam không thể không chủ động trữ nước ngọt cho ĐBSCL.

Trong 2 ngày 31/3 và 1/4/2011, tại TP HCM, đã diễn ra buổi hội thảo cấp cao lần thứ tư giữa Việt Nam và Hà Lan “Hướng đến quy hoạch châu thổ sông Cửu Long”.

Tại buổi Hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng những tác động ở phía thượng lưu cùng với biến đổi khí hậu, đã ảnh hưởng rõ rệt tới nguồn nước sông Cửu Long. Vì thế, Việt Nam không thể không chủ động trữ nước ngọt cho ĐBSCL. PV NNVN đã trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam về vấn đề này.

TS Nguyễn Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Anh cho hay: Ngay cả khi phía thượng lưu có nhã ý tốt với hạ lưu trong việc chia sẻ nguồn nước, thì với sự biến đổi quá nhanh của khí hậu toàn cầu, họ cũng không thể nào giúp mình được. Do đó, chúng ta phải chủ động giữ nước ngọt cho vùng châu thổ rất quan trọng này.

Nhiều ý kiến cho rằng giải pháp trữ nước tối ưu nhất là làm cống ở các cửa sông thuộc hệ thống sông Cửu Long. Ông có tán thành điều này?

Chắc chắn là phải chặn cửa sông rồi. Nhưng chặn lúc nào, chặn cửa nào, cửa nào chặn trước, cửa nào chặn sau thì phải tính toán kỹ càng.

Hiện nay hệ thống sông Cửu Long còn 7 cửa. Có cần phải chặn hết cả 7 cửa này không?

Theo tôi, chúng ta không cần và không thể chặn hết 7 cửa sông này. Bởi chúng ta chỉ cần chặn những cửa sông có tác dụng lớn trong việc giữ ngọt và tăng lưu lượng cho các cửa sông khác. Mặt khác, cửa Đại và cửa Tiểu nằm trong hệ thống giao thông thủy quốc tế, nằm trong Hiệp ước sông Mekong, nên chúng ta không có quyền chặn lại.

Vậy 5 cửa sông còn lại thì sao, thưa ông?

Chúng ta chỉ cần chặn 3 cửa là Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu. Đây là 3 sông nhánh, không nằm trong Hiệp ước sông Mekong nên chúng ta có thể chặn lại. Tổng lưu lượng nước chảy qua 3 cửa sông này chiếm tới 38% tổng lượng nước sông Mekong chảy ra biển Đông. Vì thế, chỉ cần chặn 3 cửa sông này, chúng ta sẽ giữ được một lượng nước rất lớn cho ĐBSCL. 3 cửa sông bị chặn sẽ tạo thành một trục nước ngọt nằm giữa ĐBSCL. Khi ấy, nước ngọt sẽ được đẩy sang vùng Đồng Tháp Mười, đẩy về tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau. Theo tính toán của chúng tôi, nếu chặn 3 cửa sông nói trên, thì sau 50 năm nữa, chúng ta vẫn đảm bảo được lượng nước ngọt cho ĐBSCL ở mức như bây giờ, bất chấp những ảnh hưởng từ thượng nguồn hay biến đổi khí hậu.

Ngoài việc trữ nước ngọt, việc chặn 3 cửa sông này còn có những tác dụng gì nữa, thưa ông?

Sông nước ĐBSCL.

Lưu lượng nước ở 3 cửa sông sẽ được đẩy sang các cửa sông khác, làm tăng mạnh lưu lượng nước ở các cửa sông đó. Chẳng hạn, lưu lượng nước ở cửa chính sông Tiền và sông Hậu hiện nay khoảng 200 m3/s. Khi 3 cửa Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu bị chặn, sẽ đẩy nước qua sông Tiền, sông Hậu, làm tăng lưu lượng ở cửa các sông này lên 700 m3/s. Lưu lượng ấy sẽ có tác dụng lớn hơn trong việc đẩy mặn ra xa.

Tại sao chúng ta không làm hồ lớn để trữ nước ngọt ở ĐBSCL?

ĐBSCL không có địa hình tốt để làm hồ chứa nước ngọt quy mô lớn. Cao trình chung của đồng bằng chỉ từ 0,5-1 m. Trong khi đó, vào mùa lũ, các khu vực như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên có thể ngập lũ tới 1,5-2 m. Như vậy, nếu làm hồ trữ nước ngọt ở ĐBSCL thì phải đắp bờ cao cao từ 1-1,5 m. Khi ấy, lượng nước trữ được trong hồ chỉ đủ để … bay hơi trong mùa khô. Vì thế, nếu làm hồ kiểu ấy, coi như bằng không. Còn nếu đào sâu xuống để làm hồ, thì không thể làm nổi vì một cái hồ phải rộng tới hàng chục ngàn ha. Vả lại, làm hồ theo kiểu đào sâu lại phải tốn một khoản chi phí không nhỏ để chạy hệ thống máy bơm đưa nước từ dưới hồ ra ngoài. Mặt khác, nếu làm hồ mà “dính” vào những năm khô hạn, thiếu nước thì hồ cũng sẽ cạn nước. Như thế cũng chẳng có tác dụng gì.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.