| Hotline: 0983.970.780

Phần Lan có thể trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam

Thứ Tư 12/10/2022 , 15:23 (GMT+7)

Phần Lan có nguồn gỗ nguyên liệu rất lớn, và hoàn toàn có thể trở thành nguồn cung quan trọng cho công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.

Diễn đàn hợp tác lâm nghiệp Việt Nam – Phần Lan. Ảnh: Thanh Sơn.

Diễn đàn hợp tác lâm nghiệp Việt Nam – Phần Lan. Ảnh: Thanh Sơn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Antti Kurvinen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan, ngày 12/10, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT Việt Nam cùng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan đã tổ chức “Diễn đàn hợp tác lâm nghiệp Việt Nam – Phần Lan: Hướng tiếp cận đa mục đích và quản lý rừng bền vững”.

Việt Nam và Phần Lan đều có ngành lâm nghiệp mạnh. Ông Antti Kurvinen cho biết, rừng bao phủ 75% diện tích đất tự nhiên Phần Lan. Phần Lan hiện là nước có nhiều rừng nhất ở châu Âu với 20,3 triệu ha đất rừng đa dụng. Với diện tích rừng lớn như vậy, lâm nghiệp đang là ngành xuất khẩu quan trọng nhất của Phần Lan khi chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu của nước này.

Ông Antti Kurvinen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Antti Kurvinen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan. Ảnh: Thanh Sơn.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), đến năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam là 42%, tăng mạnh so với mức 28% vào những năm 1990. Từ một nước mà công nghiệp chế biến gỗ gần như không có gì, đến năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đã đạt khoảng 16 tỷ USD, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong ngành lâm nghiệp, Việt Nam và Phần Lan đã hợp tác với nhau suốt 20 năm qua, tập trung vào các nội dung chủ yếu như trồng rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, quản lý rừng bền vững, chi trả dịch vụ môi trường rừng, xây dựng cơ chế chính sách … Sự hợp tác và hỗ trợ của Phần Lan đã góp phần vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.

Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực lâm nghiệp là 27,7 triệu USD. Ông Nguyễn Quốc Trị cho rằng, đây là một con số còn khá khiêm tốn so với tiềm năng thực sự của cả 2 nước, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn.

Hiện nay, mỗi năm, Phần Lan khai thác tới gần 70 triệu m3 gỗ, mà hầu hết có chứng chỉ và phần lớn trong số đó dành cho xuất khẩu. Trong khi đó, nhu cầu gỗ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam là rất lớn. Ngoài nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước, mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam vẫn đang phải chi ra hơn 2 tỷ USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu và châu Âu là một trong những nguồn cung quan trọng.

Không chỉ có nguồn gỗ dồi dào, Phần Lan còn có nền công nghiệp chế biến gỗ tiên tiến, hiện đại, với nhiều công nghệ, thiết bị đang được các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam quan tâm như công nghệ sản xuất gỗ biến tính …

Chính vì vậy, Phần Lan hoàn toàn có thể trở thành thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu và các công nghệ chế biến gỗ tiên tiến cho ngành gỗ  Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Trị đề nghị Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan tiếp tục giúp Việt Nam thực hiện những pha tiếp theo của dự án FORMIS. Đây là một dự án rất thiết thực, hữu ích và hiệu quả, không chỉ cho quản lý nhà nước mà cho cả nền lâm nghiệp Việt Nam.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất