| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Không lo vốn làm đường sắt cao tốc

Thứ Hai 14/06/2010 , 09:15 (GMT+7)

Phó Thủ tướng (PTT) Nguyễn Sinh Hùng, thành viên cuối cùng của Chính phủ đã đăng đàn giải trình một số vấn đề mà các ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm...

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng
Phó Thủ tướng (PTT) Nguyễn Sinh Hùng, thành viên cuối cùng của Chính phủ đã đăng đàn giải trình một số vấn đề mà các ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm. Đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP HCM, thiếu điện, cắt điện tràn lan... là những vấn đề các ĐB tập trung chất vấn PTT.

“Tôi thì không lo”!

“Tôi muốn biết PTT có yên tâm với dự án đường sắt cao tốc hay không. Trong khi nhiều cái nhỏ ta chưa làm được, đầu tư cái lớn sẽ ra sao?”- ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) hỏi.

“Tôi yên tâm trả lời ĐB Lợi rằng phải làm dự án này. Chính phủ xin QH chủ trương để làm và sẽ tính được bài để làm. ĐB Thuyết nói sợ nàng tiên ngủ trong rừng khi thức dậy sẽ hỏi anh ơi tiền đâu? Các đồng chí lo không biết lấy tiền đâu để làm, tôi thì không lo”, PTT nêu thẳng quan điểm của mình.

Theo ông, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm nay ước đạt 106 tỷ USD. Với đà tăng trưởng này đến 2020, GDP sẽ đạt gần 300 tỷ USD; 2030 là 700 tỷ USD; 2040 đạt 1.200-1.400 tỷ USD và đến 2050 sẽ gấp đôi số đó. GDP bình quân đầu người đến 2050 dự kiến lên 20.000 USD, thay vì mức hơn 1.000 USD hiện nay. Nếu cứ lấy ngưỡng an toàn vay nợ là 50% GDP, đến 2020, Việt Nam có thể vay 150 tỷ USD mà vẫn an toàn. “Với mức vay nợ như vậy, chúng ta có thể làm được. Mà thưa các đồng chí, có phải chúng ta làm ngay ngày mai đâu. Còn tính toán, cân lên đặt xuống và xin ý kiến QH nhiều lần nữa trước khi triển khai”, ông nói.

PTT cũng cho hay, việc nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc được Chính phủ đặt ra từ các nhiệm kỳ trước và đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt nước ta từ năm 2002. Đây là một dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, được chuẩn bị công phu và có thời gian triển khai, thực hiện dài, khoảng 30 năm, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, BCH TƯ Đảng và trình xin ý kiến của QH. “Dự án đường sắt cao tốc được xây dựng là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển GTVT với tầm nhìn dài hạn, được hoàn thành đưa vào sử dụng khi đất nước đã bước vào giai đoạn của nước phát triển”.

Cũng theo PTT, nếu được QH thông qua, trong quá trình thực hiện, dự án sẽ được chia làm nhiều giai đoạn, có sự phân kỳ đầu tư bằng các dự án thành phần, phù hợp với khả năng huy động vốn; dự án thành phần nào xong sẽ đưa vào khai khác ngay và rút kinh nghiệm để tiếp tục chuẩn bị, đầu tư dự án mới.

ĐB Dương Trung Quốc (Hà Nội) hỏi: “ODA là khoản vay có điều kiện của nước giàu đối với nước nghèo, thực chất là phương thức đầu tư tài chính, công nghệ và chính trị mang lại lợi ích cho chủ nợ. Việc vay vốn ODA là cần thiết, nhưng chỉ nên coi là nhất thời, giống như đứa trẻ cần bú sữa mẹ, vú nuôi hoặc xin sữa hàng xóm. Các nước đều nỗ lực giảm vay ODA, giống như đứa trẻ cứng cáp cần cai sữa mẹ. Chính phủ đã có kế hoạch “cai” ODA chưa?”.

PTT khẳng định VN không chấp nhận các dự án mà nhà tài trợ có động cơ, mục đích chính trị đằng sau. “Bú sữa nhờ hàng xóm đúng là khó. Vay ODA mà họ cho mình tự quyết thì tốt hơn. Chúng ta vay thực tế có chịu ràng buộc và có thiệt về kinh tế. Song tính chung lại, đánh giá các mặt cho thấy sử dụng vốn ODA là có hiệu quả. Năm rồi mặc dù thế giới khó khăn mà họ vẫn cam kết cho mình vay với mức kỷ lục là đáng mừng”.

“Đối với EVN, Chính phủ chẳng nuông chiều”

Chất vấn về tình trạng thiếu điện, cắt điện tràn lan gây bức xúc trong dân, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng: “Trong khâu quản lý Chính phủ nuông chiều EVN, để đến nỗi khi cần tăng giá điện thì kêu lỗ, nhưng khi cần thưởng thì báo lãi, dân chưa kịp đóng tiền điện thì phạt, nhưng cắt điện của dân thì chẳng chịu trách nhiệm gì?”. Ông Cuông cũng cho biết việc này đã được đem ra chất vấn tại nhiều kỳ họp nhưng không cải thiện, thậm chí còn căng thẳng hơn.

Trả lời ĐB Cuông, PTT cho biết tốc độ tăng trưởng của ngành điện đạt 13 - 14% mỗi năm, thời gian tới phấn đấu nâng lên 16% để dự phòng. Theo ông, tốc độ tăng trưởng như vậy là cao nếu so với các nước, song vẫn thiếu điện do đầu tư phát triển còn chậm, công tác quản lý đầu tư và quan hệ giữa người đầu tư và người cung ứng điện, bán điện chưa triệt để. “Các đồng chí hỏi trách nhiệm thiếu điện ở đâu? Ở Chính phủ, Thủ tướng, các đồng chí giúp việc cho Thủ tướng và trực tiếp là trách nhiệm của EVN. Thủ tướng đã liên tục kiểm điểm việc này”. PTT cho rằng điện là một trong 3 điểm yếu mà Chính phủ nêu ra và ưu tiên giải quyết. “3 điểm yếu của chúng ta có hai cái nhanh và một cái chậm. Nhập khẩu tăng nhanh, giá và lãi suất tăng nhanh. Nhưng điện thì giải quyết chậm. Chính phủ chẳng nuông chiều chút nào. Ngành điện làm chưa tốt đã phải kiểm điểm”.

PTT cũng trấn an: Chính phủ đang tổ chức lại ngành điện từ đầu tư cho đến phân phối, bán điện. Sắp tới có điện hạt nhân, phong điện. Nếu 10 năm tới mà chuyển được cơ cấu kinh tế sang phát triển chiều sâu, đổi mới kỹ thuật thì sẽ đủ điện”.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.