| Hotline: 0983.970.780

'Pháo đài xanh’ bảo vệ đê biển

Thứ Hai 31/07/2023 , 12:23 (GMT+7)

Tỉnh Trà Vinh đã xây dựng một ‘pháo đài xanh’ bảo vệ đê biển với hàng nghìn ha rừng ngập mặn nhờ các dự án đầu tư và phát triển rừng phòng hộ.

Cảnh quan xanh mướt trải dài từ những tán rừng ngập mặn tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Hồ Thảo.

Cảnh quan xanh mướt trải dài từ những tán rừng ngập mặn tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Hồ Thảo.

Trên địa bàn tỉnh hiện tại, có khoảng 9.500ha rừng bần, đước, mắm, cốc, chà là... Trong đó, rừng trồng chiếm gần 6.600ha, rừng phòng hộ chiếm 5.410ha và rừng sản xuất chiếm 3.790ha.

Trước đây, vùng đất bãi bồi ven sông Cổ Chiên ở hai xã đảo Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành, đã chứng kiến việc chặt phá rừng tự nhiên trên diện tích lớn do hoạt động không kiểm soát của người dân. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã tập trung vào công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về lợi ích của việc trồng và bảo vệ rừng.

Nhờ nguồn vốn từ các dự án trồng rừng của tỉnh, xã Long Hòa đã thành công trong việc khôi phục hệ sinh thái rừng bần với diện tích khoảng 300ha, và còn tiềm năng mở rộng thêm 100ha trên đất bãi bồi. Ở vị trí tiếp giáp biển, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, cũng được hưởng lợi từ các dự án phục hồi và phát triển rừng, tạo nên cảnh quan xanh mướt trải dài trên hơn 500ha rừng ngập mặn.

Từ năm 1990 đến nay, huyện Cầu Ngang cũng thành công trong việc trồng thêm hơn 500ha rừng bần. Rừng bần này không chỉ có vai trò quan trọng trong việc chắn sóng và bảo vệ khoảng 15km tuyến đê sông từ Vinh Kim đến vàm Thâu Râu, mà còn tạo nên tán rừng bần dày từ 200 - 600m phía ngoài tuyến đê sông để bảo vệ.

Ông Phạm Văn Sánh, người ở ấp 5, xã Mỹ Long Nam cho biết, khi diện tích rừng bần được mở rộng, các loại hải sản như cua biển, nghêu cám xuất hiện ngày càng nhiều ở các bãi bồi ven sông và ven biển.

Hoạt động trồng rừng ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang. Ảnh: Hồ Thảo.

Hoạt động trồng rừng ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang. Ảnh: Hồ Thảo.

Việc thiết lập và bảo vệ vùng rừng phòng hộ ven biển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chắn sóng và bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp của cưa dân. Cụ thể, nhiều hộ dân ở hai ấp Nhà Mát và Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải cho hay,  trước đây đất chỉ có thể canh tác một vụ lúa hoặc một vụ dưa hấu, dưa và thường gặp thiệt hại do sương muối và gió biển. Từ khi tỉnh triển khai trồng rừng phòng hộ ven biển, hơn 100ha đất sản xuất đã có thể canh tác hai vụ dưa và một vụ lúa.

Việc bố trí lại cơ cấu mùa vụ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã giúp các hộ dân có thu nhập hơn 120 triệu đồng/năm từ 1ha đất canh tác. Vành đai rừng phòng hộ ở xã Trường Long Hòa đã chắn cát bay và sương muối, đồng thời tạo điều kiện cho nông dân đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi. Các mô hình trồng khoai, đậu phộng giúp cải thiện đáng kể đời sống của cộng đồng.

Được biết, UBND tỉnh Trà Vinh đã chấp thuận dự án Khu bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn Long Khánh nhằm khôi phục và phát triển rừng ngập mặn, tái tạo đa dạng hệ sinh thái, và cung cấp trải nghiệm du lịch sinh thái. Mục tiêu của dự án cũng bao gồm xây dựng mô hình kinh tế hộ kết hợp với quản lý và bảo vệ rừng. Khu bảo tồn này rộng hơn 600ha, với các loài cây như đước, mắm, cốc, giá và chà là địa phương.

Đặc biệt, rừng đước có diện tích khoảng 150ha đã tồn tại hơn 30 năm tại ấp Đình Cũ, xã Long Khánh. Và đây là nơi có hệ sinh thái rừng đước lâu đời với nhiều loài động vật quý hiếm như kỳ đà, chồn, sóc, rắn hổ mang và các loài chim. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn cũng đang bị đe dọa bởi việc phá rừng để lấy đất trồng trọt và đào ao nuôi tôm.

Sở NN-PTNT Trà Vinh đã phối hợp với cấp ủy và chính quyền các xã, thị trấn trong tỉnh để tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng cho người dân, đồng thời thực hiện công tác giám sát và bảo vệ rừng theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, cá nhân và tổ chức nhận hợp đồng giao khoán quản lý và bảo vệ rừng được hỗ trợ 500 nghìn đồng/ha, trong đó có vốn từ Trung ương là 300 nghìn đồng và vốn từ ngân sách tỉnh là 200 nghìn đồng.

Công tác tuần tra, kiểm soát cùng với những hoạt động tuyên truyền người dân bảo vệ rừng được tổ chức thường xuyên. Ảnh: Hồ Thảo.

Công tác tuần tra, kiểm soát cùng với những hoạt động tuyên truyền người dân bảo vệ rừng được tổ chức thường xuyên. Ảnh: Hồ Thảo.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Cầu Ngang, ông Nguyễn Văn Linh cho biết, rừng ngập mặn đóng góp quan trọng trong việc cải thiện môi trường sinh thái và duy trì sự phát triển của nhiều loại thủy, hải sản có giá trị kinh tế như sò huyết, cua biển, nghêu, tôm cá. Điều này góp phần ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất của cộng đồng.

ĐBSCL là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh, khi mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có 40% diện tích đất tự nhiên của tỉnh Trà Vinh bị ngập chìm trong biển. Việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là một trong những giải pháp hữu hiệu để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.