| Hotline: 0983.970.780

Phòng, chống thiên tai ở 'rốn bão' còn nhiều bất cập

Thứ Năm 24/02/2022 , 14:46 (GMT+7)

Công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai của khu vực miền Trung, Tây Nguyên còn rất nhiều vấn đề cần được tập trung, tăng cường hỗ trợ.

Hội nghị Giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên ngày 23/2. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội nghị Giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên ngày 23/2. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nơi thiên tai diễn ra khốc liệt nhất cả nước

Chiều 23/2, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị Giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 250 điểm cầu của các Bộ, ngành, địa phương.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, khu vực miền Trung, Tây Nguyên có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp. Hệ thống sông, suối dày đặc; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, biến động mạnh; mùa mưa tập trung trên 65-75% tổng lượng mưa năm; cường suất mưa rất lớn trong thời gian ngắn. 

Đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại hình thiên tai ở nước ta như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất, lốc tố, dông sét, rét hại, rét đậm... với tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn các khu vực khác, qua đó gây ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, miền Trung, Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai dữ dội nhất trên cả nước.

Sự nỗ lực của chính quyền và địa phương nơi đây cũng như công tác chỉ đạo hiện đang được tập trung, quan tâm nhất. Tuy nhiên so với yêu cầu về công tác phòng, chống thiên tai hiện nay thì khu vực này còn rất nhiều vấn đề cần được tập trung, tăng cường hỗ trợ.

Miền Trung, Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai khốc liệt nhất trên cả nước. Ảnh: Việt Hùng.

Miền Trung, Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai khốc liệt nhất trên cả nước. Ảnh: Việt Hùng.

“Ví dụ như đợt mưa lũ tháng 11, tháng 12/2021 vừa qua đã bộc lộ rất nhiều vấn đề. Cụ thể như quy trình vận hành, theo dõi giám sát đối với tình hình mưa lũ của các hồ chứa; việc đảm bảo an toàn cho một số lượng lớn tàu thuyền đánh bắt ven bờ và xa bờ khu vực ven biển trọng yếu; việc đảm bảo an toàn cho dân vư ven biển, khu vực vùng thấp trũng cũng như khu vực sạt lở miền núi”, ông Trần Quang Hoài phân tích.

Tập trung đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai trong năm 2022

Thời gian tới, để chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai sẽ triển khai sớm những biện pháp phòng, chống thiên tai tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Theo ông Trần Quang Hoài, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường triển khai nâng cao năng lực của người dân, cộng đồng cũng như các cấp chính quyền để chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Đồng thời, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Kế hoạch trung hạn cũng sẽ tập trung cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên để nâng cao cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai.

Đây là 2 vấn đề lớn mà Ban Chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo mạnh mẽ thời gian tới. Ngoài ra, trong lĩnh vực NN-PTNT, nhiều công trình phòng, chống thiên tai như các khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống đê kè, các hồ chứa sẽ được mở rộng, nâng cấp và tăng cường đầu tư.

Theo ông Trần Quang Hoài, thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai sẽ triển khai sớm những biện pháp phòng, chống thiên tai tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Trần Quang Hoài, thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai sẽ triển khai sớm những biện pháp phòng, chống thiên tai tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

"Đối với lĩnh vực thuộc các bộ ngành khác, các tuyến đường giao thông, khu dân cư… cũng sẽ được đầu tư, nâng cấp một cách toàn diện, rộng khắp trên các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên”, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chia sẻ.

Ông Hoài cũng nhận định, mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực nhưng nhiều vấn đề đã được bộc lộ tại khả năng ứng phó, cơ sở hạ tầng, công trình, người dân cũng như những quy định hiện hành. Bên cạnh đó, khu vực người dân mất an toàn còn rất lớn tại miền Trung, Tây Nguyên. Việc triển khai lực lượng xung kích cơ sở cũng cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Theo thống kê, 40 năm gần đây, trong tổng số 374 cơn bão hoạt động trên biển Đông, có 148 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó 94 cơn đổ bộ vào khu vực miền Trung (chiếm trên 64%) tập trung từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.

Khu vực miền Trung có đặc điểm hệ thống sông ngòi dày đặc, chiều dài ngắn, lòng dẫn hẹp, rất dốc, lũ về nhanh nên thường gây ra ngập lụt lớn khu vực đồng bằng thấp phía Đông. Đây là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn nhất cho khu vực và xảy ra với mức độ ngày càng khốc liệt.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.