| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Lâm tặc "nhờn" kiểm lâm

Thứ Ba 12/01/2010 , 10:28 (GMT+7)

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục KL Quảng Bình cho biết, trong năm 2009 đã xảy ra 8 vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng...

Cán bộ bảo vệ rừng Trần Quý Lai đang điều trị vết thương tại BV

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục KL Quảng Bình cho biết, trong năm 2009 đã xảy ra 8 vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng. Trong đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố 5 vụ, đưa ra ánh sáng hàng chục đối tượng liên quan. Tuy nhiên, đó chỉ là con số rất nhỏ.

Tại xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) trong lúc anh Dương Hùng Cường cùng 7 cán bộ bảo vệ rừng của LT Khe Giữa (Cty LCN Long Đại) đi tuần thì phát hiện một nhóm lâm tặc đang dùng 13 xe trâu vận chuyển gỗ trái phép. Khi thấy tổ tuần tra chúng đã “chủ động” tấn công trước. Đám đông lâm tặc liều lĩnh dùng dao, rựa, gậy lao vào bổ xuống người các nhân viên bảo vệ rừng. Hậu quả là anh Cường bị đánh gãy chân, bị chém nhiều nhát ở vùng mặt, chân. Tàn bạo hơn, khi thấy anh Cường bị đánh chém bất tỉnh, nhóm lâm tặc đã dùng rựa cắt lìa một vành tai của anh.

Cũng tại địa bàn LT Khe Giữa đúng đêm cuối năm 31/12/2009, lực lượng liên ngành huyện Lệ Thuỷ được tin có nhóm lâm tặc đang vận chuyển 1,5 m3 gỗ lậu tại địa bàn xã Ngân Thuỷ. Khi thấy tổ công tác đến, chúng đã dùng dao đi rừng tấn công hòng tẩu tán gỗ. Anh Trần Quý Lai đã bị bọn chúng chém vào tay trái làm đứt ngón tay trỏ. Sau đó chúng còn tiếp tục truy sát các đồng chí trong lực lượng liên ngành làm 2 người khác bị thương. Khi tổ kiểm tra được tăng cường lực lượng thì nhóm lâm tặc bỏ trốn vào rừng. Anh Lai đã được đưa về cấp cứu tại BV Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba (Đồng Hới).

Để đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á, Chi cục KL Quảng Bình đã lập đề án xin UBND tỉnh Quảng Bình đặt 3 trạm barie ở Tân Ấp, đường Xuyên Á và đường 10 nhằm cắt đứt những “cung đường” vận chuyển lâm sản lâu nay.

Thực tế cho thấy, lâm tặc thường được tổ chức khá chặt chẽ theo từng nhóm đông người và dùng hung khí tấn công lực lượng bảo vệ rừng đến cùng. Đặc biệt khi bị truy đuổi bọn chúng thường ra tay hết sức cực đoan và liều lĩnh. Đỉnh điểm là vụ trung úy bộ đội Biên phòng Hồ Thoong của Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã bị lâm tặc chèn chết khi đang truy đuổi chúng. Hay vào tháng 5/2009, tổ cơ động Hạt KL Quảng Trạch đang cho dừng một xe ôtô để kiểm tra lâm sản thì bất ngờ, đối tượng ngồi trên xe dùng bình xịt hơi cay tấn công một cán bộ KL rồi bỏ trốn. Sau đó không lâu, hai cán bộ kiểm lâm trạm Troóc (Hạt KL Bố Trạch) truy đuổi xe ôtô chở gỗ lậu đã bị chèn ngã dẫn đến trọng thương...

Đề cập đến việc lâm tặc đối đầu với lực lượng chức năng, ông Phan Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt KL Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng cho biết thêm: “Nổi cộm nhất vẫn là lâm tặc kích động hàng trăm đối tượng tham gia gây rối, cướp gỗ vi phạm tại xã Phúc Trạch, ngay trong VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Qua vụ này cho thấy, diễn biến chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp”.

 Ông Lê Thuận Thanh - Trưởng phòng Pháp chế Chi cục KL Quảng Bình cho hay: “Nhiều lần, khi đi trên đường chúng tôi phát hiện các vụ vận chuyển nhưng vì lực lượng mỏng, phương tiện thiếu nên việc truy đuổi ít có kết quả. Thậm chí, trước các đối tượng liều lĩnh, không chấp hành tín hiệu dừng xe tôi đã rút súng bắn nổ lốp nhưng đối tượng vẫn rồ ga bỏ chạy tới 2km mới chịu dừng”. Trao đổi với NNVN, ông Phạm Hồng Thái nhấn mạnh: “Ngăn chặn các hành vi này không chỉ kiểm lâm mà đòi hỏi các ngành liên quan như BQL rừng, Công an, Biên phòng, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ mới đủ sức mạnh trấn áp các đối tượng. Ngoài ra, chúng tôi thấy cần trao nhiều quyền hơn cho các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng”.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm