| Hotline: 0983.970.780

Phát triển địa phương phải dựa trên nội lực cộng đồng

Thứ Hai 16/10/2023 , 16:19 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan rất cảm xúc khi nghe những lời tâm sự của tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An (Phú Yên).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến. Ảnh: Kim Sơ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến. Ảnh: Kim Sơ.

Trong chuyến công tác tại Phú Yên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến thăm mô hình tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến, xã An Hòa Hải (Tuy An).

Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chứng kiến văn hóa sinh hoạt của cộng đồng của ngư dân làng chài Hòn Yến. Đồng thời ông cũng tìm hiểu cách mà tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến vừa quản lý, bảo vệ, bảo tồn rạn san hô, vừa tổ chức tour du lịch cộng đồng góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã thăm nhà điều hành Hòn Yến được xây dựng đơn sơ, mái lợp dừa trông rất xinh xắn, gọn gàng. Tại đây, Bộ trưởng được tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến giới thiệu sản phẩm đặc trưng như nước mắm các loại, yến sào và rau củ sản xuất tại địa phương.

Trò chuyện cùng Bộ trưởng, ông Đinh Văn In, tổ trưởng tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến cho biết, tháng 4/2018, danh thắng Hòn Yến được công nhận danh thắng quốc gia. Hai năm sau, được sự quan tâm các cấp, đặc biệt Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã tài trợ thực hiện dự án "Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến", từ đó tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến ra đời.

Bộ trưởng tìm hiểu văn hóa ngư dân làng chài Hòn Yến. Ảnh: Kim Sơ.

Bộ trưởng tìm hiểu văn hóa ngư dân làng chài Hòn Yến. Ảnh: Kim Sơ.

Bước đầu, tổ cộng đồng được tỉnh Phú Yên và huyện Tuy An giao quyền cho quản lý và bảo vệ hệ sinh thái san hô Hòn Yến với diện tích 2,8 ha. Hiện tổ có 35 thành viên, hoạt động rất hiệu quả trong việc giữ gìn và phát triển rạn san hô, đồng thời đã tổ thành lập những đội làm tour du lịch cộng đồng dẫn khách tham quan Hòn Yến.

Theo ông Đinh Văn In, điểm nổi bật của danh thắng Hòn Yến là những tảng đá dựng vòm chảo ẩn thiên, không gian biển thơ mộng, trữ tình. Đứng trên đỉnh Hòn Đụn sẽ cảm nhận được trời biển bao la. Nhưng nếu nhìn về hướng đông bắc, du khách sẽ thấy cù lao Mái Nhà, là một trong những điểm đến vô cùng hấp dẫn khách du lịch của mảnh đất Hoa Vàng Cỏ Xanh (Phú Yên). Nhìn về hướng tây nam sẽ thấy đầm Ô Loan, nơi sở hữu khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nổi tiếng với những món ăn tuyệt hảo như sò huyết, cua huỳnh đế…

Rạn san hô ở Hòn Yến được phân bố ở tầng nông, gần bờ, mỗi khi thủy triều rút sẽ lộ thiên. Do được hình thành trên trầm tích của núi lửa nên san hô tại Hòn Yến có vẻ đẹp khác biệt so với một số loại san hô khác phân bố ở các vùng biển nước sâu thuộc các địa phương khác. Do đó, Hòn Yến có tiềm năng nổi trội để phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Bộ trưởng tìm hiểu sản phẩm đặc trưng ở làng chài Hòn Yến. Ảnh: Kim Sơ.

Bộ trưởng tìm hiểu sản phẩm đặc trưng ở làng chài Hòn Yến. Ảnh: Kim Sơ.

Là thành viên của tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến, ông Trương Tấn Lai bày tỏ, từ khi thành lập tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô, bà con nơi đây đã ý thức rất nhiều trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời tự giác phân công nhau tham gia bảo vệ rạn san hô như giữ miếng cơm, manh áo của bản thân và gia đình mình. Ông muốn các cấp, Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ cho Hòn Yến ngày càng phát triển.

Nghe những chia sẻ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm xúc và cho biết, ông đã nghe về Hòn Yến từ lâu nhưng nay mới có dịp ghé thăm. Ông cho rằng, thiết chế cộng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã quy định trong Luật Thủy sản. Đây là lần đầu tiên chúng ta có thiết chế đồng quản lý được xuất phát từ việc tìm kiếm mô hình quản trị có trao quyền cho người dân. Đó là sự thay đổi tư duy rất lớn, chứ không phải chuyện nhỏ, bởi xưa giờ chúng ta hiểu rằng quản lý là chuyện của nhà nước, còn người dân là đối tượng bị quản lý.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trò chuyện với tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến. Ảnh: Kim Sơ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trò chuyện với tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến. Ảnh: Kim Sơ.

Tuy nhiên thiết chế nào mà người dân thấy vai trò của mình trong đó sẽ tự bảo vệ tốt hơn là người khác bảo vệ cho mình. Thiết chế cộng đồng quản lý đã thể hiện tinh thần này. Do đó, trong năm 2024, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai rộng rãi hơn về mô hình này.

Bộ trưởng đánh giá tại mô hình Hòn Yến được hình thành từ sự nhận thức của cộng đồng, các cấp ủy, ủy ban và sự vào cuộc của tổ chức quốc tế mới có không gian như hôm nay. Những điều diệu kỳ xảy ra ở Hòn Yến khi người dân được trao quyền tự do, quyết định rạn san hô, cũng là quyết định giữ miếng cơm, cuộc sống của mình.

Về việc phát triển Hòn Yến như thế nào trong thời gian tới, Bộ trưởng gợi ý là tự cộng đồng suy nghĩ lập kế hoạch cho mình. Sau đó, tổ cộng đồng tự bàn với nhau, rồi bàn với xã, huyện, thậm chí đưa ra xã hội, đưa ra tổ chức quốc tế nhằm thu hút nguồn lực.

“Ngày xưa mình lập kế hoạch từ trên xuống dưới, do đó không hiểu được mong muốn của người dân, cộng đồng. Bây giờ mình lập kế hoạch ngược lại, từ dưới lên trên, bắt đầu từ cộng đồng”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, việc phát triển địa phương phải dựa trên nội lực cộng đồng.

Hòn Yến - vẻ đẹp làm say đắm lòng người khi du khách. Ảnh: Kim Sơ.

Hòn Yến - vẻ đẹp làm say đắm lòng người khi du khách. Ảnh: Kim Sơ.

Bộ trưởng gợi ý Hòn Yến hãy nâng cao thông điệp ước mơ để huy động được nhiều nguồn lực. Các doanh nghiệp hiện mong muốn tìm đến những nơi có niềm tin, ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên để hỗ trợ. Nhân dịp này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đã tặng quà cho tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến, xã An Hòa Hải.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.