| Hotline: 0983.970.780

Phát triển kinh tế du lịch sinh thái cộng đồng là chìa khóa để thành công

Thứ Năm 29/08/2024 , 21:16 (GMT+7)

Người dân đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang (Khánh Hòa) hồ hởi khi được gợi ý phát triển du lịch cộng đồng để tạo sinh kế bền vững.

Đảo Bích Đầm có phong cảnh thiên nhiệt tuyệt đẹp rất phù hợp phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: KS.

Đảo Bích Đầm có phong cảnh thiên nhiệt tuyệt đẹp rất phù hợp phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: KS.

Ngày 29/8, tại TP Nha Trang, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa và Ban Điều hành dự án tổ chức đối thoại về khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp, cơ quan nhà nước với cộng đồng tổ dân phố Bích Đầm trong lựa chọn sinh kế bền vững.

Đây là cuộc đối thoại cuối cùng nằm trong chuỗi đối thoại thuộc dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang”.

Buổi đối thoại này nhằm trao đổi, đề xuất các giải pháp để chung tay hợp tác xây dựng và phát triển sinh kế cho người dân Bích Đầm. Từ đó vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân, vừa bảo tồn rạn san hô, bảo vệ môi trường biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang.

Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Từng đến đảo Bích Đầm, ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa nhận thấy phong cảnh thiên nhiên nơi đây rất đẹp, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.

Theo ông Phùng, du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch được nghiên cứu rộng rãi và phát triển từ những năm 1980 của thế kỷ 20 đang được nhiều quốc gia quan tâm, phát triển, đặc biệt là các nước đang phát triển. Đây được coi là một trong những loại hình du lịch hướng tới sự phát triển bền vững của một địa phương và của quốc gia, góp phần vào phát triển kinh tế vùng, kinh tế nông thôn.

Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Theo Điều 3 của Luật Du lịch 2017, khái niệm “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”.

“Bản chất của du lịch cộng đồng là mô hình du lịch tương đối bền vững nhờ lợi thế gần gũi, gắn bó thân thiện với môi trường sống của con người bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Vì thế, du lịch cộng đồng không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu chung của ngành du lịch mà còn đóng góp trực tiếp vào xu thế phát triển bền vững ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Hơn nữa, du lịch cộng đồng đã giúp người dân địa phương dần cải thiện mức sống, xóa đói giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng giữa các địa phương, khu vực với nhau nhờ chuyển đổi sinh kế từ hoạt động nông nghiệp sang dịch vụ du lịch và các hoạt động phi nông nghiệp khác”, ông Phùng chia sẻ.

Về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại đảo Bích Đầm, ông Trần Quang Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết, đây là một làng chài nhỏ có bờ biển trải dài, nước biển trong xanh và những bãi cát trắng. Địa hình trên đảo bao gồm các dãy núi xanh mát tạo nên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và yên bình. Hệ sinh thái trên đảo rất phong phú, với các loài rừng ngập mặn, rêu san hô và đa dạng các loài sinh vật biển như cá, tôm, mực, sao biển, hải quỳ.

“Những yếu tố này là nền tảng cho việc phát triển các hoạt động du lịch sinh thái như lặn biển ngắm san hô, đi bộ khám phá thiên nhiên và nghỉ dưỡng tại các bãi biển hoang sơ”, ông Thịnh bày tỏ và cho biết thêm, người dân Bích Đầm chủ yếu làm nghề đánh hải sản và sống gần gũi với thiên nhiên. Những phong tục tập quán truyền thống, các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến nghề cá như lễ hội cầu ngư, tiết Thanh Minh là những nét văn hóa độc đáo có thể khai thác để phát triển du lịch văn hóa.

Người dân hồ hởi

Sau khi nghe mô hình du lịch cộng đồng, người dân tổ dân phố Bích Đầm rất đồng tình, hồ hởi. Ông Nguyễn Hòa, Tổ trưởng tổ dân phố đảo Bích Đầm cho biết, nếu phát triển du lịch cộng đồng trên đảo Bích Đầm, bà con sẽ mừng vì tạo sinh kế bền vững. Tuy nhiên, bước đầu triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, ông mong muốn các cấp, ban ngành và địa phương hỗ trợ bà con triển khai được thuận lợi, hiệu quả.

Ông Nguyễn Hòa, Tổ trưởng tổ dân phố đảo Bích Đầm cho biết, người dân sẽ rất mừng nếu phát triển du lịch cộng đồng tại Bích Đầm. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Hòa, Tổ trưởng tổ dân phố đảo Bích Đầm cho biết, người dân sẽ rất mừng nếu phát triển du lịch cộng đồng tại Bích Đầm. Ảnh: KS.

Còn bà Mai Đỗ Thị Phước Châu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Vĩnh Nguyên cho biết, hiện Hội Liên hiệp phụ nữ Vĩnh Nguyên đã thành lập tổ liên kết lưu trú cộng đồng trên đảo Bích Đầm, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, để giúp người dân biết cách làm du lịch cộng đồng và hướng dẫn du khách thận thiện cũng cần cơ quan chức năng quan tâm đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, để thu hút nhiều phụ nữ tham gia, Hội mong muốn được hỗ trợ khôi phục làng nghề mành ốc, đây là mô hình đặc thù tại đảo Bích Đầm nhằm tạo sinh kế cho người dân.

Tại buổi đối thoại, người dân cũng muốn tỉnh sớm triển khai đầu tư điện, nước trên đảo Bích Đầm. Còn ông Trần Quang Thịnh cho rằng, để phát triển du lịch tại Bích Đầm một cách bền vững, cần tập trung vào đầu tư hạ tầng, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch cộng đồng với sự tham gia chủ động của người dân địa phương. Mặc khác, việc xây dựng mô hình hợp tác công - tư và phát triển kinh tế du lịch sinh thái cộng đồng là chìa khóa để thành công.

Gợi ý cho đảo Bích Đầm

Ông Nguyễn Vũ, đại diện Công ty Wonder Word - một doanh nghiệp đang hoạt động du lịch bền vững tại tỉnh Khánh Hòa đã gợi ý, đề xuất mô hình du lịch cộng đồng trên đảo Bích Đầm, khi đưa du khách đến đây sẽ chơi gì, ăn gì.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng đến đảo Bích Đầm. Ảnh: KS.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng đến đảo Bích Đầm. Ảnh: KS.

Theo ông Vũ, khi du khách đến Bích Đầm sẽ tham quan làng cổ, làng chài cổ, ngắm ngọn hải đăng nơi đây rất đẹp, cùng với đó nghe kể những câu chuyện về đình làng cổ.

Du khách có thể chạy xe đạp vòng quanh làng, tập yoga và đón ánh bình minh đầu tiên tại Nha Trang hay thăm chiến sỹ hải đảo tại đây; tham gia các hoạt đông chèo thúng, lặn biển, ngắm rạn hô từ tàu đáy kính; thưởng thức nước uống mủ trôm và các món ăn truyền thống hay ăn hải sản…Chúng ta cũng có thể tổ chức cùng du khách trồng rừng ngập mặn trên đảo, trao bằng khen cho họ nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch cộng đồng tại đảo Bích Đầm.

Tuy nhiên để phát triển du lịch cộng đồng tại Bích Đầm, ông Vũ cho rằng, vai trò của người dân là quan trọng nhất, không có người dân thì không làm được. Bởi du lịch cộng đồng phải dựa vào nguồn lực tại địa phương, mỗi người dân là một nghệ nhân, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, một thợ lăn biển, cũng như tham gia lực lượng cứu hộ, cứu nạn đảm bảo du khách an toàn. Còn doanh nghiệp không khai thác du lịch tại đây mà chỉ hợp tác đưa khu khách tới tham quan.

Đảo Bích Đầm là một làng chài nhỏ. Ảnh: KS.

Đảo Bích Đầm là một làng chài nhỏ. Ảnh: KS.

Do đó, vấn đề con người cần được các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người dân biết cách làm du lịch. Đồng thời, phát triển du lịch cộng đồng cần tận dụng những gì Bích Đầm đang có và làm mới các hoạt động này, để du khách đến đây có những trải nghiệm thú vị.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau buổi đối thoại hôm nay, trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các chuyên gia sẽ ngồi lại với nhau để đề xuất, kiến nghị và có những báo cáo tổng hợp rút lại vấn đề sau 1 năm triển khai dự án. Từ đó, chúng ta sẽ rút ra những vấn đề nào tốt nhất hay nhất để cùng triển khai trong thời gian tới.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.