Cách gọt củ hoa thủy tiên để hoa nở đúng chiều 30 Tết
Gọt củ hoa thủy tiên mỗi khi năm hết Xuân về là thú chơi đầy đam mê, sang trọng và tao nhã của người Hà Nội xưa. Không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng với người Hà Nội đây là thú chơi đã được hình thành từ rất lâu.
Hoa thủy tiên là một trong những loài hoa đặc biệt, vì người chơi có thể thưởng thức vẻ đẹp của cả rễ, hoa và lá. Thủy tiên còn có hương thơm thoảng mà mát dịu, không loài hoa nào có được. Theo quan niệm dân gian, nếu hoa thủy tiên nở đúng chiều 30 Tết thì được cho là mọi sự tốt lành, trường thọ, tài lộc sung túc và may mắn sẽ đến với gia đình người đó trong năm mới.
Những năm gần đây thú chơi tự tay gọt củ, chăm sóc để có một bát hoa đẹp đúng độ Xuân về dần được gây dựng lại. Thay vì mua sẵn ngoài chợ hoa Tết, nhiều người đã mua củ thủy tiên về tự chuẩn bị cho mình một chậu hoa Tết với hy vọng may mắn cho năm mới.
Vậy cách gọt củ hoa thủy tiên như thế nào? Nên gọi củ hoa thủy tiên vào thời điểm nào để hoa thủy tiên sẽ nở đúng vào 30 Tết, hay như năm nay là nở vào đúng 29 Tết?
Hoa thủy tiên nở phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu trời nóng ẩm thì nhanh nở hoa, trời lạnh thì chậm. Thường thì hoa sẽ xuất hiện sau 20-25 ngày nên chúng ta có thể tiến hành gọt củ hoa thủy tiên từ khoảng mùng 5 đến mùng 9 tháng 12 âm lịch. Tùy vào thời điểm Tết năm đó ấm hay lạnh mà điều chỉnh thời gian gọt củ hoa thủy tiên. Năm hay thời tiết miền Bắc rét hơn nên có thể tiến hành gọt sớm từ ngày mồng 9 tháng 12 âm lịch. Dưới đây là cách gọt củ hoa thủy tiên đúng "chuẩn".
Các bước gọt củ hoa thủy tiên
Bước 1: Làm sạch củ hoa thủy tiên
Củ thủy tiên được đánh giá tốt khi có hình dáng to tròn, mập mạp, xốp và cân đối, không có quá nhiều nhánh. Giá một củ thủy tiên được nhập khẩu dao động khoảng 25.000 - 40.000 đồng. Phía dưới của củ bao giờ cũng có một chút đất để bảo vệ rễ, củ mua về cần bóc bỏ đất ở đáy, bóc hết các bẹ lá khô và ngâm nước 2 ngày để vỏ hút nước căng mọng ra nhằm dễ gọt. Sau đó ngâm nước rồi làm sạch lại lần nữa.
Bước 2: Bóc vỏ và bao mầm
Bóc vỏ: Chọn loại dao vát lưỡng dụng dài khoảng 18cm và dao máng với lưỡi hình vòng cung dài khoảng 5mm để dễ dàng cho việc bóc, cắt, cạo, gọt, xén… Bắt đầu động dao trên mặt củ, cách vầng rễ 1cm, rạch một đường theo hình vòng cung. Nhẹ nhàng tách từng lớp vỏ cho đến khi vào gần đến giữa củ thì phải nhẹ nhàng để không phạm vào bao hoa, cuống hoa và lá, cho đến khi để lộ hoàn toàn mâm củ. Đối với các mầm sườn cũng bóc vỏ như với củ chính.
Bóc bao mầm: Sử dụng dao vát lưỡng dụng và dao máng để khoét sâu các khe giữa các bào mầm (bao màu trắng bao bọc quanh lá và cuống hoa). Bạn nên rạch một đường ở bên cạnh của bào mầm, từ trên xuống dưới, thay vì rạch chính giữa để tránh làm rách bao hoa. Khi nhìn thấy trong hình giữa những lá xanh màu lá mạ có một bao lồi ra, nho nhỏ màu vàng nhạt đó là bao hoa. Thông thường, mỗi mầm có 4 - 5 lá.
Bước 3: Xén lá, cạo cuống hoa và tạo hình
Để lá thủy tiên mọc thấp và uốn lượn phía dưới hoa thật đẹp mắt, chúng ta cần phải xén lá, xén theo cạnh nào nó sẽ uốn lượn theo cạnh đó. Dùng dao lưỡi vát rạch một chút trên ngọn lá rồi dùng dao máng xén dọc theo chiều dài của lá cho tới tận cuống lá.
Bạn có thể tạo lá cong hình móc câu, lá lượn vòng tròn hoặc sáng tạo theo ý thích. Tương tự, cạo cuống sẽ giúp hoa cong theo chiều bạn muốn, chỉ cần cẩn thận kẻo đứt cuống hoa. Cuối cùng, nếu khéo tay bạn còn sáng tác thêm các tạo hình thiên nga, thuyền buồm, hình động vật xinh xắn nữa đấy!
Bước 4: Thủy dưỡng - nuôi trồng củ hoa thủy tiên trong nước
Đây là bước rất quan trọng trong quá trình gọt thủy tiên, quyết định nhiều đến thành quả cuối cùng. Giai đoạn này, lá và hoa dễ điều chỉnh, uốn nắn nên cần xem xét thường xuyên. Đầu tiên, dùng chổi lông, kéo làm sạch các mảnh vụn, điều chỉnh lại các vết cắt, xem kỹ các mặt củ, tránh tình trạng bị dập dẫn đến thối. Tiếp đến, ngâm mặt cắt, gọt, tỉa vào nước trong 1 ngày để rửa sạch nhựa chảy ra từ vết cắt, nhựa sẽ đùn ra và đông lại dẻo quánh trên các vết cắt gọt.
Sau khi ngâm, ta đưa củ vào chậu thủy dưỡng, đặt nằm ngang và hướng mặt cắt gọt lên trên. Dùng bông hoặc vải mềm phủ lên các vết cắt và rễ sao cho mảnh vải, bông luôn ướt. Nên để trong nhà 3-4 ngày do các vết cắt liền sẹo, lá bắt đầu mọc dài ra và hơi xanh mới đưa ra ngoài trời. Sử dụng nước sạch để thay hàng ngày, tùy vào độ nông sâu của chậu mà thay từ 1-2 ngày/ lần.
Lưu ý: Muốn củ ra hoa thủy tiên sớm thì thay nước ấm để thủy dưỡng, phơi ra ngoài nắng, ban đêm đưa vào trong nhà che giấy, nilon rồi dùng bóng điện chiếu sáng. Muốn ra hoa muộn thì thay nước lạnh nhiều lần, không phơi nắng mà phải để nơi râm mát, ban đêm mang ra ngoài trời.