| Hotline: 0983.970.780

Phân bón cho người nghèo ở Phú Thọ: Giá cao một cách đáng ngờ

Thứ Sáu 17/01/2020 , 09:37 (GMT+7)

Trong chương trình hỗ trợ sản xuất cho hộ đồng bào ở vùng cao 135 của huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, giá phân bón được áp ở mức cao hơn hẳn so với thị trường…

Thôn chia thế này, thôn chia thế nọ

Trong ngôi nhà lụp xụp của ông Hoàng Văn Bắc ở thôn 8 xã Yên Kiện (Đoan Hùng, Phú Thọ) không có gì đáng giá ngoài hơn chục bao phân mới được hỗ trợ đang để ở một góc cạnh cái sào treo mấy bộ quần áo bạc, sờn.

16-13-29_nh_1
Ông Bắc bên đống phân mới được hỗ trợ.

Ông thuộc hộ cận nghèo, ở vùng 135 lại là người dân tộc nên được 1 suất hỗ trợ. Con gái ông là Hoàng Thị Hà, con trai ông là Hoàng Văn Hải đều thuộc diện nghèo nên mỗi nhà được thêm 1 suất nữa, số lượng còn nhiều hơn cả của bố.

Gia đình Hải gồm 5 khẩu nhưng chỉ có 1 sào ruộng nên với tiêu chuẩn được cấp hơn 3 tạ phân đã không thể nghĩ ra bón ở đâu, vào cây gì cho hết. Phân năm ngoái còn thừa để phủ bụi ở góc nhà, phân năm nay đã được chuyển đến đang để bừa bộn một góc bếp: “Mình không dùng hết nhưng cũng không dám bán hàng của Nhà nước cho vì sợ người ta nói ra, nói vào”. Hải bảo với tôi như thế.

Hộ nghèo ngoài được hỗ trợ về học phí, tiền ăn của con cái, mỗi đứa 1 tháng hơn 900.000đ, được đóng bảo hiểm y tế cho cả nhà, đóng tiền điện hay là quà Tết còn có phân bón, vật tư nông nghiệp cấp không hàng năm.

Ông Sầm Ngọc Cảnh - Trưởng thôn 8 nơi có 96 hộ, phần lớn là đồng bào dân tộc Cao Lan trong đó có 16 hộ nghèo, 19 cận nghèo bảo cũng vì thế mà khi xã giao chỉ tiêu thoát nghèo cho thôn mỗi năm 3 hộ chẳng biết giữ ai, bỏ ai vì kinh tế của nhiều nhà khá tương đương.

Yên Kiện có 3 thôn 135 gồm 8, 5, 3 được chế độ hỗ trợ cho các đối tượng nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo với những mức khác nhau rõ ràng. Nghèo được nhiều, cận nghèo được ít hơn và mới thoát nghèo được ít hơn nữa nhưng mỗi nơi lại chia một kiểu. Như năm 2018 ở thôn 8 chia đúng theo quy định của Nhà nước cho nhưng thôn 5, 3 lại chia theo kiểu cào bằng khiến cho không ít người thắc mắc.

16-13-29_nh_2
Vợ chồng ông Bắc bên ngôi nhà cũ nát

Bà Trần Thị Loan - một hộ nghèo ở thôn 5 cho biết năm 2018 trên hỗ trợ cho một cục rồi thôn tự chia, nghèo, cận nghèo đều được 7 bao dù khi ký nhận có ghi rõ các mức khác biệt. Năm 2019 thôn đã chia theo 3 mức, nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, hộ nhà bà được 13 bao, hộ cận nghèo 10 bao… Tổng cộng có 38 gia đình được hưởng lợi.
 

Xã bảo tất cả đều do ý nguyện của dân

Ông Trần Xuân Hải - Trưởng thôn 5 thông tin 3 năm gần đây địa phương được hỗ trợ 2 đợt phân bón, 1 đợt gà. Gà giống công nghiệp về nuôi phần vì không biết kỹ thuật úm, phần bởi không có tiền mua thức ăn chế biến sẵn mà chỉ vãi sắn băm, ngô, thóc, không có thuốc thú y, không có bóng đèn sưởi nên rốt cuộc tỉ lệ sống sót chỉ đạt cỡ 30-40%. Phân thì dân bón xuống đất cũng không có nhiều cảm nhận tốt xấu ra sao vì thấy cây trồng không bị chết mà vẫn cho thu hoạch.

Ngoài những bất hợp lý kể trên thì một số người dân cũng thắc mắc với tôi rằng tại sao không được đăng ký các chủng loại phân tốt và phổ biến trên thị trường như Lâm Thao, Văn Điển…? Tại sao giá phân trong danh sách lại cao hơn hẳn so với cùng chủng loại trên thị trường?

16-13-29_nh_3
Số phân bón mới hỗ trợ này sẽ được dùng cho cả năm sản xuất của một hộ nghèo.
Theo một chuyên gia trong ngành phân tích khi phân bón ra ngoài thị trường cần có mã số hay công nhận lưu hành của Cục Bảo vệ Thực vật, có chỉ tiêu các chất chính như đạm, lân, kali ≥ 3,0%, với các loại mà bao bì có chữ TE (viết tắt của chữ trung vi lượng) phải công bố rõ hàm lượng cụ thể…

Cụ thể, giá phân NPK 5.10.3 miền Bắc đến tay đại lý chỉ khoảng 3.500đ/kg, NPK 12. 2.12 miền Bắc chỉ khoảng 5.500đ/kg, bán tới tay nông dân cộng thêm một vài trăm đồng nữa nhưng đằng này dự án lại tính 4.800đ/kg và 7.000đ? Tại sao Công ty CP Bảo vệ thực vật Miền Bắc ngày 12/12/2019 vừa rồi đã bị Chi cục Quản lý Thị trường Thái Nguyên yêu cầu phải thu hồi để tái chế vì phân không đảm bảo chất lượng nhưng một trong những sản phẩm cùng loại đó vẫn được cấp cho dân? Lấy gì đảm bảo chúng sẽ đạt chất lượng?

Ông Hứa Ngọc Đa - Chủ tịch xã Yên Kiện cho hay theo phân quyền, xã là chủ đầu tư của chương trình hỗ trợ sản xuất này, chủng loại phân do bà con đăng ký theo nhu cầu chứ không hề có sự áp đặt.

Theo thông tin chúng tôi được biết huyện Đoan Hùng có 35 thôn đặc biệt khó khăn của 16 xã, năm 2019 đã hỗ trợ được 263,8 tấn phân bón cho 1.341 hộ với tổng vốn 1.624 triệu đồng. Ngoài ra cũng còn có một số chương trình hỗ trợ khác. Câu hỏi đặt ra là tại sao giá của chúng lại cao hơn hẳn mặt bằng chung và chủng loại này là do cán bộ chọn hay dân chọn?

Xem thêm
Tiềm năng làm sạch đất trồng nhiễm Cadimi nhờ sức mạnh của thực vật

Một số loài cây có thể hút và lưu giữ kim loại nặng, gồm chì, Cadimi, asen… không chỉ giúp làm sạch đất ô nhiễm mà còn cho phép thu hồi các kim loại quý.

Những cánh đồng không virus ở xứ sở ngàn hoa

Nỗi ám ảnh về các loại bệnh do virus gây ra trên các vườn hoa, cây ăn trái đã được giải quyết, mang lại những mùa vụ thắng lợi cho nông dân.

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vừa cùng gửi văn bản nêu những vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Toàn Thắng Corporation hợp tác chiến lược với Hannam Bio Hàn Quốc

Toàn Thắng Corporation và Hannam Bio sẽ hợp tác trong phát triển sản xuất vi sinh vật có lợi, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành thủy sản.