| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 08/01/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 08/01/2018

Phiên tòa được cả xã hội trông đợi!

Sáng ngày 8/1/2018, vụ án Đinh La Thăng và 21 đồng phạm, bị VKSND TP Hà Nội truy tố về các tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” đã được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử. 

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Thanh Niên.

Một phiên tòa được cả xã hội trông đợi, và chăm chú theo dõi.

Bởi thứ nhất, các bị cáo đều nguyên là những cán bộ cao cấp, có chức vụ cao, có năng lực và có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận cao, ở một tập đoàn kinh tế mũi nhọn của đất nước, là tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Đặc biệt, bị cáo Đinh La Thăng là nhân vật từng giữ chức vụ cao cấp nhất từ trước đến nay bị đưa ra xét xử.

Thứ hai, là những thất thoát mà các bị cáo gây ra cho nền kinh tế của đất nước là cực kỳ lớn. Chỉ một chữ ký, Đinh La Thăng đã vứt đi của PVN 800 tỷ đồng qua việc góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). Còn Trịnh Xuân Thanh, cấp dưới của Thăng, chỉ qua mấy năm làm chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã ném đi trên 3.300 tỷ đồng. Ngoài việc làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, một số bị cáo còn tham ô những số tiền rất lớn. Chỉ một cái Tết, Trịnh Xuân Thanh đã vung tay chi tiêu tới 4 tỷ đồng nhờ tham ô. Chỉ một vụ “ăn” chênh lệch giá đất của một dự án, Trịnh Xuân Thanh đã “ẵm” 87 tỷ đồng để chia chác, riêng Thanh nhận 1 va ly chứa 14 tỷ đồng từ tay của Đinh Mạnh Thắng, em trai Đinh La Thăng...

Thứ ba, là các bị cáo, sau khi vứt đi của Nhà nước và tham ô cả núi tiền, thì đều luồn lách qua rất nhiều chức vụ khác hòng phủi tay, trốn tránh trách nhiệm. Trịnh Xuân Thanh đã từ PVC về Bộ Công thương, luồn lách qua năm, sáu chức vụ và cuối cùng “dừng chân” ở cái ghế đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phụ trách công nghiệp. Còn Đinh La Thăng, mức độ “leo cao” còn khủng khiếp hơn nhiều. Từ Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, lên đến chức Bộ trưởng Bộ GTVT rồi đến Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng “lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt”. Dù có che dấu khôn khéo đến đâu, luồn lách cách nào, dù có núp dưới bóng bất cứ ô dù nào, thì trước quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, hành vi của các bị cáo đều bị lôi ra và bị phơi bày trước ánh sáng. Nếu như trước đây, lời khẳng định của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước rằng “không có vùng cấm” trong cuộc chiến chống tham nhũng, còn bị không ít người nghi ngờ, thì qua vụ án và phiên tòa này, mọi nghi ngờ sẽ bị xua tan.

Tuy nhiên, vụ án này, cùng với rất nhiều vụ đại án tham nhũng, gây thất thoát đặc biệt nghiêm trọng khác nữa, đã bị đưa ra xét xử trước đó, đã để lại một bài học rất đau xót về việc dùng người. Nếu như chúng ta dùng đúng người, đúng việc, thì nền kinh tế của đất nước đã không phải chịu những tổn thất hết sức nặng nề.