| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Trong tháng 11/2024, phải xóa hết tàu '3 không'

Thứ Năm 17/10/2024 , 17:25 (GMT+7)

Cà Mau Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc thực hiện các biện pháp gỡ 'thẻ vàng' IUU không chỉ để tham gia thị trường châu Âu mà còn để ngành thủy sản phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ ra một số bất cập, tồn tại lớn trong chống khai thác IUU. Ảnh: Trọng Linh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ ra một số bất cập, tồn tại lớn trong chống khai thác IUU. Ảnh: Trọng Linh.

Sáng 17/10, tại UBND tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo 6 tỉnh: Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, kết hợp họp trực tuyến với tỉnh Bình Định.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, việc gỡ "thẻ vàng" IUU giúp ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, tham gia hội nhập chủ động, tránh được các hàng rào kỹ thuật, thương mại khi xuất khẩu vào những thị trường lớn như châu Âu.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần thẳng thắn, trung thực, khoa học, cầu thị để đánh giá chính xác, tìm ra nguyên nhân khiến sau 7 năm vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng" IUU, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các hành vi vi phạm ngày càng cao, hết sức tinh vi, thậm chí có tính liên quốc gia.

"Chúng ta cần đưa ra giải pháp tổng thể không chỉ để gỡ "thẻ vàng", mà làm sao để nâng cao hiệu quả khai thác, đồng thời bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản tại của các ngư trường. Nếu để ngư dân tiếp tục ra khơi trong khi các ngư trường cạn kiệt thì không thể giải quyết triệt để các hành vi vi phạm IUU", lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.

Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU ngày càng tinh vi

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ chống khai thác IUU chậm khắc phục. Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng trong nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trọng Linh.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ngày càng tinh vi, như: Sử dụng tàu có chiều dài dưới 15m không lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), cố tình ngắt VMS khi hoạt động gần khu vực vùng biển giáp ranh; hoặc cố tình gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu khác....

Việc thực hiện quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản đến nay vẫn chưa hoàn thành khi mới có 89% tàu cá có đăng ký và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNfishbase; cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn mới đạt khoảng 74,1%.

Hiện cả nước còn tới hơn 9.300 tàu "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhưng không sang tên đổi chủ, không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên...

Đến nay, mới theo dõi, giám sát được khoảng 40% hoạt động của tàu cá ra vào cảng, khoảng 30% sản lượng thủy sản khai thác được giám sát qua cảng, một số địa phương giám sát sản lượng thủy sản khai thác dưới 5%, như Quảng Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An…

Vẫn còn tình trạng tàu cá không đủ điều kiện được ra vào cảng, xuất nhập bến, tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Ảnh: Trọng Linh.

Vẫn còn tình trạng tàu cá không đủ điều kiện được ra vào cảng, xuất nhập bến, tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Ảnh: Trọng Linh.

Tình trạng tàu cá vi phạm hoạt động sai vùng xảy ra thường xuyên, với số lượng lớn, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc, như Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… và các tỉnh có số lượng lớn nghề lưới kéo, như Bến Tre, Tiền Giang, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu… Vẫn còn tình trạng tàu cá không đủ điều kiện được ra vào cảng, xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó là thực trạng tàu cá không cập cảng nhưng vẫn bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại nhiều địa phương.

Chiều 16/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với bà con ngư dân tại cảng cá Sông Đốc. Ảnh: Trọng Linh.

Chiều 16/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với bà con ngư dân tại cảng cá Sông Đốc. Ảnh: Trọng Linh.

Xử lý dứt điểm tàu "3 không"

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiến nghị tập trung cao điểm nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt tại 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bình Định…

Các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, xử lý dứt điểm tàu cá "3 không". Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác, khẩn trương thực hiên nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) và kiên quyết xử lý hình sự hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, địa phương không có trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: Trọng Linh.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, địa phương không có trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: Trọng Linh.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định: "Trong thời gian vừa qua, chúng tôi kiểm soát công tác quản lý các đội tàu khá chặt chẽ. Về vấn đề tàu "3 không", hiện đang có hơn 300 tàu tiến hành đăng ký. Bên cạnh đó, chúng tôi làm theo khuyến nghị của EC rất tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản. Liên quan tới quản lý tàu xuất và cập cảng, chúng tôi giao cho Bộ đội Biên phòng theo phần mềm khai thác điện tử eCDT khá tốt. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng đã tiến hành gắn thiết bị VMS cho 922/922 tàu do Biên phòng quản lý. Từ đầu 2023 đến nay, tỉnh không có trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài". 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị bổ sung một số ngành nghề đặc thù như câu mực, câu cá ngừ phải lắp VMS dù kích thước phương tiện chưa đủ 15m theo quy định.

Đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, lực lượng kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã trao đổi, làm rõ một số kiến nghị của địa phương, như cung cấp thông tin về tàu cá bị bắt giữ ở nước ngoài; quản lý hoạt động tàu cá trên biển; kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xử lý hình sự các vụ vi phạm IUU

Thực hiện nhiệm vụ và giải pháp cấp bách

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận thức, việc thực hiện các biện pháp nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU không chỉ để tham gia thị trường châu Âu, mà để phát triển ngành thủy sản bền vững, bảo đảm lợi ích, sinh kế lâu dài, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân, đồng thời thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ ra một số bất cập, tồn tại lớn, như: Chưa kiểm soát được toàn bộ của tàu cá, nhất là tàu "3 không", chưa rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong việc quản lý hoạt động tàu cá từ cửa sông đến cảng cá và trên biển, các quy định quản lý, xử lý tàu cá, chủ tàu vi phạm và công tác tổ chức thực hiện chưa sát với thực tiễn...

Bộ NN-PTNT cần làm rõ những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trước mắt là tình trạng đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, không khai báo. Trong tháng 11/2024, các địa phương phải hoàn thành việc đăng ký, quản lý 100% số tàu cá tại địa bàn, không để tồn tại tàu cá "3 không".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Cục Kiểm ngư xây dựng chiến dịch cao điểm phối hợp với các lực lượng chấp pháp để kiểm soát toàn bộ tàu cá "3 không", tàu cá đã xóa số đăng ký trong tháng 11/2024.

Xem thêm
Việt Nam lên tiếng sau khi Campuchia rút khỏi cơ chế hợp tác phát triển CLV

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, mối quan hệ đoàn kết gắn bó hữu nghị và tin cậy giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia là tài sản quý báu.

Thủ tướng: Sử dụng ngay ngân sách để hỗ trợ bà con ảnh hưởng do sạt lở

Chiều 16/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri là đại diện hội viên nông dân, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai trong cộng đồng dân cư

Cà Mau Bên cạnh sạt lở đất, các loại hình thời tiết cực đoan cũng gây nhiều thiệt hại cho người dân tỉnh Cà Mau.

Bình luận mới nhất