| Hotline: 0983.970.780

Phương án ứng phó khẩn cấp cho hồ chứa Ngàn Trươi – Cẩm Trang

Thứ Sáu 26/08/2022 , 14:15 (GMT+7)

Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa nước Ngàn Trươi – Cẩm Trang được xây dựng ứng với 18 kịch bản ngập lụt vùng hạ du.

18 kịch bản ngập lụt hạ du

Hồ chứa nước Ngàn Trươi – Cẩm Trang, đặt tại thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) là công trình đại thủy nông lớn nhất nhì khu vực Bắc Trung bộ. Công trình này được xây dựng với mục tiêu tưới cho hơn 32 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp ở các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân và một phần phía Bắc huyện Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh.

Empty

Hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang là 1 trong 2 công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Thực hiện cấp nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; giảm lũ và cải tạo môi trường sinh thái hạ du; đồng thời, phát triển du lịch sinh thái kết hợp phát điện.

Năm 2021, sau khi các chuyên gia, nhà khoa học kiểm tra, thẩm định kỹ lưỡng các thông số kỹ thuật, độ an toàn của công trình, Bộ NN-PTNT ban hành quyết định phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ chứa nước Ngàn Trươi – Cẩm Trang, với 18 kịch bản trong các tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập.

Các kịch bản này được xây dựng dựa trên tổ hợp các tình huống: xả lũ, vỡ đập, mưa ở hạ du và lưu lượng nhập lưu từ các nhánh sông khác.

Trường hợp xả lũ trong điều kiện vận hành hồ chứa theo thiết kế, kịch bản nguy hiểm nhất sẽ có hơn 38 nghìn ha và 33.207 hộ dân/57 xã bị ngập. Nếu xả lũ trong điều kiện thiên tai bất thường, số hộ dân chịu ảnh hưởng khoảng hơn 36 nghìn hộ và hơn 42.500 ha ngập.

Với kịch bản tràn xả lũ theo tần suất 5%, lưu lượng xả lớn nhất 1.598m3/s dự kiến sẽ có khoảng hơn 27 nghìn ha và 25.532 hộ dân/54 xã bị ngập sâu…

Đối với tình huống vỡ đập ngày mưa, kịch bản nguy hiểm nhất sẽ có hơn 34.500 hộ dân/56 xã và hơn 41 nghìn ha ngập lụt.

Ngoài các kịch bản trên, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp còn xây dựng các kịch bản khi vỡ đập chính ngày nắng; vỡ đập phụ ngày nắng và vỡ cửa tràn ngày nắng.

Ứng phó phải hoàn toàn chủ động

Theo ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc BQL Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 (Bộ NN-PTNT), trước khi phê duyệt phương án phòng chống thiên tai đối với hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang năm 2022, Hội đồng tư vấn an toàn đập với các chuyên gia thủy công, thủy văn, quan trắc, phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra kỹ lưỡng thực địa, các hồ sơ, tài liệu, số liệu quan trắc, an toàn đập… rồi mới tham mưu Bộ NN-PTNT cho phép tích nước.

“Hiện tại bản đồ ngập lụt, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp của hồ chứa đều đã được phê duyệt, có kịch bản cụ thể. Quan trọng nhất quá trình tổ chức thực hiện phải có sự chủ động của chính quyền địa phương.

Tất nhiên, về phía chúng tôi sẽ tổ chức vận hành đúng quy trình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với tỉnh và các huyện, xã trong vùng hạ du bị ảnh hưởng”, ông Thịnh nói.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, việc xây dựng kế hoạch ứng phó với tỉnh huống khẩn cấp công trình hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Bởi, ở “túi mưa” Hà Tĩnh, không ai lường trước được tần suất mưa lũ bất thường, nhất là ở giai đoạn biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.

Empty

Việc vận hành đảm bảo an toàn cho công trình cũng như hạn chế gây ngập lụt hạ du được chính quyền địa phương và Nhân dân đặc biệt quan tâm.

“Căn cứ vào phương án đã được phê duyệt, các sở ngành, địa phương, đơn vị theo sự phân công cần chủ động chuẩn bị các phương án tổ chức thực hiện nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra. Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ UBND tỉnh truy cứu trách nhiệm ngay từ người đứng đầu”, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Có 8 dấu hiệu để lựa chọn kịch bản sơ tán tương ứng với các kịch bản xây dựng tại bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang. Theo đó, khi thông tin dự báo lượng mưa trong 1 ngày lớn nhất đạt mức 750mm; 989mm; 1.360mm; 457,7mm đối với lũ 5% hoặc 401,3mm đối với lũ 10%; tình trạng đập ở báo động 4 và mưa 1 ngày lớn nhất 750,3mm… thì đều phải tổ chức sơ tán khẩn cấp.

Theo phương án ứng phó khẩn cấp hồ chứa Ngàn Trươi – Cẩm Trang, khu vực bị ảnh hưởng bao gồm: 10 xã, thị trấn của huyện Vũ Quang; 18 xã, thị trấn của huyện Hương Khê; 13 xã, thị trấn thuộc huyện Đức Thọ (trong đó các xã: Đức Lạng, Đức Đồng, Hòa Lạc, Tân Dân, Tân Hương mức độ ngập ít, không phải sơ tán. Các xã Tùng Ảnh, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh, Yên Hồ, thị trấn Đức Thọ chỉ ảnh hưởng hoa màu, không phải sơ tán) và 16 xã, thị trấn của huyện Hương Sơn (mức độ ngập ít, không phải sơ tán).

Việc sơ tán thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, cụ thể: Những hộ bị ngập với độ sâu dưới 1m, nhộ dân bị ngập nhưng có nhà cao hoặc ở cạnh hộ có nhà cao, cạnh các công sở, trường học có thể tránh trú tạm thời được thì sơ tán lên các cơ sở này.

Khi mức nước ngập từ 1 – 2m, vị trí sơ tán tại chỗ không còn an toàn, các hộ dân cần sơ tán đến các cơ quan, trường học, nhà tránh lũ để tránh trú.

Khi nước ngập lớn hơn 2m tổ chức di dời lên các đồi cao hoặc cơ sở hạ tầng cao hơn. Các địa điểm nằm trong kịch bản sơ tán phải được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất khử trùng, thuốc men, thiết bị y tế…

Là một trong hàng chục nghìn hộ dân sinh sống dưới hạ du hồ chứa nước Ngàn Trươi – Cẩm Trang, anh Nguyễn Thái Huy, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho người dân dưới khu vực lòng hồ Ngàn Trươi phải được ưu tiên số một.

Năm 2020, chứng kiến trận lũ lịch sử nhấn chìm huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, trong đó có một phần tác nhân do xả lũ hồ Kẻ Gỗ, anh Huy hiểu hơn ai hết về sự nguy nguy hiểm, thậm chí sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với các hồ chứa thủy lợi lớn, trong đó có Ngàn Trươi – Cẩm Trang.

“Kịch bản ứng phó khẩn cấp là để các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương căn cứ vào đó thực hiện. Cái người dân chúng tôi cần là ngành chức năng, đặc biệt đơn vị vận hành hồ phải thông báo kịp thời, bằng nhiều kênh về lưu lượng xả lũ đến tận các hộ dân để có phương án chủ động di dời tài sản.

Ngoài số liệu về lưu lượng xả, ngành chức năng cũng cần đưa ra dự báo khu vực sẽ bị ngập, ngập sâu bao nhiêu mét để người dân nâng cao cảnh giác, tổ chức di dời kịp thời theo khuyến cáo”, anh Huy nói thêm.

z3644974481576_35916fa354821252bff7ffadbc55d3f2

Bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang được xây dựng với 18 kịch bản.

Đối với huyện Vũ Quang, địa phương vừa chịu áp lực trong việc phối hợp bảo vệ an toàn cho công trình vừa phải đảm bảo an toàn cho hàng chục nghìn hộ dân hạ du khẳng định, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban 4 (đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa Ngàn Trươi) và Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (đơn vị quản lý, vận hành kênh Ngàn Trươi) trong việc thực hiện các giải pháp bảo vệ công trình trong mùa mưa lũ. Ngăn chặn tàu bè, người dân đi lại trong vùng lòng hồ khi mùa mưa lũ đến; thông báo kịp thời đến người dân hạ du khi có hiệu lệnh, cảnh báo sự cố…

“Riêng phương án di dời dân, huyện đã ký hợp đồng chuẩn bị phương tiện, lực lượng, lương thực, thực phẩm đầy đủ để khi có tình huống khẩn cấp, kịp thời huy động. Tất cả đều “lên dây cót” theo phương châm chủ động, nhanh gọn”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang nhấn mạnh thêm.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất