| Hotline: 0983.970.780

Phẫu thuật kéo dài chân& ám ảnh chiều cao như ý

Thứ Bảy 16/07/2016 , 09:30 (GMT+7)

Phẫu thuật kéo dài chân là phẫu thuật kéo dài cẳng chân hoặc xương đùi. Trước tiên, người ta tiến hành cắt xương, sau đó gắn vào xương một bộ dụng cụ để nối tạm. Khi xương được kéo dãn ra với tốc độ chậm phù hợp...

Phẫu thuật kéo dài chân là phẫu thuật kéo dài cẳng chân hoặc xương đùi. Trước tiên, người ta tiến hành cắt xương, sau đó gắn vào xương một bộ dụng cụ để nối tạm.

Khi xương được kéo dãn ra với tốc độ chậm phù hợp, người ta nhận thấy có sự tái tạo xương mới lấp đầy vào khoảng trống đó dần dần. Các tế bào gân cơ, mạch máu,và thần kinh cũng tân tạo tương xứng. Kết quả cuối cùng là có được một cẳng chân (hoặc đùi) mới dài hơn với đầy đủ các cấu trúc cũng như chức năng như bình thường.

Kéo dài chân thông thường phải tuân thủ theo tỉ lệ chiều dài cánh tay chia cho chiều dài đùi phải luôn lớn hơn 1, 2 lần. Nếu đùi bị kéo quá dài, sẽ gây ra tình trạng mất cân đối, mất thẩm mỹ.

Chưa kể, nếu phần đùi và cẳng chân có tỷ lệ bị chênh lệch quá nhiều, khi ngồi xổm sẽ bị ngã ngửa ra phía sau do mất cân bằng. Hơn thế nữa, phần xương khi được kéo dãn tự nhiên cũng không thể tự dài ra được quá nhiều. Thông thường khi kéo dài chân, con số lý tưởng sẽ là 7- 10cm.

Chi phí phẫu thuật kéo dài chân ở Thái Lan khoảng 240 triệu đồng, ở Trung Quốc khoảng 400 triệu đồng, còn ở Mỹ khoảng 1,5 tỷ đồng.

Phương pháp kéo dài chi xuất phát từ Nga với mục đích sửa chữa khiếm khuyết cho những người dị tật bẩm sinh, có 2 chân không bằng nhau. Nhưng hiện nay, ở Trung Quốc nó trở thành một hạng mục trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Song, đẹp không chỉ để... đẹp mà để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Đó là phải đạt được một chiều cao nào đó mới được tìm được công ăn việc làm.

Chính các nhà tuyển dụng cũng biết điều đó là vô lý, người cao chưa chắc đã giỏi hơn người thấp, nhưng số đơn xin việc quá nhiều, cần đưa thêm một “cửa ải” nào đó để gạt bớt. Thì đây: chiều cao, vừa hạn chế được số đơn, vừa làm cơ quan thêm “sang trọng” bởi những cặp chân dài.

Chấp nhận phương pháp kéo dài chi đồng nghĩa với chấp nhận đau đớn qua những bước phẫu thuật: trước hết, cố định xương ống chân bằng bộ nẹp kim loại, sau đó cắt xương phía dưới đầu gối, rồi vặn vít trên bộ nẹp ấy để kéo dài thêm 1mm khoảng cách ở chỗ vừa cắt.

Xương sẽ tái sinh trám vào chỗ đó. Cơ, dây thần kinh và các mạch máu cũng phát triển theo. Tiếp tục lặp đi lặp lại nhiều lần. Mỗi cm dài ra phải mất cả tháng để xương cứng lại, rồi tập luyện, hồi phục. Trung bình có thể kéo dài thêm được 9cm và phải nằm bất động hàng năm trời.

Kéo dài chi không phải là biện pháp duy nhất song nó có hiệu quả tức thời (sau 1-2 năm) và thích hợp với những người đã qua tuổi trưởng thành, xương không phát triển nữa. 

PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, phẫu thuật kéo dài chân là cách duy nhất kéo dài chiều cao cho người hết độ tuổi phát triển. Để kéo dài chân, trước đây, các bác sĩ dùng phương pháp cắt xương, xuyên 8 đinh qua xương và lắp khung bên ngoài để căng dãn từ từ với tốc độ 1 mm/ngày. Khi kéo dài đạt chiều cao như ý muốn, bệnh nhân còn phải mang khung chờ thêm khoảng 7 tháng tiếp theo để xương liền chắc, sau đó mới tháo bỏ khung.

Điều đó có nghĩa bệnh nhân phải đeo khung suốt thời gian thực hiện, rất cồng kềnh và vướng víu trong sinh hoạt. Còn hiện nay, nhờ áp dụng tiến bộ mới, trước khi cắt xương, các bác sĩ đặt một chiếc đinh trong ống tủy xương, chỉ sử dụng 4 đinh nhỏ xuyên qua 2 đầu xương. Khi kéo giãn đủ chiều dài, khung sẽ được tháo bỏ.

Đinh nằm trong ống tủy sẽ giữ vai trò cố định trong thời gian chờ xương can chắc. Với phương pháp mới này, thời gian đeo khung được rút ngắn chỉ còn 1/4. Việc tháo khung sớm cũng tạo điều kiện cho bệnh nhân nhanh chóng trở lại sinh hoạt và công tác, đồng thời sẹo nhỏ và ít đi rất nhiều.

 

Về lý thuyết, muốn kéo dài chân bao nhiêu tùy ý, theo nhu cầu bệnh nhân. Song chuyên gia cần tư vấn để có chiều dài hợp lý và cân xứng với cơ thể. Ngoài ra, điều này cũng giúp hạn chế thấp nhất các biến chứng.

Phẫu thuật kéo dài chân, không phải phẫu thuật phức tạp. Kỹ thuật này có cách đây cả trăm năm, mục đích ban đầu nhằm điều trị các bệnh lý chân ngắn chân dài, do di chứng thương tật từ chiến tranh, lao động, những trường hợp bị viêm xương hoặc do phải cắt u xương dẫn đến chân cao chân thấp, hoặc các bệnh nhân bị bệnh bại liệt…

Ở nước ta, từ năm 1995, khi xóa bỏ được bại liệt nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, những trường hợp bị tật chân ngắn chân dài giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, các nguyên nhân do chấn thương sau tai nạn, viêm xương khớp vẫn khiến nhiều bệnh nhân mắc dị tật này. Đặc biệt nhu cầu kéo dài xương vì mục đích thẩm mỹ cũng tăng lên.

Nhiều người cho rằng để thực hiện một ca kéo dài chân cần chi phí rất lớn và phải sang nước ngoài, nhưng những chuyên gia y tế cho biết thủ thuật đơn giản này được thực hiện rất phổ biến ở Việt Nam. Tại Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hàng năm, có ít nhất 10 ca kéo dài chân với mục đích tăng chiều cao. Trong đó, nam chiếm nhiều hơn nữ. Theo bác sĩ, sự tự ti về chiều cao ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, dẫn tới nhu cầu kéo dài chi và với đàn ông, sự mặc cảm thường rõ ràng hơn.

Đặc biệt, chi phí của thủ thuật kéo dài chân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện chỉ dao động ở mức 35-40 triệu đồng, bao gồm chi phí phẫu thuật, dụng cụ kéo dài chân và thuốc men. Ở các bệnh viện tư, chi phí này cao hơn, khoảng 100 triệu đồng.

Hiện nay, chỉ định kéo dài chân chỉ đối với những người có tầm vóc thấp, lùn (nữ dưới 1,5 m, nam dưới 1,6 m) hoặc người mắc các dị tật, thương tật. Kỹ thuật này không áp dụng cho trường hợp chân cao chân thấp chênh lệch không quá 3 cm. Với mức độ chênh lệch ít thì có thể điều chỉnh bằng độn thêm đế giày dép đơn giản và dễ dàng hơn.

Về độ tuổi thích hợp để thực hiện kéo dài chân, đó là lứa tuổi từ 20-30 tuổi, vì lúc đó phẫu thuật viên có thể xác định được chiều cao hoàn thiện. Sau 35 tuổi, xương bắt đầu lão hóa nên không thuận lợi để phẫu thuật kéo dài.

Phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới. Do đó cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài. Khi cơ xương khớp đã ổn định, đã tập luyện tốt, chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại sinh hoạt chạy nhảy bình thường.

(Kiến thức gia đình số 27)

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.