| Hotline: 0983.970.780

PTT Nguyễn Sinh Hùng: “Chúng ta phải làm đường sắt cao tốc”!

Thứ Bảy 12/06/2010 , 19:47 (GMT+7)

Phó Thủ tướng (PTT) Nguyễn Sinh Hùng, thành viên cuối cùng của Chính phủ đã đăng đàn giải trình một số vấn đề mà các ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm. Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP HCM; cho thuê đất rừng dài hạn, cắt điện tràn lan... là những câu hỏi dồn dập “dành’ cho PTT.

Ngày 12/6, Phó Thủ tướng (PTT) Nguyễn Sinh Hùng, thành viên cuối cùng của Chính phủ đã đăng đàn giải trình một số vấn đề mà các ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm. Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP HCM; cho thuê đất rừng dài hạn, cắt điện tràn lan... là những câu hỏi dồn dập “dành’ cho PTT.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng.

“Tôi thì không lo”!

“Tôi muốn biết PTT có yên tâm với dự án đường sắt cao tốc hay không. Trong khi nhiều cái nhỏ ta chưa làm được, đầu tư cái lớn sẽ ra sao?”- ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) hỏi.

“Tôi yên tâm trả lời ĐB Lợi rằng phải làm dự án này. Chính phủ xin QH chủ trương để làm và sẽ tính được bài để làm. ĐB Thuyết nói sợ nàng tiên ngủ trong rừng khi thức dậy sẽ hỏi anh ơi tiền đâu? Các đồng chí lo không biết lấy tiền đâu để làm, tôi thì không lo”, PTT nêu thẳng quan điểm của mình.

Theo ông, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm nay ước đạt 106 tỷ USD. Với đà tăng trưởng này đến 2020, GDP sẽ đạt gần 300 tỷ USD; 2030 là 700 tỷ USD; 2040 đạt 1.200-1.400 tỷ USD và đến 2050 sẽ gấp đôi số đó. GDP bình quân đầu người đến 2050 dự kiến lên 20.000 USD, thay vì mức hơn 1.000 USD hiện nay. Nếu cứ lấy ngưỡng an toàn vay nợ là 50% GDP, đến 2020, Việt Nam có thể vay 150 tỷ USD mà vẫn an toàn. “Với mức vay nợ như vậy, chúng ta có thể làm được. Mà thưa các đồng chí, có phải chúng ta làm ngay ngày mai đâu. Còn tính toán, cân lên đặt xuống và xin ý kiến QH nhiều lần nữa trước khi triển khai”, ông nói.

PTT cũng cho hay, việc nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc được Chính phủ đặt ra từ các nhiệm kỳ trước và đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt nước ta từ năm 2002. Đây là một dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, được chuẩn bị công phu và có thời gian triển khai, thực hiện dài, khoảng 30 năm, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, BCH TƯ Đảng và trình xin ý kiến của QH. 

PTT cho rằng hạ tầng giao thông Việt Nam ngày càng quá tải, cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế-xã hội, gây nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Việc hình thành một hệ thống giao thông vận tải nói chung cũng như hệ thống vận tải đường sắt hoàn chỉnh phải mất nhiều năm. Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống giao thông, tránh lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành, cần có quy hoạch và tầm nhìn dài hạn; vừa phải phát triển tuần tự từ thấp đến cao, vừa phải “đi tắt đón đầu”, nhằm tạo bước đột phá, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải cho nền kinh tế.

“Dự án đường sắt cao tốc được xây dựng là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển GTVT với tầm nhìn dài hạn, được hoàn thành đưa vào sử dụng khi đất nước đã bước vào giai đoạn của nước phát triển”. Cũng theo ông Hùng, nếu được QH thông qua, trong quá trình thực hiện, dự án sẽ được chia làm nhiều giai đoạn, có sự phân kỳ đầu tư bằng các dự án thành phần, phù hợp với khả năng huy động vốn; dự án thành phần nào xong sẽ đưa vào khai khác ngay và rút kinh nghiệm để tiếp tục chuẩn bị, đầu tư dự án mới.

“ODA là khoản vay có điều kiện của nước giàu đối với nước nghèo, thực chất là phương thức đầu tư tài chính, công nghệ và chính trị mang lại lợi ích cho chủ nợ. Việc vay vốn ODA là cần thiết, nhưng chỉ nên coi là nhất thời, giống như đứa trẻ cần bú sữa mẹ, vú nuôi hoặc xin sữa hàng xóm. Các nước đều nỗ lực giảm vay ODA, giống như đứa trẻ cứng cáp cần cai sữa mẹ. Chính phủ đã có kế hoạch “cai” ODA chưa?” ĐB Dương Trung Quốc ví von hỏi.

* Về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, tiến hành thận trọng từng bước theo đúng trình tự pháp luật và với tinh thần công khai, dân chủ, cầu thị. Bản đồ án quy hoạch đã được báo cáo xin ý kiến Đảng bộ và nhân dân thủ đô tại kỳ họp này. Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của QH để hoàn chỉnh đồ án, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến trước khi phê duyệt.

* ĐB Dương Trung Quốc đã đề cao vai trò phản biện của các cán bộ lão thành cách mạng và báo chí về việc cho thuê đất rừng dài hạn. “Nhân dịp này Chính phủ nên có lời tri ân với các cán bộ lão thành cách mạng và khích lệ báo chí, đặc biệt là sắp đến ngày kỷ niệm ngày báo chí cách mạng VN 21/6. Nếu làm như vậy cho thấy Chính phủ biết điều và biết lắng nghe”.

* “Đối với việc thu hồi đất trồng lúa, Thủ tướng yêu cầu từ nay mà đụng đến là phải báo cáo Chính phủ” - PTT Nguyễn Sinh Hùng.

PTT khẳng định VN không chấp nhận các dự án mà nhà tài trợ có động cơ, mục đích chính trị đằng sau. “Bú sữa nhờ hàng xóm đúng là khó. Vay ODA mà họ cho mình tự quyết thì tốt hơn. Chúng ta vay thực tế có chịu ràng buộc và có thiệt về kinh tế. Song tính chung lại, đánh giá các mặt cho thấy sử dụng vốn ODA là có hiệu quả. Năm rồi mặc dù thế giới khó khăn mà họ vẫn cam kết cho mình vay với mức kỷ lục là đáng mừng”-ông nói.

“ Đối với EVN, Chính phủ chẳng nuông chiều”

Chất vấn về tình trạng thiếu điện, cắt điện tràn lan gây bức xúc trong dân, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) bức xúc: “Trong khâu quản lý Chính phủ có quá nuông chiều EVN, để đến nỗi khi cần tăng giá điện thì kêu lỗ, nhưng khi cần thưởng thì báo lãi, dân chưa kịp đóng tiền điện thì phạt, nhưng cắt điện của dân thì chẳng chịu trách nhiệm gì?”. Ông Cuông cũng cho biết việc này đã được đem ra chất vấn tại nhiều kỳ họp nhưng không cải thiện, thậm chí còn căng thẳng hơn.

Trả lời ĐB Cuông, PTT cho biết tốc độ tăng trưởng của ngành điện đạt 13 - 14% mỗi năm, thời gian tới phấn đấu nâng lên 16% để dự phòng. Theo ông, tốc độ tăng trưởng như vậy là cao nếu so với các nước, song vẫn thiếu điện do đầu tư phát triển còn chậm, công tác quản lý đầu tư và quan hệ giữa người đầu tư và người cung ứng điện, bán điện chưa triệt để. “Các đồng chí hỏi trách nhiệm thiếu điện ở đâu? Ở Chính phủ, Thủ tướng, các đồng chí giúp việc cho Thủ tướng và trực tiếp là trách nhiệm của EVN. Thủ tướng đã liên tục kiểm điểm việc này”. PTT cho rằng điện là một trong 3 điểm yếu mà Chính phủ nêu ra và ưu tiên giải quyết. “3 điểm yếu của chúng ta có hai cái nhanh và một cái chậm. Nhập khẩu tăng nhanh, giá và lãi suất tăng nhanh. Nhưng điện thì giải quyết chậm. Chính phủ chẳng nuông chiều chút nào. Ngành điện làm chưa tốt đã phải kiểm điểm”.

PTT cũng trấn an: Chính phủ đang tổ chức lại ngành điện từ đầu tư cho đến phân phối, bán điện. Sắp tới có điện hạt nhân, phong điện. Nếu 10 năm tới mà chuyển được cơ cấu kinh tế sang phát triển chiều sâu, đổi mới kỹ thuật thì sẽ đủ điện”.

Vẫn “nóng” việc cho thuê đất rừng, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chất vấn: “Sao đến khi các vị hưu trí phản ánh thì Chính phủ mới biết? Ai phải chịu trách nhiệm về việc này? Tạm dừng và rút giấy phép thì bồi thường ra sao?”. PTT đáp: “Địa phương họ làm đúng luật và có quyền làm theo phân cấp. Bây giờ rà lại thì có chuyện. Nên Chính phủ cần đánh giá, chỗ nào làm không tốt sẽ xem lại trách nhiệm. Rút giấy phép cũng phải theo quy định, chỉ với DN nhận giấy phép mà không làm. Chứ không ảnh hưởng đến nhà đầu tư nói chung”. PTT thẳng thắn cho rằng: “Sai thì phải xử lý trách nhiệm. Còn đến mức nào tùy tình hình cụ thể. Còn cách chức, cảnh cáo kỷ luật là phải xem. Còn nếu các đồng chí làm đúng mà luật pháp còn kẽ hở thì phải xem lại. Thủ tướng đã cho ý kiến, ta cứ mạnh dạn báo cáo QH”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thiên tai về, tài sản ra đi

Hà Giang Mới đầu mùa mưa, nhưng người dân ở vùng cao Hà Giang đã phải hứng chịu 2 đợt thiệt hại do thiên tai gây ra, đau lòng nhất là đã có người tử vong.

Bình luận mới nhất