Cảnh sông nước ĐBSCL tạo nên súc hút đối với khách du lịch. |
Hậu Giang là tỉnh thuần nông mới được chia tách đầy năng động, nằm ngay trung tâm khu vực ĐBSCL, có lợi thế rất lớn để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, cho biết, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết và UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng”.
Ông Thanh kỳ vọng, thông qua hội thảo này, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, nhà quản lý, doanh nhân và bà con nông dân làm du lịch có cơ hội chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch nông nghiệp trên thế giới và trong nước. Qua đó, đề xuất kế hoạch hợp tác thiết thực để Hậu Giang phát triển được ngành du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: “Phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ đơn thuần vì mục đích kinh tế, mà lớn hơn là vì niềm tự hào quê hương. Qua đó, giới thiệu đến bạn bè quốc tế nền văn hóa, phong tục, tập quán của con người Việt Nam”.
Hoạt động nông nghiệp ở ĐBSCL luôn đan xen với các hoạt động kinh tế khác, là lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp. |
Ông Hoan cho rằng, hoạt động nông nghiệp ở ĐBSCL luôn đan xen với các hoạt động kinh tế khác, đây là lợi thế để phát triển di lịch nông nghiệp. Du khách đến sẽ được ngắm cảnh nông thôn, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống con người địa phương. Thi vị của du lịch nông nghiệp mằm ở chính cái “Hương đồng gió nội”, sự yên bình, môi trường trong lành, ẩm thực đa dạng phong phú.
Cái mà du khách họ cần là: khám phá vùng đất mới lạ, tìm hiểu nền văn hóa mới lạ, tận hưởng cuộc sống mới lạ và tiếp xúc với những con người mới lạ.
“Vì vậy, muốn thành công thì người vận hành du lịch phải có kiến thức. Cộng đồng phải đồng thuận. Cả cộng đồng cùng làm du lịch, với sự phân chia công việc phù hợp và hài hòa về lợi ích kinh tế có được. Cơ sở vật chất có thể 1 sao nhưng dịch vụ phải 5 sao”, ông Hoan chia sẻ.
Đến với du lịch nông nghiệp, du khách được trải nghiệm đời sống sinh, lao động bình dị nông thôn đầy thú vị. |
Cùng quan điểm, Giám đốc Cty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt Phan Đình Huê cũng nêu lên hàng loạt lợi thế của ĐBSCL để làm du lịch. Đó là vùng đồng bằng rộng lớn, cũng là trung tâm của vùng trồng lúa nước và cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
Cảnh quan môi trường rất đẹp với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, xóm làng ở ngay ven sông. Khí hậu hiền hòa, 4 mùa đều có thể làm du lịch, nền văn hóa ẩm thực phong phú, đang dạng.
Lấy ví dụ điểm đến là Lung Ngọc Hoàng, ông Huê cho đây “Chính là điểm cộng hoàn hảo cho “kỳ nghỉ vùng quê” ở Hậu giang trong tương lai gần. Với vẻ đẹp hoang sơ, cùng hệ thống động, thực vật đa dạng thuộc hệ sinh thái rừng tràm ngập nước tiêu biểu còn lại của khu vực”.
Du khách sẽ được thưởng thức "kỳ nghỉ vùng quê", với vẻ đẹp hoang sơ của hệ sinh thái rừng tràm ngập nước tiêu biểu của khu vực. |
Theo Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hậu Giang thì tỉnh đã xác định loại hình du lịch nông nghiệp là bước đi có định hướng và biền vững. Xem đây là hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển các làng nghề và sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm).
Trong đề án cơ cấu lại ngành du lịch, Hậu Giang kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ thu hút 1 triệu lượt du khách, trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế, doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.200 người dân địa phương.