| Hotline: 0983.970.780

Tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU

Thứ Năm 07/07/2022 , 07:17 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành thủy sản Quảng Nam cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để tuyên truyền, tạo chuyển biến trong ngư dân trong chống khai thác IUU.

Hạ tầng đã đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu

Chiều 6/7, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về các nội dung liên quan đến công tác triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); hạ tầng thủy sản; tình hình sản xuất, quản lý thủy sản.

Cảng cá Tam Quang huyện Núi Thành, Quảng Nam đến nay đã được đầu tư khá đồng bộ. Ảnh: L.K.

Cảng cá Tam Quang huyện Núi Thành, Quảng Nam đến nay đã được đầu tư khá đồng bộ. Ảnh: Lê Khánh.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 30/6/2022, số lượng tàu cá đã đăng ký trên địa bàn tỉnh là 2.753 phương tiện, trong đó, vùng khơi là 683 phương tiện, vùng lộng là 732 phương tiện, vùng bờ là 1.338. Trong đó, tổng lượng tàu đã được ngành thủy sản cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá là 997 phương tiện.

Sản lượng khai thác thủy sản của toàn tỉnh hàng năm từ đạt từ 95.000 - 100.000 tấn, trong đó khoảng 65% là từ khai thác vùng khơi. Nghề khai thác thủy sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó khoảng 12.000 người khai thác trực tiếp trên biển (vùng khơi khoảng 7.000 lao động, vùng lộng khoảng 3.100 lao động, vùng bờ khoảng 1.900 lao động) và khoảng 3.000 lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua.

Tỉnh Quảng Nam có 2 cảng cá loại II, đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác là cảng Tam Quang và cảng An Hòa (huyện Núi Thành). Nhìn chung 2 cảng cá chỉ cơ bản đáp ứng được lượng tàu cá cập cảng của ngư dân huyện Núi Thành, Tam Kỳ.

Đối với tàu cá của ngư dân các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình và Thành phố Hội An chưa có cảng cá đủ điều kiện công bố mở cảng để tàu cá cập cảng, gây khó khăn cho chủ tàu, thuyền trưởng trong việc nộp nhật ký khai thác thủy sản, xác nhận nguồn gốc khai thác thủy sản, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Bên cạnh đó, Quảng Nam có 4 công trình tránh trú bão tập trung cho tàu cá của tỉnh được xây dựng cơ bản và đã đưa vào sử dụng (trong tổng số 7 khu neo đậu được quy hoạch), gồm: Khu neo đậu tránh trú bão An Hòa; Khu neo đậu tránh trú bão Hồng Triều, Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Đại và Khu neo đậu tránh trú bão Cù Lao Chàm.

Các khu neo đậu tránh trú bão chỉ được đầu tư hoàn thiện ở giai đoạn đầu, chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên toàn tỉnh, hiện còn thiếu các công trình phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá; nhiều năm sử dụng nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng định kỳ nên bị cạn do phù sa bồi lắng, đặc biệt là các luồng ra vào khu neo đậu bị cạn gây khó khăn cho tàu cá di chuyển, các hệ thống phao tiêu, biển báo đã xuống cấp, hư hỏng.

Thành quả có, tồn tại có

Đối với công tác chống khai thác IUU trên địa bàn, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, từ năm 2018 đến nay, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan như Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, Công an tỉnh Quảng Nam tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, sở ngành, đơn vị có liên quan phối hợp triển khai các nội dung về chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Trung ương.

Do số lượng tàu cá lớn nên hạ tầng nghề cá hiện nay ở tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Ảnh: L.K.

Do số lượng tàu cá lớn nên hạ tầng nghề cá hiện nay ở tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Ảnh: Lê Khánh.

Cũng trong 5 năm qua, tỉnh này đã tổ chức trên 42 buổi tuyên truyền cho hơn 2.700 lượt người là đại diện các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự. Phối hợp xây dựng các phóng sự, bài viết, chương trình đối thoại trực tuyến về triển khai Luật Thủy sản 2017, các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản, các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Bên cạnh đó, sau khi kết thúc đợt kiểm tra của Bộ NN-PTNT năm 2020 và trên cơ sở chỉ đạo tại Công văn số 1367 ngày 24/02/2022 của Bộ NN-PTNT về việc tập trung thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU. Sở NN-PTNT Quảng Nam đã phối hợp và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.

“Sau thời gian khắc phục tồn tại, hạn chế, đến nay tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả như, tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình toàn tỉnh đạt 96,6%; Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân thu mua thủy sản khai thác quy định, quy trình về xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; Tăng cường giám sát và lập biên bản tàu cá ra vào cảng; Giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thu, nộp nhật ký khai thác thủy sản…”, ông Tấn nói.

Cũng theo ông Tấn, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác thực hiện phòng chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh vẫn còn 1 số tồn tại, hạn chế. Trong đó có thể kể đến như: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thủy sản còn ít nên ngư dân chưa nắm hết các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đặc biệt là các tàu cá ngoại tỉnh.

Ngoài ra, một số tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định; tàu cá không bật hoặc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình; hiện trạng hoạt động, hiển thị của các thiết bị giám sát hành trình khi bị sự cố về tín hiệu không rõ ràng, gây khó khăn cho thuyền trưởng trên tàu trong việc phát hiện và khắc phục sự cố. Việc phân định ranh giới được phép khai thác thủy sản trên vùng biển chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia trong khu vực…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Quảng Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU. Ảnh: A.V.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Quảng Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU. Ảnh: Lê Khánh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, hạ tầng nghề cá của tỉnh Quảng Nam đã được đầu tư khá đồng bộ, nhất là cảng cá Tam Quang (Núi Thành), khu neo đậu tàu cá kết hợp cảng cá Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên). Tuy vậy, số lượng tàu cá của Quảng Nam quá lớn, cường lực khai thác quá mạnh, cần có cơ chế, chính sách để dịch chuyển sang nuôi biển.

Trong quản lý cảng cá và kiểm soát nghề cá, Quảng Nam vừa thiếu vừa yếu về nhân lực, vật lực, cần đầu tư hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngành biên phòng cần mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm của ngư dân, cần tuyệt đối không cho xuất cảng vươn khơi nếu chủ tàu cá không xuất trình đầy đủ các giấy tờ, thủ tục theo quy định.

“Tàu cá đánh bắt ven bờ của tỉnh quá nhiều, lực lượng kiểm ngư của tỉnh cần đầu tư phương tiện để tuần tra, kiểm soát trên biển, ngăn chặn các hành vi đánh bắt hải sản tận diệt và sai ngư trường theo quy định. Ngành thủy sản cần phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương ven biển để tuyên truyền hiệu quả hơn về chống IUU, tạo chuyển biến trong ngư dân, góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EC”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ có chương trình hỗ trợ ngư dân khi giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua khiến cho nhiều tàu cá nằm bờ; đào tạo, nâng cao nghiệp vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá cho cán bộ Chi cục Thủy sản và Văn phòng kiểm soát nghề cá của tỉnh; thường xuyên cung cấp thông tin về dự báo ngư trường ở vùng biển khơi giúp địa phương hướng dẫn cho ngư dân khai thác hải sản đạt hiệu quả. Hiện nay, Quảng Nam không có phương tiện tuần tra trên biển, do vậy đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm, xem xét hỗ trợ kiểm ngư Quảng Nam 1 tàu vỏ composite để đảm bảo thực thi pháp luật thủy, hải sản hiệu quả.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.