Tuần tra vịnh Nha Trang 24/24 giờ
UBND TP Nha Trang vừa có báo cáo về kết quả thực hiện các giải pháp xử lý tình trạng suy giảm rạn san hô ở Hòn Mun và vịnh Nha Trang.
Động thái này diễn ra sau khi nhiều người lặn biển phát hiện rạn san hô dưới đáy biển Hòn Mun, thuộc vịnh Nha Trang bị hư hại, chết trắng hàng loạt.
Về giải pháp trước mắt, TP Nha Trang đã làm việc với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN-PTNT và các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc xây dựng kế hoạch phối hợp chi tiết cụ thể. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan nhằm tăng cường hoạt động của đội công tác liên ngành trên vịnh trong công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân trên vịnh Nha Trang.
Theo đó, đội công tác liên ngành trên vịnh xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra trong 6 tháng cuối năm 2022, trình UBND TP Nha Trang phê duyệt và kế hoạch tuần tra kiểm soát trên vịnh là 24/24 giờ, trong đó có sự tham gia thường trực của Bộ độ Biên phòng, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa.
Bên cạnh đó, TP Nha Trang đã chỉ đạo Ban quản lý vịnh Nha Trang tổng hợp các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Sở NN - PTNT và Ban quản lý vịnh Nha Trang, từ đó kiện toàn các nội dung liên quan trong quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước các hoạt động trong vịnh Nha Trang nhằm khắc phục các bất cập, hạn chế, chồng chéo đối với hoạt động bảo tồn biển trong vịnh Nha Trang, tăng tính hiệu quả trong công tác phối hợp.
Trồng phục hồi san hô bằng phương pháp Biorock
Theo UBND TP Nha Trang, từ 25/6 vừa qua Ban quản lý Vịnh Nha Trang phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga tiến hành khảo sát các khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn phù hợp với mỗi đặc thù khu vực như xung quanh Hòn Mun, khu vực san hô tại biển Vĩnh Hòa, khu vực bãi giống, bãi đẻ Bãi Tiên, khảo sát thiết lập khu vực bãi rùa đẻ tại Đầm Già – Hòn Tre.
Sau khi có kết quả khảo sát sơ bộ Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga tiếp tục thực hiện trồng phục hồi san hô thí điểm tại một số khu vực Hòn Mun và một số điểm trong vịnh Nha Trang. Từ đó lựa chọn phương pháp tối ưu, tiến tới xây dựng phương án phục hồi trên diện rộng đối với vịnh Nha Trang (Ứng dụng đặc điểm sinh sản vô tính của san hô để thực hiện).
Còn về phía Viện nghiên cứu Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản Nha Trang đã tiến hành khảo sát, phối hợp với Ban quản lý vịnh Nha Trang tiến hành trồng phục hồi san hô tại Hòn Mun bằng phương pháp Biorock. Đây là phương pháp kích thích bằng kích thích điện tích tạo điều kiện hình thành các bề mặt phù hợp cho các hợp tử san hô bám vào và phục hồi cá thể mới (Ứng dụng đặc điểm sinh sản hữu tính của san hô).
Về lâu dài, hiện công tác bảo tồn trong vịnh Nha Trang có liên quan đến rất nhiều chuyên môn, lĩnh vực. Nhiều vấn đề trong công tác quản lý liên quan đến các sở, ngành trực thuộc tỉnh. Vì vậy UBND TP Nha Trang đề nghị UBND tỉnh thành lập Ban điều phối trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Khánh Hòa, nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, cũng như tăng tính thống nhất trong hành động đối với tất cả các lĩnh vực, từ đó tăng cường hiệu quả đối với hoạt động bảo tồn vịnh Nha Trang.
Bên cạnh đó nâng cao năng lực quản lý của Ban quản lý vịnh Nha Trang, cũng như xây dựng phương án về liên kết, hợp tác trong công tác quản lý các khu vực bảo tồn biển trên vịnh Nha Trang theo hướng xã hội hóa, mô hình quản trị công tư. Cũng như xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, đánh giá định kỳ các tác nhân làm suy giảm rạn san hô trên vịnh Nha Trang, làm cơ sở cho công tác quản lý lâu dài, bền vững…
Trước đó như Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã kết luận liên quan đến việc suy giảm rạn san hô tại khu vực bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang.
Theo đó, việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021. Còn nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý Vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót.
Nhiều hoạt động của con người như khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch đã tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời.
Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt tại khu vực Hòn Mun. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang…
Ngày 25/6, Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết đã có văn bản thông báo tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển tại các điểm lặn ở Hòn Mun kể từ ngày 27/6.