Dù trên địa bàn Bình Định chưa có ca nhiễm Covid-19, nhưng để phòng chống dịch, các lễ, hội “mừng Đảng, mừng Xuân” dự kiến tổ chức trong trong Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã được UBND tỉnh này chỉ đạo không tổ chức. Hội chợ Gò truyền thống tổ chức vào ngày mồng Một tháng Giêng tại thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, sáng mồng Một Tết Tân Sửu vẫn có khá đông người dân đến chợ Gò. Điểm khác biệt của phiên chợ Gò năm nay là không tổ chức các chương trình phần hội như những năm trước đây, người dân đến chợ Gò để mua lộc, cầu may theo đúng nét văn hóa truyền thống xưa nay.
Gọi là chợ nhưng phiên chợ Gò không bán những sản phẩm cao cấp, đắt tiền như ở nhiều chợ khác. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là “cây nhà lá vườn” của những cư dân quanh vùng tự sản xuất như: Cau, trầu, quả sung, đu đủ, muối, rau muống… và người mua để xin lộc, cầu may, cầu duyên.
Điểm đặc biệt của chợ Gò là người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề trả giá. Người bán nhỏ nhẹ, khoan thai; người mua xởi lởi, hào phóng. Chuyện mua bán diễn ra như đang trao đổi với nhau những điều tốt đẹp nhất trong ngày đầu năm. Điểm khác biệt của phiên chợ Gò năm nay là hầu hết người đi chợ đều đeo khẩu trang và hạn chế tập trung quá lâu nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Chợ Gò là phiên chợ duy nhất họp vào đúng vào ngày mồng Một Tết hằng năm. Phiên chợ đã tồn tại hàng trăm năm nay, từ thời Tây Sơn đến nay. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp Chợ Gò vào danh sách “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam”.