| Hotline: 0983.970.780

Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư 01/12/2021 , 11:18 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Nhiều năm qua, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Đồng Tháp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được khai thác và phát huy thế mạnh của địa phương.

Làng trồng hoa kiểng ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Làng trồng hoa kiểng ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp từ lâu sớm nổi tiếng với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch như: du lịch tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân, tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với ruộng, vườn, cây trái và hoa kiểng…

Hiện toàn tỉnh có 80 điểm du lịch nông nghiệp, cộng đồng đã được UBND tỉnh Đồng Tháp đưa vào quy hoạch và đầu tư phát triển. Đồng Tháp xem du lịch là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế cho địa phương.

Nhắc đến loại hình du lịch hoa kiểng, từ lâu ai cũng biết đến làng hoa kiểng Sa Đéc lớn nhất ở khu vực ĐBSCL, có người ví nơi đây là Đà Lạt 2 ở miền Tây. Nơi đây có hơn 624ha sản xuất hoa kiểng quanh năm với hàng trăm loại hoa kiểng các loại.

UBND TP Sa Đéc (Đồng Tháp) đang khuyến khích các cơ sở kinh doanh ở làng hoa Sa Đéc đầu tư cơ sở vật chất, hình thành các điểm, dịch vụ vui chơi giải trí kết hợp với tham quan du lịch trên địa bàn hoạt động hiệu quả như: Homestay Ngôi nhà Hoa ếch, Homestay Phong-LeVent, Đài quan sát hoa, vườn hoa kiểng Hai Cao, Làng bột, Cánh đồng hoa hồng, Khu vui chơi giải trí Happy Land Hùng Thy… đã thu hút đông đảo khách tham quan. Từ năm 2016 đến nay, Sa Đéc đã thu hút gần 5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 200.000 lượt khách quốc tế.

Nhắc đến loại hình du lịch hoa kiểng kết hợp với xây dựng nông thôn mới, từ lâu ai cũng biết đến làng hoa kiểng Sa Đéc lớn nhất ở khu vực ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhắc đến loại hình du lịch hoa kiểng kết hợp với xây dựng nông thôn mới, từ lâu ai cũng biết đến làng hoa kiểng Sa Đéc lớn nhất ở khu vực ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Anh Nguyễn Phước Lộc ở xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc (Đồng THÁP) là một trong những nghệ nhân chơi kiểng và kinh doanh kiểng làm giàu. Anh Lộc cho biết: Trong khu vườn rộng với diện tích trên 17.000m2 với đủ các loại bonsai, từ cây nhỏ đến cây lớn như  cây tùng, nguyệt quế, mai chiếu thuỷ vô cùng đẹp, lạ. Đây là những cây bonsai được anh sưu tầm được vài chục năm.

Đặc biệt, anh Lộc đang sở hữu cặp me kiểng có tuổi kiểng 160 năm, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là "Cặp me kiểng cổ nhất Việt Nam" vào  năm 2013.

Nhiều năm nay vườn kiểng của anh cũng mở cửa đón khách du lịch đến tham quan rất đông, đặc biệt vào dịp hè, lễ và những ngày tết. Tuy nhiên gần 2 năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách đến tham quan du lịch tại vườn kiểng của anh Lộc vắng hơn trước khá nhiều. Anh Lộc kỳ vọng, trong thời gian tới dịch bệnh sớm được kiểm soát giúp ngành du lịch sớm phục hồi trở lại.

Ngành hàng hoa kiểng hàng năm đem lại tổng giá trị gần 5.000 tỷ đồng/năm cho Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành hàng hoa kiểng hàng năm đem lại tổng giá trị gần 5.000 tỷ đồng/năm cho Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp với gần 70% dân số sinh sống nông thôn. Điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực đặc trưng Nam bộ là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái nông nghiệp. Phát huy lợi thế địa phương, thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp mở rộng không gian du lịch về các địa bàn nông thôn, khai thác các giá trị văn hóa bản địa, gắn với giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Theo ông Bửu, đối vối ngành hàng hoa kiểng là một trong những 5 ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp chọn để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy mặt hàng hoa kiểng chỉ trồng trên địa bàn TP. Sa Đéc, đã được tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho Làng hoa Sa Đéc và xây dựng Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để thực hiện nghiên cứu, chuyển giao quy trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Song song đó ngành hàng hoa kiểng cũng được tỉnh tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh gắn với du lịch. Hiện nay thành lập 4 HTX và 6 hội quán tạo được sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp.

Ngành hàng hoa kiểng hàng năm đem lại tổng giá trị gần 5.000 tỷ đồng/năm. Để nguồn thu cho Làng hoa Sa Đéc ngày càng phát triển và vươn xa hơn nữa, tỉnh Đồng Tháp cho thực hiện Dự án Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc gắn với xây dựng nông thôn mới với diện tích khoảng 510ha. Trong đó tập trung vào 2 vùng lõi của Làng hoa Sa Đéc thuộc 2 khóm Tân Hiệp và Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông với tổng kinh phí thực hiện gần 600 tỷ đồng.

Đồng Tháp cho thực hiện Dự án Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc gắn với xây dựng nông thôn mới với diện tích khoảng 510ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp cho thực hiện Dự án Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc gắn với xây dựng nông thôn mới với diện tích khoảng 510ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, Đồng Tháp được Bộ NN-PTNT chọn là điểm “Làng văn hóa du lịch”. Theo đó, trong Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc sẽ được quy hoạch thành các khu vực đặc trưng riêng như: khu nhà điều hành làng văn hóa, khu trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương, khu nhà tiêu bản các giống hoa, khu trải nghiệm ẩm thực các món dân gian, khu tổ chức lễ hội truyền thống, khu bungalow nghỉ dưỡng; khu spa, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp từ chiết xuất hoa, khu nhà trồng hoa thủy canh…

Cách đây không lâu Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam có chuyến công tác về Đồng Tháp, đã đánh giá rất cao tỉnh Đồng Tháp là một trong những tỉnh ở khu vực ĐBSCL sớm về đích nông thới mới theo lộ trình đưa ra và có nhiều mô hình hay như Cây xoài nhà tôi, Hội quán nông dân, du lịch kết hợp phát triển NTM… Ngoài ra, Thứ trưởng Nam cũng đặt hàng địa phương nghiên cứu xây dựng Làng văn hóa du lịch ở Sa Đéc trở thành 1 trong 10 làng du lịch được chọn thí điểm của cả nước và mô hình Khu dân cư nông thôn mới vùng biên làm điểm để nhân rộng ra toàn tuyến biên giới.

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.