Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh trống phát động Tết trồng xây Xuân Canh Tý 2020. |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, Xuân Canh Tý là tròn 60 năm kể từ ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây năm 1960. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, từ đó đến nay mỗi độ Xuân về, nhân dân ta lại nô nức tổ chức Tết trồng cây bởi đây là truyền thống tốt đẹp, tốn kém ít nhưng lợi ích đem lại rất nhiều. Việc trồng cây không chỉ giúp cải tạo cảnh quan, môi trường sống mà còn góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Cũng theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên Việt Nam được dự báo là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng ấm lên toàn cầu nên trồng cây bảo vệ môi trường, cảnh quan càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
“Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, các cháu thanh niên, thiếu nhi cả nước trong những ngày vui Tết đón Xuân Canh Tý 2020 hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng. Mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây, ngành ngành trồng cây. Làm tốt điều này chính là hành động cụ thể thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Rừng là vàng, nếu mình biết xây dựng và bảo vệ thì rừng rất quý”. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát động kêu gọi Tết trồng cây Xuân Canh Tý 2020.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo Bộ NN-PTNT, tỉnh Phú Phọ trồng cây tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. |
Sau đánh trống phát động Tết trồng cây Xuân Canh Tý 2020, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo Trung ương, địa phương, lực lượng vũ trang, các cháu đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiến hành trồng 346 cây chò chỉ, 21 cây kim giao, 114 cây lát hoa, 196 cây muồng hoàng yến, 23 cây long não, 29 cây phượng, 18 cây gạo và 3 cây vàng anh trên diện tích khoảng 2ha tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cho biết, năm 2020 sẽ tích cực chỉ đạo hoàn thành kế hoạch trồng rừng tập trung trên 10.000 ha, trồng cây gỗ lớn trên 3.000 ha, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn 600 ha, trồng cây phân tán ven đường giao thông, các đường liên thôn, liên xã, các khu đô thị, khu dân cư với trên 1 triệu cây, thực hiện chuyển đổi các diện tích trồng rừng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ.
750 cây đã được trồng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng tại Tết trồng cây Xuân Canh Tý. |
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân cả nước ta đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được nhiều kết quả to lớn.
Lâm nghiệp từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, khôi phục môi trường xanh, sạch, đẹp. Thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước bền vững hơn.
Trong tổng số 750 cây được trồng ngày mùng 6 Tết có 346 cây chò chỉ, 21 cây kim giao, 114 cây lát hoa, 196 cây muồng hoàng yến, 23 cây long não, 29 cây phượng, 18 cây gạo và 3 cây vàng anh trên diện tích khoảng 2ha tại Đền Hùng. |
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tranh thủ thời cơ vận hội trong nước và quốc tế, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn, thực hiện thắng lợi kế hoạch năm cuối của “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020” chúng ta cần chung sức, đồng lòng, hành động quyết liệt, có hiệu quả với những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Đó là tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về Lâm nghiệp đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức, đơn vị thi đua thực hiện “Tết trồng cây”, để xanh đường, xanh nhà bằng các loài cây có giá trị cao, vừa tăng thu nhập, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các địa phương, đơn vị có kế hoạch hành động thiết thực, trồng cây, trồng rừng trên địa bàn ngay từ những ngày đầu năm 2020, phấn đấu thực hiện hoàn thành kế hoạch của “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Các em học sinh, sinh viên tham gia trồng cây. |
Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, sử dụng giống tốt; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hiện trường, vật tư, nhân lực, kinh phí; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng thâm canh gỗ lớn; chú trọng phát triển cây đặc sản, dược liệu dưới tán và tiếp tục phát triển kinh doanh dịch vụ phi lâm sản.
Phân công trách nhiệm cụ thể về quản lý bảo vệ và chăm sóc cây trồng đảm bảo cây trồng, rừng trồng phát triển tốt; chủ động phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh cải cách hành chính và phương thức quản trị khoa học, tạo môi trường phát triển thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư vào lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa một cách thực chất, hiệu quả. Phát động thực hiện các phong trào thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2020.