Ông Phạm Quang Tuyến - Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. |
Ông Phạm Quang Tuyến - Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chia sẻ cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam về một số khó khăn trong sản xuất và kinh doanh phân bón.
Nếu có thể gói gọn về tình hình của các nhà máy sản xuất phân bón năm nay thì cụm từ nào là thích hợp thưa ông?
Là khó khăn chưa từng thấy. Nguyên nhân chính theo tôi do nông dân nhiều nơi đang đua nhau bỏ ruộng. Bao nhiêu công sức, phân gio, giống má, thuốc sâu, thuốc bệnh để chăm lo cho một sào lúa suốt mấy tháng trời mà giá trị thu lại chỉ được cỡ 1,6 triệu đồng. Thêm vào đó là nạn phân bón nhái, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng càng khiến cho sản xuất kém hiệu quả đi.
Sản xuất nông nghiệp năm nay đầu năm thời tiết không mấy ủng hộ, nắng nóng làm cho cây trồng đơm hoa, kết trái kém. Bên cạnh đó dịch tả lợn châu Phi hoành hành khắp cả nước, nông sản làm ra để phục vụ chế biến thức ăn cho lợn giảm đi rất nhiều kéo theo việc trồng ngô, khoai, sắn… cũng giảm. Nhiều nơi đã bỏ vụ lúa mùa đặc biệt là bỏ luôn vụ đông đến 50-60% diện tích.
Bởi thế, một số người có tiền đã mua gom ruộng của nông dân bỏ hoang rồi để không đấy chỉ nộp mỗi khoản kênh mương hóa nội đồng giữ đất mà thôi. Khó khăn chồng chất khó khăn như vậy nên nông dân sử dụng phân bón ngày một ít đi.
Với những công ty sản xuất phân bón như chúng tôi, kể từ khi thực hiện theo Luật thuế 71, mua nguyên vật liệu và các dịch vụ đầu vào khác vẫn phải có thuế VAT nhưng lại không được Nhà nước hoàn lại như trước còn sản phẩm bán ra thì không được cộng thêm thuế VAT khiến cho giá bị đội lên cỡ 4-5%.
Một sân chơi không hề bình đẳng với các doanh nghiệp phân bón trong nước trong khi doanh nghiệp phân bón nhập khẩu lại được nhiều ưu đãi, trước phải chịu thuế 11% (gồm 6% thuế nhập khẩu và 5% thuế VAT) giờ chỉ còn 6%.
Ngoài những lý do chung đó, tôi được biết nạn hàng nhái, hàng giả còn làm tình hình thị trường thêm rối ren, khó khăn gấp bội?
Đúng như vậy. Nếu làm hàng giả rất dễ bị pháp luật xử lý thì hàng kém chất lượng lại là một câu chuyện khác. Có hai hình thức làm hàng kém chất lượng, thứ nhất là rút bớt các thành phần chính đi và thứ hai là tăng độ ẩm lên.
Thị trường phân bón hiện nay đang bấn loạn vì độ ẩm. Các đơn vị sản xuất kiểu nhỏ lẻ, chộp giật thường không có máy sấy hoặc có nhưng sấy cũng rất qua loa đại khái.
Ví dụ phân bón NPK 5-10-3 tiêu chuẩn Việt Nam cho phép độ ẩm là 4% nhưng giờ người ta làm gấp hai ba lần mà các đơn vị chức năng, kiểm nghiệm chẳng hề đả động đến. Độ ẩm tăng lên đồng nghĩa với giá trị dinh dưỡng trong bao phân bị giảm xuống. Doanh nghiệp lãi đơn lãi kép còn người nông dân thì ngược lại, thiệt đơn thiệt kép.
Bởi thế, mong muốn của chúng tôi, những nhà sản xuất chân chính là các nhà làm luật phải sửa đổi tiêu chí của phân bón giả. Cụ thể hàm lượng dinh dưỡng chính cứ dưới 90% là hàng giả chứ không phải dưới 70% như hiện nay để mặc cho các cơ sở cứ làm hơn 70% và bán tràn lan ra khắp thị trường.
Nếu chẳng may bị phát hiện thì họ chỉ bị phạt hành chính nhẹ như lông hồng sau đó lại tiếp tục sản xuất, tiếp tục bán và sẵn sàng chịu phạt tiếp. Không hề có thanh tra, kiểm tra định kỳ hay đột xuất trên diện rộng mà thường chỉ khi có báo chí phản ánh thì cơ quan chức năng mới vào cuộc nhưng cũng chỉ được trên diện hẹp.
Rất nhiều các đơn vị sản xuất hàng kém chất lượng theo đơn đặt hàng của các đại lý cấp hai, cấp ba. Là những người bán hàng, đại lý họ yêu cầu các chỉ tiêu chính chỉ cần 75-80%, mẫu mã cứ bám theo các công ty lớn bán với giá như thế, như thế.
Khi người dân mua hàng yêu cầu thẳng tên một loại phân bón thì đại lý trí trá rằng: “Bây giờ có loại phân giống như thế, chất lượng đã được nhà nước kiểm chứng còn giá cả lại mềm hơn, bác cứ lấy mà dùng”. Nhưng có ai kiểm chứng? Muốn làm thế nào thì làm, chỉ cần mang sản phẩm đi kiểm tra một vài chỉ tiêu là được phép đem bán.
Ông Phạm Quang Tuyến - Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (thứ hai từ trái sang) kiểm tra dây chuyền sản xuất. |
Ngoài yếu tố trong nước, cuộc thương chiến Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường phân bón ở Việt Nam. Mỹ không cho hàng phân bón của Trung Quốc vào nước mình thì bắt buộc Trung Quốc phải tìm cách đẩy sang các thị trường khác. Việt Nam là quốc gia gần nên càng ảnh hưởng bởi làn sóng này, hàng phân bón nhập khẩu rất nhiều, giá rẻ, cạnh tranh khốc liệt với sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh nông nghiệp của một số vùng đang khó khăn như hiện nay công ty ông có sự chia sẻ gì với bà con nông dân?
Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao lúc nào cũng đồng hành với bà con bằng cách liên tục cải tiến chất lượng để đáp ứng đa dạng các đối tượng cây trồng, các chất đất, các vùng sinh thái. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cùng hội nông dân nhiều địa phương ký kết các chương trình bán hàng trả chậm để tạo điều kiện cho những hộ nông dân nghèo.
Trước thềm năm mới tôi mong thời tiết ủng hộ, Nhà nước có những chính sách thu mua nông sản, đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất cũng như đầu tư vào nông nghiệp để sao cho nông dân có điều kiện sống được tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!